Đức Thánh cha kêu gọi vun trồng hòa hợp giữa các tôn giáo, chủng tộc, văn hóa

Photo: Vatican Media

Đức Thánh cha Phanxicô tái kêu gọi hỗ trợ việc vun trồng sự hòa hợp giữa các tôn giáo, chủng tộc và các nền văn hóa.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Ngài đưa ra lời mời gọi này, trong buổi Tiếp kiến sáng ngày 04 tháng Tư vừa qua, dành cho các tham dự viên cuộc Hội thảo đầu tiên giữa Hội đồng Tòa Thánh Đối thoại liên tôn và Hội nghị các vị lãnh đạo tôn giáo truyền thống và thế giới.

Trong phái đoàn của Hội nghị này đến từ Cộng hòa Kazakhstan, ngoài các vị lãnh đạo tôn giáo còn có đại diện Thượng viện nước này cũng như Trung tâm Nursultan Nazarbayev đối thoại liên tôn và giữa các nền văn hóa. Đức Thánh cha đã đến phát biểu tại Hội nghị này, trong cuộc viếng thăm hồi tháng Chín năm 2022, tại Kazakhstan.

Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, Đức Thánh cha đã nhắc lại cuộc gặp gỡ lịch sử đó và ca ngợi tinh thần và sáng kiến của Kazakhstan trong lãnh vực này, và ngài gọi “đó là một sáng kiến đầy huân công, rất đáp ứng ơn gọi của quốc gia này, là một “nước gặp gỡ”. Đức Thánh cha đặc biệt nêu bật ba khía cạnh nổi bật của Kazachstan trong việc vun trồng sự hòa hợp giữa các tôn giáo, chủng tộc và văn hóa: đó là tôn trọng những khác biệt, dấn thân cho “căn nhà chung” và sau cùng là thăng tiến hòa bình.

Về khía cạnh thứ nhất, tôn trọng những khác biệt, là yếu tố không thể loại bỏ trong nền dân chủ, cần phải được liên tục thăng tiến, góp phần rất nhiều vào việc kiến tạo hòa hợp, xét vì nhà nước là “đời, trung lập về tôn giáo, một đặc tính đời lành mạnh, không trộn lẫn tôn giáo và chính trị, nhưng phân biệt giữa hai bên để mưu thiện ích cho cả hai, đồng thời nhìn nhận các tôn giáo có vai trò thiết yếu trong xã hội, phục vụ công ích. “Ngoài ra, hòa bình và hòa hợp xã hội được nâng đỡ, tại Kazachstan, nhờ sự đối xử bình đẳng giữa các chủng tộc, tôn giáo và văn hóa về công ăn việc làm, tôn giáo và văn hóa, các chức vụ công quyền và tham gia đời sống chính trị và xã hội của đất nước, để không một ai cảm thấy bị kỳ thị hoặc được ưu đãi vì thuộc về một tôn giáo, chủng tộc và văn hóa nào”.

Khía cạnh thứ hai là bảo tồn thiên nhiên, căn nhà chung của chúng ta. “Sự tôn trọng thiên nhiên là hệ luận không thể từ bỏ được của lòng yêu mến Đấng Tạo Hóa, đối với anh chị em mà chúng ta cùng chia sẻ cuộc sống trên trái đất, và đặc biệt la đối với các thế hệ tương lai”.

Sau cùng, chiều kích thứ ba là thăng tiến hòa bình. Đức Thánh cha nói: “Ngày nay, có quá nhiều người nói về chiến tranh: những lời hùng biện gây chiến rất tiếc đã trở nên thời thượng. Và trong khi những lời oán ghét được phổ biến, con người chết trong sự tàn bạo của các cuộc xung đột. Trái lại, chúng ta cần nói về hòa bình, mơ ước hòa bình, mang lại những sáng tạo và cụ thể cho những mong đợi về hòa bình, là mong ước đích thực của dân tộc và con người”.

Từ đó, Đức Thánh cha kết luận rằng: “Ước gì cuộc gặp gỡ của anh chị em ở đây, trong sự tôn trọng những khác biệt và với ý hướng làm cho nhau thêm phong phú trở thành một gương mẫu về sự không coi tha nhân như một đe dọa, nhưng như một món quà và là người đối thoại quý giá để cùng nhau tăng trưởng”.

(Sala Stampa 4-4-2024)

Tags