Việc tham dự phụng vụ tại Jerusalem bị giới hạn
Vì chiến tranh, chính quyền Israel giới hạn việc lui tới các nơi thánh ở Jerusalem nên số tín hữu tham dự các lễ nghi tôn giáo và phụng vụ cũng bị giảm bớt.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Hiện nay, nhà cầm quyền Israel chỉ cho phép các nam tín hữu Hồi giáo dưới 55 tuổi và phụ nữ dưới 50 tuổi được tới Đền thờ trên Núi, là Nơi Thánh quan trọng thứ ba của Hồi giáo. Nhưng những biện pháp này cũng ảnh hưởng tới các tín hữu Kitô, khiến họ không thể tham dự các lễ nghi quan trọng.
Trong khi đó, Tuần thánh đến gần mà Jerusalem vẫn ở trung tâm căng thẳng và xung đột. Sự sống chung giữa ba tôn giáo tuy khó khăn nhưng vẫn có thể, theo cha Ibrahim Faltas, Đại diện Bề trên Dòng Phanxicô tại Thánh địa.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Công giáo Avvenire, Tương Lai, số ra ngày 17 tháng Ba vừa qua ở Ý, cha cho biết ý định cử hành Đàng Thánh giá theo thói quen dọc theo Via Dolorosa, con đường Chúa Giêsu đã vác thánh giá, nhưng không được phép vì lý đụng độ ở Cổ Thành, nên không thể cử hành đường. Vì quyết định của chính phủ, các tín hữu Kitô ở miền Cisjordani không được đến Jerusalem để cầu nguyện và cũng không thể tham dự cuộc rước Chúa nhật Lễ Lá.
Cha Faltas nhận xét rằng: “Sự trừng phạt tập thể như vậy nhắm vào mọi người Palestine, không phân biệt tôn giáo của họ. Có sự leo thang nhiều hơn tại Thánh địa, vì lực lượng Hamas kêu gọi gia tăng các cuộc phản đối và tấn công Israel trên toàn lãnh thổ, vào ngày thứ Năm, ngày 21 tháng Ba này, áp thứ Sáu đầu tiên của tháng chay tịnh Ramadan.
Tất cả những điều đó xảy ra trong khuôn khổ ba tôn giáo độc thần đang trải qua thời điểm quan trọng: không những lễ Phục sinh của Chúa Giêsu đang đến gần, nhưng cũng là dịp lễ Vượt Qua của Do thái, và trong tháng Ramadan của các tín hữu Hồi giáo, tưởng niệm việc bắt đầu mặc khải.
Cha Faltas cũng nhận xét rằng cho đến nay, sự sống chung giữa các tôn giáo vẫn có thể, cả trong những dịp lễ khác nhau, tuy có khó khăn. Cha nói: “Tôi không thể tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra trong chiến tranh, trong một bầu không khí luôn căng thẳng. Sự cực đoan và cuồng tín thách đố nhau trong việc gia tăng chết chóc và căm hận.
Cha Faltas là người Ai Cập, đại diện cho cha Bề trên Francesco Patton, người Ý. Cha kêu gọi rằng: “Trong bối cảnh xung đột tàn hại, nhu cầu kinh nguyện càng được cảm thấy mạnh hơn và trở thành một sự cần thiết đối với những người có tín ngưỡng. Chiến tranh, oán ghét, bất thuận không để cho các tín hữu cầu nguyện tại các Nơi Thánh và đó không phải là điều đúng. Jerusalem ở trung tâm bất thuận: chúng ta hãy xin Chúa biến nó thành trung tâm của hiệp nhất, tôn trọng và yêu thương đối với toàn thể nhân loại”.
(Avvenire 17-3, Ekail 20-3-2024)