Đức Hồng y Pizzaballa: Nói về hòa bình tại Thánh địa là điều quá sớm

© Magyar Kurir / Zita Merenyi

Đức Hồng y Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ Công giáo Latinh Jerusalem, nhận định rằng: nói về hòa bình tại Thánh địa hiện nay là điều không có ý nghĩa, trước tiên cần phải thương thuyết để ngưng bắn và chấm dứt chiến tranh.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Hôm thứ Hai, ngày 29 tháng Tư vừa qua, Đức Hồng y đã được mời thuyết trình tại Học viện Âu châu ở Natolin, khu vực phía nam thủ đô Varsava, Ba Lan, về đề tài: “Lãnh đạo tôn giáo trong thời chiến tranh”. Nhân dịp này, ngài đã dành cho hãng tin KAI của Công giáo Ba Lan, cuộc phỏng vấn về tình hình tại Thánh địa và đã đưa ra lời tuyên bố trên đây. Đức Hồng y khẳng định rằng:

“Mục đích đầu tiên là một cuộc ngưng bắn và chấm dứt chiến tranh. Hòa bình có thể diễn ra trong một bối cảnh hoàn toàn khác và hiện nay chưa có bối cảnh đó, không có một sự tín nhiệm tối thiểu nào giữa người Israel và Palestine. Hiện nay, có quá nhiều oán ghét giữa họ với nhau. Vì thế, trước tiên, chúng ta phải sửa chữa thái độ kinh khủng này, chỉ như thế mới có thể nói về hòa bình... Các cuộc thương thuyết là cần thiết để chấm dứt tình trạng hiện nay ở Thánh địa, tình trạng này không thể tiên đoán được, vì nó biến chuyển mỗi ngày”.

Ký giả hỏi Đức Hồng y: Cách đây ít ngày, Đức Thánh cha Phanxicô nhận định rằng “tốt hơn nên hòa đàm, thay vì cứ chiến tranh vô tận”, Đức Hồng y Pizzaballa đáp: “Chiến tranh vẫn luôn kết thúc bằng một trong hai cách: hoặc một bên chiến thắng và bên kia mất mát mọi sự, hoặc bằng cách thương thuyết. Hiển nhiên là Thánh địa chúng tôi cần chấm dứt chiến tranh bằng thương thuyết. Mỗi người đều biết điều đó và những cuộc thương thuyết đang diễn ra, tuy không trực tiếp giữa Israel và Hamas. Tôi hy vọng sớm muộn gì các cuộc thương thuyết ấy sẽ có kết quả”.

Về giải pháp “hai quốc gia cho hai dân tộc”, Đức Hồng y Thượng phụ nhận xét rằng “không có giải pháp nào khác ngoài con đường đó. Thật là dễ nói: đó là điều không thực tế, ví dụ vì có nhiều khu định cư của người Do thái trong các vùng của người Palestine. Nhưng đâu là con đường khác? Điều hiển nhiên là giải pháp không phải là tình trạng hiện nay chúng ta đang sống, vì sở dĩ chiến tranh hiện nay bùng nổ là vì các vấn đề không được giải quyết”.

Một giải pháp chính trị mà thôi vẫn không đủ, còn cần có sự hòa giải giữa hai dân tộc đang sống trên cùng một lãnh thổ. Về nhận xét này, Đức Hồng y Pizzaballa khẳng định rằng: “Hòa giải tại Thánh địa là điều cần thiết. Nhưng chúng ta không thể vội vã. Hòa giải đòi phải có những điều kiện. Dĩ nhiên, trước tiên phải chấm dứt chiến tranh. Thật là khó nói về hòa giải khi những vết thương còn mở toang. Hơn nữa, hòa giải đòi phải làm việc trên nhiều bình diện: trước tiên là tôn giáo, vì tôn giáo giữ một vai trò rất quan trọng tại Thánh địa, và bình diện chính trị, truyền thông, giáo dục, đào tạo, để hàn gắn những vết thương, đặc biệt là những vết thương nặng nề cần nhiều thời gian. Hòa giải sẽ không sớm xảy ra, nhưng chúng ta cần bắt đầu mau lẹ hoạt động về vấn đề này”.

(Ekai 29-4-2024)