Đức Hồng y Quốc vụ khanh minh định lập trường Tòa Thánh về Ucraina

Đức Hồng y Pietro Parolin | ANSA

Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã minh định lập trường của Đức Thánh cha Phanxicô về chiến tranh Ucraina và Nga, và kêu gọi giải quyết bằng đường lối ngoại giao.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Trong những ngày vừa qua, có nhiều phản ứng tiêu cực từ phía chính phủ Ucraina và một số nhân vật khác, cả Hội đồng Giám mục Đức, về cuộc phỏng vấn Đức Thánh cha dành cho đài truyền hình Thụy Sĩ-Ý. Họ cho rằng ngài kêu gọi Ucraina đầu hàng, “giương cờ trắng”, chỉ nói về một phía, mặc dù có lời giải thích ngay của Phát ngôn viên Tòa Thánh, ông Matteo Bruni về vấn đề này.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo “Người Đưa Tin Chiều”, Corriere della sera, ra ngày 12 tháng Ba vừa qua ở Ý, Đức Hồng y Parolin nói rằng: “Lời kêu gọi của Đức Thánh cha [trong cuộc phỏng vấn] là hãy tạo điều kiện để có một giải pháp ngoại giao cho cuộc tìm kiếm một nền hòa bình công chính và lâu bền”. Theo nghĩa đó, hiển nhiên là việc kiến tạo những điều kiện như thế không phải chỉ từ một phía, nhưng là cả hai, và điều kiện đầu tiên, theo tôi nghĩ, là chấm dứt sự gây hấn, xâm lăng. Không bao giờ được quên bối cảnh, và trong trường hợp này, bối cảnh là câu hỏi được đưa ra với Đức Thánh cha, và khi trả lời, ngài đã nói về cuộc thương thuyết, đặc biệt là can đảm thương thuyết, chứ không bao giờ là một sự đầu hàng. Tòa Thánh theo đường hướng này và tiếp tục kêu gọi “ngưng chiến”, và việc ngưng chiến trước tiên phải là những người gây hấn, rồi tiếp đó là mở cuộc thương thảo. Đức Thánh cha giải thích rằng thương thuyết không phải là yếu đuối, nhưng là sức mạnh. Không phải là đầu hàng, nhưng là can đảm. Và ngài nói với chúng ta rằng chúng ta phải coi trọng hơn sinh mạng con người, đối với hàng trăm ngàn người đã bị hy sinh trong cuộc chiến giữa lòng Âu châu này. Đó là những lời có giá trị đối với Ucraina cũng như cho Thánh địa, và các cuộc xung đột khác đang làm thế giới đẫm máu”.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Hồng y Parolin cũng bày tỏ “lo âu của Tòa Thánh về nguy cơ lan rộng chiến tranh, nâng cao mức độ xung đột, làm bùng lên những cuộc đụng độ võ trang mới, chạy đua vũ trang, đó là những dấu hiệu bi thảm và đáng lo âu, theo nghĩa đó. Lan rộng chiến tranh có nghĩa là có thêm những đau khổ mới, tang tóc mới, tàn phá mới, thêm vào những điều mà nhân dân Ucraina, nhất là các trẻ em, phụ nữ, người già, và các thường dân, đang phải chịu, trả giá quá đắt đỏ cho cuộc chiến bất công này”.

Về chiến tranh giữa Israel và Hamas, Đức Hồng y Quốc vụ khanh cho biết ngài đặc biệt lo âu vì sự oán ghét đang bành trướng. “Bao giờ người ta mới có thể chữa lành những vết thương sâu rộng như vậy?” Sau cùng, ngài nói đến nguy cơ chết chóc vì “hạt nhân” không phải là không có. “Chỉ cần xem một số đại diện chính quyền thường xuyên đưa ra những lời đe dọa dùng vũ khí hạt nhân. Tôi chỉ có thể hy vọng rằng đó chỉ là một thứ tuyên truyền chiến lược chứ không phải là một lời cảnh giác về một điều thực sự có thể. Về sự lo sợ sâu đậm của Tòa Thánh, tôi tin rằng lo sợ này là nhiều tác nhân gây ra tình trạng thê thảm này đi tới độ ngày càng khép kín trong những lợi lộc riêng tư và không làm điều họ có thể để đi tới một nền hòa bình công chính và vững bền”.

Những hiểu lầm lời Đức Thánh cha

Trong số những người hiểu lầm về những lời tuyên bố của Đức Thánh cha trong cuộc phỏng vấn, đứng đầu là chính phủ Ucraina. Ngoại trưởng nước này đã triệu Đức Tổng giám mục Visvaldas Kulbokas, người Lituani, Sứ thần Tòa Thánh tại thủ đô Kiev đến và nêu các vấn nạn trên đây, đặc biệt là thành ngữ “giương cờ trắng”. Đức Sứ thần giải thích rằng “Cụm từ ‘giương cờ trắng’ là ở trong câu hỏi của ký giả Thụy Sĩ, trong câu trả lời, Đức Thánh cha nhắc lại thành ngữ đó là để nói rằng “Thương thuyết không bao giờ là đầu hàng”. Giả sử ký giả hỏi Đức Giáo hoàng về Nga, câu trả lời của ngài có thể sẽ là: “Anh không được giết hại, và không được gửi binh sĩ, bắn các tên lửa và máy bay không người lái đến tấn công Ucraina!”

Đức Sứ thần Tòa Thánh nhắc lại rằng vấn đề thương thuyết mà Đức Giáo hoàng nói đến cũng đã được thảo luận trong giới chính trị và xã hội ở Ucraina. “Tại nước này, dân chúng đặt câu hỏi đâu là một con đường khác thay vì phải hy sinh lớn hơn. Từ lịch sử của mình, người Ucraina biết rằng sự tùng phục [Nga] như vậy phải trả giá đắt đỏ thế nào. Điều này bao gồm đau khổ bản thân, nhưng cả thảm hại tập thể Holodomor, toàn dân Ucraina chịu cảnh chết đói do Stalin gây ra. Chính vì thế, dân Ucraina đang tự hỏi: “Phải chăng sẽ có thêm nhiều người chết nếu chúng ta tiếp tục chống lại kẻ xâm lăng, hay là có nhiều người chết hơn nếu chúng ta đạt tới một thỏa hiệp? Và nếu chọn giải pháp thứ hai này, thì chọn thỏa hiệp thế nào? Đó không thể là một sự tùng phục”.

Đức Tổng giám mục Kulbokas nói thêm rằng sứ mạng của Tòa Thánh là mời gọi đối thoại. “Chúng tôi mời gọi cởi mở và đối thoại giữa các dân nước và Đức Giáo hoàng muốn nhấn mạnh khía cạnh này. Đối thoại là con đường vượt thắng cả những chướng ngại lớn nhất”.

(Vatican News 12-3-2024; Ekai.pl 12-3-2024)