Phút Cầu Nguyện, Thứ Năm 10/04/2025: Ý nghĩa của cái tên
Cái tên rất quan trọng đối với con người, nó là mấu chốt để tồn tại và liên hệ với thế giới. Tên không chỉ cung cấp thông tin, mà còn ít nhiều nói lên tính cách, bản sắc của người đó, giúp người khác ghi nhận và nhớ về lịch sử cuộc đời họ.
Câu chuyện cái tên “Linh” của một cô gái Việt Nam 20 tuổi, vừa chuyển đến Mỹ cùng gia đình. Họ định cư ở một thành phố lớn, nơi hội tụ và có sự đa dạng văn hóa. Mặc dù tiếng Anh của cô rất tốt nhưng cái tên "Linh" luôn là nổi ám ảnh và là một trở ngại cho Linh, trong giai đoạn thích nghi và hoà nhập.
Trong những ngày đầu đến trường, Linh cảm thấy hồi hộp nhưng cũng đầy háo hức. Khi giáo viên gọi tên trong lớp, cô bất ngờ nghe tiếng cười khúc khích từ vài bạn đồng trang lứa. "Linh? Linh? Cái tên gì nghe buồn cười vậy!" tiếp theo đó là tiếng chế giễu. Linh cảm thấy mặt mình nóng bừng, và sự tự tin của cô dần sụp đổ. Mỗi lần giáo viên gọi tên, cô đều lo lắng. Dù biết rằng "Linh" có nghĩa là "giai điệu" trong tiếng Việt, nhưng mọi người xung quanh chỉ thấy nó là một cái tên đến từ thế giới nào đó, khó phát âm.
Một ngày nọ, Linh có dịp chia sẻ cảm xúc, sự tự ti của mình với một người bạn mới tên Sarah. Khi Linh kể về nỗi đau khi bị kêu tên. Linh tìm thấy sự đồng cảm nơi Sarah, vì cô cũng là nạn nhân của sự kỳ thị trước đó khi bị mọi người gọi là 'Sierra', một cái tên với nghĩa rất 'khó nghe'.
Những lời của Sarah khiến Linh cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Cô nhận ra mình không đơn độc trong cuộc chiến chống lại sự kỳ thị. Sau đó, Linh quyết định tổ chức một buổi trình bày về văn hóa Việt Nam trong lớp học. Khi cô chia sẻ về tên gọi của mình, về ý nghĩa sâu sắc và ý tưởng mà tên "Linh" mang lại, các bạn cùng lớp đã lắng nghe với sự quan tâm. Họ bắt đầu nhận ra rằng tên của mọi người đều có giá trị và câu chuyện riêng của nó.
Kính thưa quý vị và các bạn thân mến,
Trong thực tế chúng ta thấy có nhiều trường hợp thay tên, đổi họ vì nhiều lý do khác nhau: như tìm kiếm cơ may thăng tiếng trong môi trường xã hội mới hay để hội nhập, để thích nghi văn hoá, và để thăng tiến trong sự nghiệp.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp cho dẫu có khó khăn gì họ vẫn muốn giữ lại cái tên gốc mà chính bố mẹ gia đình đã đặt cho vì nó rất quan trọng, nó gắn liền với văn hoá và lịch sử của gia đình và bản sắc dân tộc bản thân. Riêng đối với những người Việt Nam sinh sống tại nước ngoài, cái tên cũng là cái nhắc nhở về cội nguồn. Như câu chuyện trên, Linh đã cố gắng giữ lại cái tên mà mình yêu thích cho dẫu có bị miệt thị và chịu nhiều thiệt thòi, áp lực. Nhưng với sự trân trọng và lòng yêu mến những cái làm nên chính mình, Linh không những giữ được tên gốc của mình mà còn cho những người có cái nhìn miệt thị có cơ hội hiểu được ý nghĩa về sự đẹp đẽ của nó trong văn hoá của người Việt. Câu chuyện của Linh không chỉ là một hành trình khám phá bản thân mà còn là bài học cho mọi người về sự chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt.
