Các vị lãnh đạo Công giáo tại Thánh địa hy vọng

Padre Francesco Patton, custode di Terra Santa | Vatican News

Các vị lãnh đạo Công giáo Latinh ở Thánh địa hy vọng cuộc đình chiến và trao đổi con tin và tù nhân giữa Israel và Hamas trong những ngày này mở ra một viễn tượng hòa bình.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, hôm 25 tháng Mười Một vừa qua, Đức Hồng y Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ Công giáo Latinh ở Jerusalem, tin rằng để vượt thắng chiến tranh tại Trung Đông, cần phải mang lại cho người Palestine viễn tượng một quốc gia riêng. Sự trao đổi thành công các con tin và tù nhân chứng tỏ rằng con đường để giải quyết xung đột không thể là chiến thắng quân sự tuyệt đối.

Đức Hồng y nói: “Giải pháp không thể ủy thác riêng cho quân đội mà thôi. Các nhà chính trị phải tái làm chủ tình hình và cống hiến những triển vọng cho tương lai, vì quân đội không thể cung cấp điều này. Trong viễn tượng đó, các cuộc đàm phán thành công để giải thoát con tin và tù nhân mở ra những triển vọng chính trị cho Gaza sau chiến tranh”.

Về phần cha Francesco Patton, Bề trên Dòng Phanxicô tại Thánh địa, cũng bày tỏ hy vọng một giải pháp chính trị cho vấn đề Israel - Palestine. Cha nói: “Tôi không biết giải pháp cụ thể có thể là giải pháp hai quốc gia hoặc điều gì khác, nhưng chắc chắn là phải nhìn nhận quyền hiện hữu của cả hai dân tộc”.

Tuyên bố với Đài Vatican, cha Patton nhấn mạnh rằng: “Cần phải tiến từ ngôn ngữ của võ khí tới cuộc thương thuyết.”

Trong việc ngưng bắn và trao đổi tù nhân và con tin, cha thấy “tầm quan trọng của cộng đồng quốc tế, nhất là sự can thiệp của một số nước... Trong bối cảnh bi thảm đang xâu xé Trung Đông, tiếng nói thiết yếu chính là tiếng nói nhân đạo, tiếng nói của lương tâm con người, vì nó nêu bật giá trị khôn sánh của mỗi người. Nếu không có những sắc thái trấn an và an ủi của tiếng nói nhân đạo, người ta không thể đi xa và chẳng vậy, người ta sẽ thu hẹp tất cả vào những tính toán, quân bình quyền lợi và sử dụng bạo lực”.

Trong bối cảnh này, cha Bề trên Patton cũng nói đến vai trò của các tín hữu Kitô. Cha cho biết tại Thánh địa, các Kitô hữu, một cách nào đó, tượng trưng lương tâm và là một cây cầu giữa hai thực tại, vì Kitô hữu thuộc về cả hai bên. Cha nói: “Chúng ta có các tín hữu Kitô tại Israel, Gaza, Cisjordani, và vì thế họ thi hành một chức năng, tuy giới hạn, nhưng có ý nghĩa. Thánh địa đang cần ánh sáng, cần men làm dậy lên tiếng nói của lương tâm trong xã hội Israel cũng như Palestine, nơi cần có những tiếng nói thế giá, không những nơi các Kitô hữu nhưng cả nơi người Hồi giáo, có thể đề nghị một hành trình không những chỉ ôn hòa nhưng cả hòa giải. Điều này áp dụng cho cả hai bên”.

(Vatican News 25, 26-11-2023)