Hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh

Photo: Vatican Media
Trong chuyến đi đến Thánh địa trong vai trò Đặc sứ của Đức Thánh cha để chủ sự lễ thánh hiến Nhà thờ Chúa Giêsu chịu Phép rửa, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh sẽ lưu lại Giordani trong ba ngày, từ ngày 10 đến ngày 13 tháng Giêng tới đây. Lý do là vì ngoài lễ thánh hiến nhà thờ Chúa Giêsu chịu phép rửa, Đức Hồng y còn có nhiều cuộc gặp gỡ với chính quyền và cộng đồng Giáo hội, cũng như với giáo quyền địa phương.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Lễ thánh hiến sẽ diễn ra vào lúc 11 giờ sáng ngày 10 tháng Giêng, sau đó là buổi tiếp tân với sự hiện diện của các vị lãnh đạo chính quyền, các đại sứ, và các chức sắc của Giáo hội địa phương.

Thứ Bảy, ngày 11 tháng Giêng, Đức Hồng y Parolin sẽ gặp gỡ Hàng giáo sĩ và tu sĩ Giordani, và có thể ngài sẽ thăm tổ chức bác ái Caritas Giordani cũng như Cơ quan cứu trợ Công giáo Hoa Kỳ. Ban chiều, Đức Hồng y sẽ gặp đại diện các Giáo hội Kitô và cũng sẽ có cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Giordani, ông Ayman Safadi và một vài vị đại sứ.

Chúa nhật, ngày 12 tháng Giêng, Đức Hồng y Quốc vụ khanh sẽ được Quốc vương Abdullah của Giordani tiếp kiến, rồi ngài viếng thăm nhà thờ Công giáo Latinh ở Madaga, trước khi cử hành thánh lễ tại đền thánh trên núi Nebo, cao 817 mét, cùng với cha Phanxicô Patton, Bề trên Dòng Phanxicô tại Thánh địa. Nebo là nơi có mộ của ông Môsê.

Vì cuộc viếng thăm trên đây, Đức Hồng y Parolin sẽ không có mặt tại Vatican, khi Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden đến viếng thăm từ giã Tòa Thánh. Cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Biden và Đức Thánh cha dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 10 tháng Giêng tới đây. Tuy nhiên trước đó, thứ Năm, ngày 09 tháng Giêng, Đức Thánh cha sẽ tiếp kiến Đoàn Ngoại giao các nước cạnh Tòa Thánh, nhân dịp đầu năm mới. Trong diễn văn quan trọng nhân dịp này, chắc chắn ngài sẽ cập đến nhiều vấn đề thời sự, trong đó có tình hình Ucraina và Trung Đông.

Hiện nay trên thế giới, 184 quốc gia có tương quan ngoại giao với Tòa Thánh và 12 nước khác không có quan hệ ngoại giao hoàn toàn, trong số này 8 nước không có đại diện nào của Tòa Thánh, nổi bật trong đó có Afghanistan, nơi mà từ sau khi nhóm Taliban trở lại nắm quyền tại đây, không có thánh đường nào được hoạt động. Trước đó, trong khuôn viên Đại sứ quán Ý có một nhà nguyện, nhưng rồi đại sứ quán này đóng cửa dưới chế độ mới, và các cha dòng thánh Barnabê coi sóc nhà nguyện, cũng phải rời bỏ Afghanistan.

Một quốc gia khác không có đại diện nào của Tòa Thánh, là Arập Saudi. Dầu vậy, Tòa Thánh cũng có một số tương quan không chính thức với nước này. Ví dụ, Tòa Thánh tham dự, như một quan sát viên, việc thành lập “Trung tâm đối thoại liên tôn, gọi tắt là KAICIID, được Arập Saudi bảo trợ và có trụ ở tại Vienne bên Áo.

Trung Quốc không có tương quan ngoại giao nào với Tòa Thánh. Tòa Sứ thần Tòa Thánh tại Đài Bắc, từ năm 1979, không có vị Sứ thần, nhưng có một Đức ông Đại biện. Ngoài ra, có một Sứ bộ ngoại giao của Tòa Thánh, gọi là “Sứ bộ nghiên cứu”, đặt tại Hong Kong, và chính thức gắn liền với Tòa Sứ thần Tòa Thánh tại Philippine. Năm 2016, lần đầu tiên, Niên giám Tòa Thánh có ghi địa chỉ và số điện thoại của Sứ bộ này ở Hong Kong. Sau khi gia hạn hiệp định giữa Trung Quốc và Tòa Thánh hồi tháng Mười năm vừa qua. Đức Hồng y Parolin, Quốc vụ khanh cho biết Tòa Thánh cũng sẵn sàng di chuyển Văn phòng nghiên cứu này từ Hong Kong về Bắc Kinh.

Không có mối quan hệ ngoại giao nào giữa Tòa Thánh với Triều Tiên hay Bắc Hàn, Bhutan, Maldive và Tuvalu.

Tuy không có sứ thần, nhưng Tòa Thánh có Khâm sứ Tòa Thánh, tức là Đại diện của Đức Giáo hoàng cạnh Giáo hội địa phương, nhưng không có tính cách ngoại giao trước mặt chính quyền dân sự, tại một số nước, như Comore, Somalia bên Phi châu, Brunei và Lào. Tại hai nước này, cũng đã có hồng y. Đức Thánh cha đã bổ nhiệm một Hồng y tại Brunei, nhưng tiến chức đã qua đời đột ngột hồi năm ngoái, và không hề được trao mũ hồng y vì không thể đến Roma trong thời đại dịch Covid-19. Quốc gia Lào cũng có một hồng y, là đại diện Tông tòa ở Viên Chăn, nhưng Đức Hồng y người Lào cũng mới từ nhiệm và nghỉ hưu.

(Acistampa.com)