Việc đặt tên và cái tên của mỗi người có một ý nghĩa rất quan trọng ngay từ thời xa xưa. Trong Kinh Thánh, đặc biệt đối với người Do Thái, tên là một trong số yếu tố quan trọng nhất của con người vì nó xác định tâm hồn, bản chất của người đó. Khi một đứa trẻ Do Thái được sinh ra, quan trọng nhất trong sự kiện này chính là ý nghĩa tên gọi của đứa trẻ mà ông bà cha mẹ đặt cho, như tên “Adam” mang nghĩa “người đàn ông” hay tên Giêsu “Thiên Chúa là ơn cứu độ”. Cho nên, đối với niềm tin người Do Thái, ý nghĩa của cái tên rất quan trọng, qua cái tên con người muốn thể hiện lòng trung thành và tin tưởng vào Thiên Chúa. Trong Giáo Hội, vị Giáo hoàng đầu tiên được Chúa Giêsu đổi tên Simon thành Phêrô nghĩa là “tảng đá” là nền móng để xây dựng nên Hội Thánh. Cho đến hiện nay, các Tân Giáo Hoàng thường thay đổi tên của mình để tôn vinh một trong những vị tiền nhiệm hoặc lấy tên thánh hoặc đổi tên khác như vị Giáo Hoàng thứ 56, tên khai sinh của ngài là “Mercury”, vốn là tên của một vị thần La mã ngoại giáo, và khi trở thành Giáo Hoàng, ngài lấy tên là “Gioan” và trở thành Đức Giáo Hoàng Gioan II. Đó là một phong tục bất thành văn không nhất thiết phải tuân theo. Hay nghi thức đổi tên trong một số dòng tu để nói lên ý nghĩa con người cũ với tên cũ của thế gian sẽ được thay thế bằng tên mới với con người mới thuộc về Đức Kitô, như lời thánh Phaolô nhắn nhủ: Anh em hãy mặc lấy Chúa Kitô"(Rm 13,14).. Con người cũ và đời sống cũ sẽ chết đi cho thế gian, giờ đây mặc lấy con người mới để được một đời sống cho thiên Chúa.
Dưới anh sáng lời Chúa trong bài đọc Thiên Chúa đã gọi ông Apram và đổi tên ông thành Apraham, nghĩa là “cha của các dân tộc”. Apraham được đổi tên, đánh dấu một bước ngoặc mới cho cuộc đời ông, ngoài ý nghĩa trở nên con người mới thuộc về Chúa, việc đổi tên còn đánh dấu một cột mốc lịch sử quan trọng trong đời khi ông nhận lãnh sứ từ Thiên Chúa và từ đó ông đã sống một cuộc sống mới đời sống trong giao ước. Cùng nhìn lại ơn gọi của mỗi người chúng ta, và khi suy nghĩ về tên của mình, chúng ta được mời gọi nhận ra rằng mình đang trong hành trình cuộc đời này với Chúa – và chỉ bởi ân điển mà Ngài ban cho chúng ta mỗi ngày để chúng ta có thể bước đi một cách mật thiết với Ngài và tin cậy Ngài như người Cha từ ái trong mọi quyết định lựa chọn của chúng ta không.
Lạy Chúa Giêsu, con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con ơn gọi làm con Chúa. Xin soi sáng tâm hồn con, để con nhận ra trách nhiệm Chúa trao phó, đó là thánh hóa trần gian qua đời sống của con. Xin thánh hóa con trong Lời Ngài, để con trở nên khí cụ bình an và tình yêu, mang hy vọng và ánh sáng đến cho những người chung quanh, không sợ hãi trước những thử thách và luôn kiên trung tín đi theo con đường Ngài chỉ dẫn.
Bích Liễu
Trực tiếp
