Phút Cầu Nguyện, Thứ Sáu 22/09/2023: Hiệp hành với gia đình
Quý ông bà và anh chị em thân mến,
Hồi năm 2007, điện ảnh Ấn Độ đã phát hành một bộ phim tâm lý học đường rất cảm động, có tựa đề tiếng Việt là “Cậu bé đặc biệt”.
Bộ phim kể về một cậu bé tám tuổi tên là Ishaan, không may bị mắc chứng bệnh khó đọc ngay từ nhỏ. Căn bệnh này làm Ishaan không thể phân biệt các chữ cái gần giống nhau nên không thể đọc và viết thành thạo như các bạn cùng lớp. Các môn học của cậu đều bị điểm kém và năm lớp Ba, cậu bị ở lại lớp. Bố mẹ Ishaan lo lắng cho tình trạng học hành của con, nhưng không lắng nghe và cũng không tỏ ra thông cảm với con mình. Họ quyết định chuyển cậu đến học ở một trường nội trú đặc biệt để cậu được giáo dục tốt hơn. Thế nhưng, ở ngôi trường mới, những kỷ luật và hình phạt nghiêm khắc cùng với cảm giác bị bố mẹ bỏ rơi khiến Ishaan dần dần trở thành một đứa trẻ khép kín, cô độc và ít nói. Cậu chỉ vẽ những bức tranh để bộc lộ cảm xúc của mình.
Bộ phim mô tả hiện trạng giáo dục đầy nhức nhối ở gia đình, nơi trẻ em phải thường xuyên chịu đựng những lời nhiếc mắng, cằn nhằn, thậm chí là đòn roi của cha mẹ khi không đạt được thành tích cao trong học tập. Nhiều bậc phụ huynh chỉ chăm chú nhắm đến thành tích học tập chứ không gần gũi, lưu tâm đến những khó khăn, khao khát và năng khiếu thật sự của con mình để nâng đỡ và trợ giúp. Trong bộ phim này có một câu nói vô cùng thấm thía của một thầy giáo khiến những nhà giáo dục, đặc biệt là những người cha, người mẹ thức tỉnh và ý thức lại vai trò giáo dục con cái của mình:
“Ở đảo Solomon, nơi người ta muốn giết một cái cây, họ không cần dùng đến rìu để chặt, mà chỉ cần đứng xung quanh cái cây và chửi rủa nó. Chắc chắn một thời gian sau, cái cây ấy sẽ tự khô héo đi mà chết”.
Quý ông bà và anh chị em thân mến,
Một đứa trẻ được chào đời và hiện hữu, dù phải mang dị tật hay bệnh tật nào, đều không phải là lỗi của đứa bé đó. Nhưng việc khước từ, bỏ rơi hoặc chưa quan tâm chăm sóc, dạy dỗ những đứa con mình sinh ra đúng cách và đúng bổn phận thì đó chính là thiếu sót lớn lao của cha mẹ. Mỗi đứa trẻ đều là những cá thể độc lập với đầy đủ quyền lợi và phẩm chất của một con người với những mặt mạnh và mặt yếu khác nhau. Đặc biệt, khi còn bé, chúng chưa đủ khả năng tự bảo vệ mình cũng chưa thể tự mình phát huy những tiềm năng đang có nên cần đến sự quan tâm, cảm thông và trợ giúp của cha mẹ để có thể lớn lên và tự mình đứng vững. Câu chuyện về cậu bé Ishaan trong bộ phim vừa được đề cập ở bên trên cũng là câu chuyện của nhiều đứa trẻ khác ở những gia đình xung quanh chúng ta, và có khi cũng là câu chuyện của chính chúng ta hay một đứa trẻ nào đó trong gia đình mình.
Dĩ nhiên, cha mẹ nào cũng muốn con cái mình thông minh, tài năng, xinh đẹp, học giỏi,... Cho nên việc nhắc nhở, thậm chí ép buộc con cái học hành cũng xuất phát từ ý tốt của cha mẹ, muốn con mình trổi vượt hơn chúng bạn và có một tương lai tươi sáng, thành công rực rỡ. Tinh thần hiệp hành của Giáo hội mời gọi cha mẹ - những nhà giáo dục đầu tiên và vô cùng quan trọng trong cuộc đời của những người con hãy cùng lên đường, cùng đi với con mình trên mọi nẻo đường cuộc sống của chúng. Có cha mẹ cùng đi trên con đường học vấn, cùng thức với mình trong những đêm khuya học bài thi, cùng ngồi với mình để trao đổi những kinh nghiệm trong cuộc sống, những người trẻ sẽ cảm nhận được sự đồng cảm và đồng hành của cha mẹ bên cạnh và có thêm nghị lực, niềm tin vào bản thân để học tập thật tốt và thực hiện được những ước mơ của mình.
Chắc chắn những người trẻ đều gặp rất nhiều khó khăn và thử thách trên hành trình nên người và làm người của mình. Sự hiện diện và đồng hành của cha mẹ sẽ khiến họ luôn mạnh mẽ lên đường vì biết rằng mình không đơn độc, và luôn có cha mẹ cùng với mình đương đầu và vượt qua mọi thử thách. Trong một cuộc phỏng vấn của Truyền thông Vatican về vai trò làm cha mẹ, Đức Thánh cha Phanxicô đã đề cao vai trò của cha mẹ, khi cùng đi với các con của mình trên đường đời, đặc biệt nơi những quãng đường có quá nhiều thách đố. Ngài quả quyết rằng: “Cha mẹ biết đương đầu với những thách đố của con cái là những người hùng”.
Chúng ta cầu xin Chúa cho những người cha, người mẹ giữa bao vất vả, lo toan về miếng cơm manh áo vẫn luôn dành thời gian quan tâm và không đồng hành với những người con của mình trên những nẻo đường đời trắc trở và chông gai.
Lạy Chúa, việc nuôi dạy con cái trong hoàn cảnh xã hội hôm nay là điều không dễ dàng và cũng không nhẹ nhàng đối với những người cha, người mẹ. Xin Chúa ban cho các ngài những ơn lành cần thiết về phần hồn cũng như phần xác để các ngài nên gương sáng về đời sống mến Chúa yêu người và tận tình nuôi nấng, dạy dỗ con cái mình trở nên những người con đẹp lòng Chúa. Amen.
Nt. Rosa Lê Ngọc Thùy Trang, MTGCQ.