Phút Cầu Nguyện, Thứ Sáu 05/01/2024: Lời giới thiệu
Trên trang báo điện tử Tuổi Trẻ và Cuộc Sống vào ngày 22/11/2013 đã đăng tải câu chuyện về một cô gái tên Quyên. Quyên sinh ra trong gia đình nghèo nơi vùng quê nghèo. Bố mất sớm, mẹ làm lụng vất vả chắt chiu từng đồng để nuôi hai chị em. Không đầu hàng số phận, Quyên cố gắng học tập để mong thoát được kiếp nghèo. Ước mơ vào Đại học của Quyên đã thành hiện thực. Để đủ tiền nuôi Quyên ăn học nơi mảnh đất Sài Gòn, đứa em trai phải nghỉ học. Bản thân Quyên cũng rất phấn đấu: vừa học vừa làm thêm để đủ trang trải cuộc sống.
Thế rồi Quyên gặp được anh. Anh ta là con nhà hào môn. Anh yêu Quyên vì nể phục sự phấn đấu vươn lên từ khó khăn, yêu Quyên vì cô mồ côi bố mẹ từ sớm, không có anh em họ hàng. Quyên ở với người bác lúc còn nhỏ nhưng giờ cũng đã thất lạc. Đó là những gì Quyên đã kể cho anh nghe. Gia đình anh rất thương cho hoàn cảnh của Quyên nên có ý định đưa cô về quê để tìm lại họ hàng. Thế nhưng, Quyên tìm mọi lý do để từ chối. Thấy có sự bất thường, anh tìm hiểu thì biết Quyên hay liên lạc và gửi tiền cho một người ở quê. Anh âm thầm đích thân tìm đến nơi ở của người ấy. Hóa ra, đó là mẹ của Quyên. Mẹ và em trai sống trong căn nhà rách nát, phía trước là một cái chòi lá bày bán vài thứ bánh kẹo, thuốc lá, nước ngọt rẻ tiền.... Người mẹ hom hem, bệnh tật, đứa em đang độ tuổi 22 mà gầy choắt như mới 15.
Khi biết tất cả sự thật, bạn trai của Quyên rất giận vì Quyên đã không nói cho anh ta biết về người mẹ.
Quý vị và các bạn thân mến
Nghe xong câu chuyện, có thể chúng ta thầm trách Quyên sao lại có cách hành xử thiếu suy nghĩ như vậy? Tại sao lại sợ người ta biết về mẹ mình? Lẽ ra phải hãnh diện giới thiệu về mẹ - một người mẹ tần tảo vì con, một người mẹ cả đời hy sinh để cho con khôn lớn nên người. Một người em sẵn sàng lùi về phía sau để nhường mọi cơ hội thay đổi cuộc đời cho chị. Vậy mà trước mặt người khác Quyên lại nhẫn tâm xóa đi sự hiện diện của họ trên cuộc đời này. Có lẽ chúng ta có trăm ngàn lý do để trách cứ Quyên. Tuy nhiên, nếu bình tâm suy, gẫm và thật lòng nhìn lại mối tương quan trong đời sống tâm linh giữa chúng ta với Thiên Chúa thì hình như những lời trách ấy nên dành cho chính bản thân chúng ta. Thật vậy, bản chất của Giáo hội là truyền giáo, giới thiệu Chúa cho người khác là hồn sống của mọi kitô hữu. Thế nhưng chúng ta không những không chủ động giới thiệu Chúa cho người khác mà đôi khi còn trở thành người che giấu Thiên Chúa. Khi có yêu cầu kê khai sơ yếu lý lịch, chúng ta lại không dám ghi vào mục tôn giáo là Thiên Chúa giáo. Điều này có khác gì việc chúng ta không dám thừa nhận Thiên Chúa là cha của mình. Hoặc chúng ta lại không dám làm dấu trước khi dùng bữa ở nơi đông người. Thậm chí bàn thờ Chúa cũng được đặt ở một vị trí kín đáo trong ngôi nhà, trong khi đó theo thói quen của người Việt Nam thì bàn thờ thường được đặt nơi phòng chính mà bất cứ ai vừa bước vào nhà cũng đều nhìn thấy.
Trong câu chuyện trên, lý do mà Quyên không cho ai biết mẹ của mình vì Quyên tự ti về hoàn cảnh gia đình nghèo khổ, người mẹ quê mùa ốm đau. Trong khi Thiên Chúa là cha chúng ta, Ngài là một vị Thiên Chúa quyền năng, là Chúa tể mọi loài, là Đấng chân thiện mỹ, giàu lòng yêu thương thì lẽ ra chúng ta phải hãnh diện để giới thiệu cho mọi người. Nếu chúng ta không dám giới thiệu Chúa cho người khác thì làm sao họ biết về Thiên Chúa và làm sao họ được đón nhận ơn cứu độ. Trong thư của thánh Phaolô gửi tín hữu Roma có viết: Tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa sẽ được cứu thoát. Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? (Rm10, 13 - 15). Chính vì lẽ đó, lời giới thiệu về Thiên Chúa cho người khác rất quan trọng. Đức Giêsu là Đấng Mêsia mà người Do Thái hằng mong đợi đã xuất hiện. Tuy nhiên không phải ai cũng được gặp Ngài, hoặc có khi gặp về thể lý nhưng chưa thực sự nhận biết Ngài là Đấng Thiên Sai. Trong bài tin mừng hôm nay cho thấy Philippe thật may mắn khi ông được gặp và đã nhận ra Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa. Không giữ niềm hạnh phúc ấy cho riêng mình, Philipphe đã nói với người bạn là Nathanaen về việc ông đã gặp Đức Giê su. Một điều thật tuyệt vời ở đây là khi Nathanaen nói: “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được?” thì Philipphe không tự ái, không nổi giận và cũng không tự kể về Đức Giêsu theo cái nhìn của mình. Philipphe khiêm tốn mời Nathanaen “đến mà xem”. Quả thật, nếu Philipphe không giới thiệu Đức Giêsu với Nathanaen thì ắt hẳn Nathanaen đã không đón nhận được ân huệ cao cả là trở thành môn đệ Đức Giê su.
Lạy Chúa, thế giới hôm nay cần lắm những lời giới thiệu như Philipphe bởi số người chưa nhận biết Chúa còn rất nhiều. Họ chưa biết Chúa có thể do họ cứng lòng nhưng cũng có thể do họ chưa một lần được nghe biết về Thiên Chúa. Xin cho chúng con mạnh dạn vượt lên mọi trở ngại để giới thiệu Chúa cho người khác qua chính đời sống của mình. Đó là trách nhiệm của chúng con đối với Thiên Chúa cũng như đối với tha nhân.
Bích Liễu