Tâm tình của Đức Hồng y Quốc vụ khanh sau chuyến viếng thăm Ucraina

Photo: Vatican News
Hôm 24 tháng Bảy năm 2024, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã kết thúc năm ngày viếng thăm tại Ucraina và ngài bày tỏ mong ước ngành ngoại giao nên có sáng kiến, tìm được một con đường để giúp chấm dứt chiến tranh đau thương tại nước này.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Trong cuộc phỏng vấn dành cho phái viên của chương trình tiếng Ucraina của Đài Vatican, trong cuộc viếng thăm, Đức Hồng y đã kể lại tâm tình đau thương trước những chết chóc và tàn phá của chiến tranh. Ngài cảm động nói: “Tôi nghĩ đến một bà mẹ còn trẻ bị mất đứa con 25 tuổi; tôi được biết thảm kịch bao nhiêu người chết, trong đó có rất nhiều thi thể vẫn chưa tìm thấy, và nghĩa vụ con người, cũng như cảm thức Kitô phải dành cho các thi hài ấy một sự an táng xứng đáng. Cũng vậy, có tình trạng rất nhiều người bị thương, bị què cụt, tàn phế... Chiến tranh để lại những dấu vết đau thương trong cuộc sống và trong thân thể của xã hội...”

Đức Hồng y Parolin cũng nhấn mạnh ý nghĩa tổng quát chuyến viếng thăm của ngài tại Ucraina trong những ngày qua, là giữ cho sự chú ý của cộng đồng quốc tế được luôn sinh động đối với cuộc chiến tranh tại nước này, để nó khỏi trở thành một cuộc xung đột bị quên lãng như các cuộc xung đột khác, và ước gì cũng có sự quan tâm nhiều hơn đối với các cuộc xung đột ở các đại lục khác.

Tuy nhiên, Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh cảnh giác trước nguy cơ “chúng ta nghiền nát mọi thứ”, biến một điều nghiêm trọng như chiến tranh trở thành một tin tức, không hơn không kém”.

Ngài nói: “Cần luôn luôn đảm bảo sự giúp đỡ nhân đạo cho Ucraina, trong khi về mặt ngoại giao, cần có một tinh thần sáng tạo, tìm ra những công thức có thể giúp mở ra những con đường hòa bình. “Tôi có cảm tưởng chúng ta còn xa vời một giải pháp thương thuyết”.

Đức Hồng y Parolin bày tỏ sự ủng hộ Diễn đàn hòa bình của Tổng thống Ucraina, ông Zelensky, diễn ra tại Thụy Sĩ vừa qua, và nói: “chúng tôi ủng hộ diễn đàn này ngay từ đầu, như một cố gắng hòa bình, có thể giúp ích một cách nào đó, tuy ý thức rõ về điểm yếu của diễn đàn, vì không có sự can dự của phía Nga. Hiển nhiên, khi người ta thực hiện hòa bình, thì cần phải thực hiện giữa hai bên tranh chấp. Nhưng tôi thấy dường như điều này còn xa vời. Tôi hy vọng người ta cũng có thể tìm ra những công thức khác, có thể mở ra một vài tia sáng”.

(Vatican News 23-7-2024)