Phút Cầu Nguyện, Thứ Bảy 04/05/2024: Chạnh lòng trước nỗi đau của tha nhân

Quý ông bà và anh chị em thân mến,

Ở một thị trấn nọ, có một người phụ nữ làm nghề cho vay nặng lãi và là chủ của một tiệm cầm đồ. Hầu như những người trong vùng đó đều không có cảm tình với bà. Trong mắt họ, bà này chỉ ngồi không mà kiếm tiền trên mồ hôi nước mắt của những người nghèo khi đòi họ chuộc lại những món đồ đã cầm cố với giá cao và còn lấy lãi rất lớn từ những khoản tiền cho người ta vay mượn. Thật vậy, người phụ nữ này luôn tính toán rất chi li với mọi người kể cả với những người họ hàng ruột thịt, và có nhiều mánh khóe để lấy được phần lợi cho mình. Cho nên, không chỉ người bên ngoài mà cả những người thân trong nhà của bà đều chẳng muốn kết thân và gần gũi với bà.

Một ngày nọ, một cơn đau dữ dội ập đến với bà chủ tiệm cầm đồ. Bà được đưa đến bệnh viện và kết quả là bà bị ung thư giai đoạn cuối. Thật không thể diễn tả được sự bất ngờ và đau đớn tột cùng của người phụ nữ ấy, khi biết mình chỉ còn sống được có vài tháng nữa. Tin đồn về bà chủ tiệm cầm đồ cho vay nặng lãi bị bệnh nặng sắp chết bắt đầu lan ra trong vùng. Những người từng không hài lòng với bà trong chuyện liên hệ về tiền bạc bắt đầu hí hửng xầm xì với nhau: “Bà ta ăn ở thất đức quá nên trời phạt cho đoản mệnh ấy mà”...

Tuy nhiên, có môt bà chủ quán nước nhỏ gần đó đã lên tiếng với những người đến xầm xì ở quán nước của mình về bà chủ tiệm cầm đồ. Bà nói:

- Cho dù bà ấy sống như vậy, nhưng thử nghĩ xem khi đối diện với căn bệnh nan y đó và biết mình sắp chết, bà ấy đau buồn biết chừng nào. Nếu chúng ta ở trong trường hợp của bà ấy thì sao? Thôi, chúng ta đừng hờn trách bà ấy nữa, nhưng hãy đến an ủi bà ấy nhé!

Dần dần, những lời nói đó của bà chủ quán nước cũng lay động được lòng nhiều người trong vùng, và họ không còn xầm xì về bà chủ tiệm cầm đồ nữa, nhưng tìm đến thăm hỏi và an ủi bà.

Quý ông bà và anh chị em thân mến,

“Ác giả ác báo” là nhận định đã in sâu trong suy nghĩ của rất nhiều người: những kẻ làm điều ác sẽ phải chịu những hậu quả xấu, và gặp đau khổ tương xứng với hành động của họ. Do vậy mà không lạ gì, trong câu chuyện bên trên, những người bất mãn với lối sống tham lam, thiếu tình người của bà chủ tiệm cầm đồ đã cảm thấy hả hê, khi hay tin bà này gặp bạo bệnh và sắp đối mặt với cái chết. Trong cuộc sống hằng ngày, có lẽ không ít lần, chúng ta cũng bắt gặp đâu đó nơi mình một cảm xúc vui thích, hả hê có khi bộc lộ ra bên ngoài hoặc có khi được che giấu rất kín đáo khi thấy những người làm điều không tốt cho mình và đối nghịch với mình gặp phải rủi ro và bất hạnh. Hồi còn đi học, thấy đứa bạn cùng lớp hay bắt nạt mình bị thầy cô phạt cho mấy roi vì cái tội không thuộc bài, có lúc mình cảm thấy vui vui. Ở chỗ làm việc, khi biết tin người đồng nghiệp hay nói xấu, gây trở ngại cho mình trong công việc bị sa thải, mất việc làm, bất giác mình cũng chợt cảm thấy hả hê. Và như vậy, nhiều lúc trong vô tình hay cố ý, chúng ta đã vô tâm và thản nhiên mỉm cười trên nỗi buồn và đau khổ của người khác.

Thái độ này hoàn toàn đi ngược với đức ái Kitô giáo. Đức ái Kitô giáo giúp chúng ta tin nhận rằng tất cả mọi người dù là người tốt hay không tốt, người thân cận hay xa lạ, người hằng yêu thương, giúp đỡ hay căm ghét, hãm hại ta, người cùng chung dòng máu hay khác dòng máu, và những người không cùng chung màu da, ngôn ngữ, tôn giáo... đều là anh chị em có cùng một Cha trên trời là Thiên Chúa. Và Thiên Chúa - Cha của chúng ta yêu thương tất cả mọi người bất kể họ là ai: “Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5, 45). Từ trong sâu thẳm cõi lòng, chắc chắn ai trong chúng ta cũng muốn được yêu thương, cũng mong có ai đó hiểu, cảm thông, chia sẻ và ở bên cạnh khi mình gặp đau khổ và bất hạnh. Nếu bất chợt bắt gặp một nụ cười đắc chí, nghe được những câu nói mỉa mai, hả hê trong lúc mình gặp nguy khó, chúng ta sẽ đau lòng biết bao! Chúng ta cầu xin Chúa ban ơn giúp chúng ta tận tình sống đức ái Kitô giáo qua việc tránh thái độ vui thích khi thấy ai đó gặp tai ương, đau khổ và biết đặt mình vào vị trí của người khác để vui với người vui, và khóc với người khóc.

Lạy Chúa, xin cho chúng con khi gọi Chúa là Cha thì cũng biết gọi những người xung quanh là anh, chị, em để mở lòng tha thứ khi họ xúc phạm mình và biết chạnh lòng khi họ gặp đau khổ, như Chúa vẫn hằng luôn tha thứ và chạnh lòng trước những nỗi khổ của chúng con. Amen.

Nt. Rosa Lê Ngọc Thùy Trang, MTGCQ.