Đại hội kỳ thứ IV các ca đoàn giáo phận trên thế giới

Photo: Vatican Media
Trong những ngày này, từ ngày 07 đến Chúa nhật, ngày 09 tháng Sáu này, Đại hội kỳ thứ IV các ca đoàn giáo phận trên thế giới đang tiến hành tại Vatican, với sự tham dự của gần 6.000 ca viên.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đại hội diễn ra tại Roma, nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập các ca đoàn giáo phận Roma, do Đức ông Marco Frisina làm ca trưởng và có chủ đề là “Ca hát đức tin”.

Các ca đoàn tham dự đại hội đến từ các nước Âu châu, và từ các châu lục khác có các ca đoàn Mêhicô, Guatemala, Angola, Philippines, Hàn Quốc và Trung Quốc. Từ Đức, Áo và Thụy Sĩ, có khoảng 100 người.

Trong ba ngày đại hội, ngoài các cuộc gặp gỡ, hội luận và thuyết trình cũng như buổi tiếp kiến của Đức Thánh cha dành cho các tham dự viên, sáng thứ Bảy, ngày 08 tháng Sáu vừa qua, còn có có một buổi hòa nhạc lúc 6 giờ chiều cùng ngày, với 80 nhạc sĩ và hàng ngàn ca viên, tại Đại thính đường Phaolô thứ VI ở nội thành Vatican. Trong chương trình, có phần trình diễn các nhạc phẩm của các nhạc sư cổ điển, như Mozart, Bach, Vivaldi, cùng với một số bài nổi tiếng của Đức ông Marco Frisina.

Đại hội kết thúc với thánh lễ sáng Chúa nhật, ngày 09 tháng Sáu tại Đền thờ thánh Phêrô, do Đức Hồng y Giám quản Đền thờ thánh Phêrô, Mauro Gambetti, chủ sự, và tiếp đến là buổi đọc kinh Truyền tin với Đức Thánh cha tại Quảng trường thánh Phêrô.

Trong buổi tiếp kiến các ca đoàn, sáng thứ Bảy, ngày 08 tháng Sáu, Đức Thánh cha đề cao sự hiệp thông mà ca đoàn biểu lộ: “việc hát trong ca đoàn được các ca viên cùng nhau thực hiện, và điều này cũng nói với chúng ta về Giáo hội và thế giới chúng ta sống. Thực vậy, hành trình của chúng ta trong sự liên kết có thể được coi là một buổi hòa nhạc lớn, trong đó mỗi người tham gia với khả năng riêng và đóng góp phần của mình. Trong một ca đoàn hay ban nhạc, mỗi người cần nhau.”

Ngoài ra, Đức Thánh cha cũng nhắn nhủ rằng: “Anh chị em là những người gìn giữ một kho tàng nghệ thuật, vẻ đẹp và linh đạo. Anh chị em đừng để tâm thức của mình bị ô nhiễm vì não trạng thế gian, với những lợi lộc, ghen tương, chia rẽ. Tất cả những thứ đó có thể xâm nhập vào đời sống của một ca oàn cũng như của một cộng đồng, khiến nó không còn là một nơi vui tươi nữa, nhưng là nơi buồn thảm và nặng nề đến độ tan rã”.

(Vatican News, KAP 8-6-2024)

Tags