Đức Hồng y Sako: Các Kitô hữu Irak bị thương tổn
Đức Hồng y Louis Raphael Sako, Giáo chủ Công giáo Canđê, than phiền rằng: “Các tín hữu Kitô Irak đang thấy các nhân quyền hợp pháp và quyền quốc gia của họ bị vi phạm”.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Trong thông cáo, công bố sáng ngày 23 tháng Chín vừa qua, Đức Hồng y Sako nói đến những lạm dụng mà cộng đoàn Kitô Irak phải chịu. Họ bị loại trừ khỏi công ăn việc làm, bị chiếm đoạt các tài nguyên và tài sản hợp pháp, phải chịu tình trạng nhất loạt thay đổi dân số tại các thành thị của Kitô hữu ở miền Bình nguyên Ninive. Tất cả đều diễn ra dưới mắt của nhà nước Irak, mặc dù các Kitô hữu trung thành và dấn thân cho đất nước của họ”.
Đức Hồng y Sako nhắc lại rằng sau khi chế độ của Saddam Hussein sụp đổ, rồi sau khi bị trục xuất khỏi thành phố Mosul và vùng Ninive do hoạt động của các lực lượng Hồi giáo ISIS hồi năm 2014, một triệu Kitô hữu đã rời bỏ Irak để di cư và nay chỉ còn lại nửa triệu tín hữu tại Irak. Họ buộc lòng di cư vì những lý do an ninh do các nhóm dân quân, vì chính trị phe phái, kinh tế tham nhũng, xã hội cực đoan về tôn giáo.
Đức Hồng y Thượng phụ Công giáo Canđê cũng trích dẫn vài thống kê của tổ chức Hammurabi và Phong trào dân chủ Assiri, hơn 1.200 Kitô bị giết, các linh mục tu sĩ bị bắt cóc và sát hại ở Mosul và Baghdad, như Đức cha Moulos Faraj Rahho, Tổng giám mục Mosul của Công giáo Canđê, và 85 nhà thờ cùng với đan viện ở Baghdad, Mosul và Bassora đã bị những thành phần ISIS cực đoan pháo kích, nạn tịch thu tài sản của các Kitô hữu do các nhóm mafia địa phương.
Cùng thuộc danh sách những tệ nạn trên đây, hồi tháng Bảy vừa qua, có sự kiện Tổng thống Irak, ông Abdul Latif Rashid thu hồi sắc lệnh số 147 năm 2013 của Tổng thống tiền nhiệm và không còn công nhận Đức Hồng y Sako là Thượng phụ của Giáo hội Công giáo Canđê, thủ lãnh của Giáo hội Canđê tại Irak và trên thế giới, và cũng là vị bảo quản tài sản của Giáo hội.
Đức Hồng y Sako gọi quyết định này là một cuộc tấn công các tín hữu Kitô thiểu số và cho thấy những thủ đoạn chính trị để chiếm đoạt tài sản của Giáo hội. Ngoài ra, có những vi phạm khác như hậu quả của luật về quy chế nhân sự và hồi giáo hóa các trẻ vị thành niên, làm cho các tín hữu Kitô mất tin tưởng nơi chính quyền.
Đứng trước những tình trạng như thế, Giáo hội đã động viên tất cả năng lực của mình và nỗ lực hết sức để giúp đỡ và khích lệ các tín hữu Kitô ở lại Irak, vì con số Kitô giảm từ 4% xuống còn 1% dân số Irak, nhưng Giáo hội không phải là người thay thế nhà nước.
Từ đó có vấn đề: “Làm sao duy trì các Kitô hữu tại Irak và củng cố sự hiện diện của họ từ 2.000 năm nay tại nước này?”
Theo Đức Hồng y Sako, những lời tuyên bố liên đới và những lời hứa hẹn không ích gì cả, nếu không có những hoạt động thực sự và trực tiếp để ngăn chặn những vi phạm, bất luận do ai. Theo ngài, giải pháp là đối xử theo nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật đối với các nhóm chủng tộc và tôn giáo bị gạt ra ngoài lề, bảo đảm cho mỗi công dân được sống trong khuôn khổ pháp luật của đất nước. Chính nhờ căn bản pháp luật mà các công dân được tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa của đất nước họ”.
(Sir 23-9-2023)