Đức Thánh cha tiếp kiến Hội Chữ Thập Đỏ của Ý
Đức Thánh cha Phanxicô cám ơn và ca ngợi sự dấn thân của Hội Chữ Thập Đỏ của Ý, nhân dịp kỷ niệm 160 năm thành lập Hội này.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Đức Thánh cha bày tỏ lập trường trên đây, trong buổi tiếp kiến sáng hôm mùng 06 tháng Tư vừa qua, dành cho Hội thiện nguyện này. Hội được thành lập ngày 15 tháng Sáu năm 1864, tại Milano thay thế cho Hiệp hội Ý cứu giúp những người bị thương và bệnh nhân chiến tranh. Hội hiện có 611 nhân viên và 160.000 người thiện nguyện.
Đức Thánh cha nói: “Ngày nay cũng như trước đây, sự hiện diện của anh chị em là một sự hiện diện hữu hiệu và quý giá, nhất là nơi tất cả những môi trường, trong đó tiếng bom đạn bóp nghẹt tiếng kêu của dân chúng, lòng khao khát hòa bình và ước mong tương lai của họ”.
Đức Thánh cha cũng nhận xét rằng: “Sự dấn thân của anh chị em được soi sáng nhờ những nguyên tắc nhân đạo, không thiên tư, trung lập, độc lập, thiện nguyện, đoàn kết và phổ quát, đó cũng là dấu chỉ cụ thể chứng tỏ tình huynh đệ là điều có thể. Nếu ta đặt con người ở trung tâm thì có thể đối thoại, cộng tác với nhau để mưu công ích, vượt thắng những chia rẽ, phá đổ những bức tường thù hận, vượt thắng các tiêu chuẩn lợi lộc và quyền hành, làm mù quáng và biến tha nhân thành kẻ thù. Đối với tín hữu, mỗi người là thánh thiêng. Mỗi thụ tạo nhân trần đều được Thiên Chúa yêu thương, vì thế họ là người mang những quyền bất khả nhượng. Được xác tín đó linh hoạt, bao nhiêu người thiện chí gặp nhau, nhìn nhận giá trị tối cao của sự sống, và vì thế nhìn nhận sự cần thiết phải bảo vệ, nhất là những người dễ bị tổn thương”.
Đức Thánh cha cũng ca ngợi khẩu hiệu do Hội Chữ Thập Đỏ Ý đề ra, trong dịp kỷ niệm 160 năm nay là “Bất cứ ở đâu và cho bất kỳ ai”. Đó là một kiểu nói, một quyết tâm, và cũng mô tả một lối sống. Ngài nhận xét thêm rằng:
“Bất kỳ ở đâu”, vì không có môi trường nào có thể không có đau khổ, vết thương thể xác và tâm hồn, trong các cộng đoàn nhỏ bé cũng như trong những góc bị quên lãng nhất của trái đất. Cần hoàn cầu hóa tình liên đới, hoạt động trên bình diện quốc gia và quốc tế, để mỗi người được nhìn nhận như một người anh chị em và tìm kiếm một tình bạn xã hội, bao gồm tất cả mọi người, và để tình trạng ấy không phải chỉ là những ảo tưởng”.
Tiếp đến là “cho bất kỳ người nào”, vì xã hội chúng ta là xã hội, trong đó “cái tôi” lớn hơn “chúng tôi”, xã hội của những nhóm nhỏ hơn là của tất cả mọi người. Từ “bất kỳ ai” nhắc nhở chúng ta rằng mỗi người có phẩm giá của họ và đáng được chúng ta quan tâm: chúng ta không thể ngoảnh mặt đi chỗ khác, hoặc loại bỏ họ vì tình trạng của họ, sự khuyết tật, gốc gác hoặc giai tầng xã hội của họ. Vì thế, tôi nhắn nhủ anh chị em hãy tiếp tục ở cạnh những anh chị em đang cần, với khả năng, lòng quảng đại và sự tận tụy, nhất là trong một thời đại trong đó nạn kỳ thị chủng tộc và khinh rẻ đang lan tràn”.
(Sala Stampa 6-4-2024)