Phút Cầu Nguyện, Thứ Năm 08/05/2025: Nghe được tiếng Chúa

Anh là một doanh nhân thành đạt sống giữa thành phố ồn ào, nơi tiếng còi xe, với những cuộc họp và deadline không bao giờ ngừng nghỉ. Mỗi ngày trôi qua đều là một cuộc chạy đua không ngừng, khiến anh cảm thấy kiệt sức, lạc lõng và dần mất đi niềm tin. Khi màn đêm buông xuống, mọi vật đang chìm vào trong bầu khí tĩnh lặng, nằm trên giường ngủ mà đầu óc anh vẫn ù đặc những suy nghĩ hỗn độn, giữa những căng thẳng của công việc và cuộc sống, bất chợt anh khao khát được lắng nghe một tiếng nói khác – tiếng nói của tâm hồn, tiếng nói thiêng liêng, một điều gì đó có thể dẫn đường để mang anh lại với cuộc sống bình yên hạnh phúc.

Với niềm khao khát mạnh liệt, anh đưa ra một quyết định táo bạo, bỏ lại sau lưng thành phố chật chội và lao vào núi rừng sống tịnh lặng. Dưới bầu trong xanh, ngàn muôn ánh sao lấp lánh, anh ngồi xuống trên một tảng đá phẳng, từ từ nhắm mắt và tập trung vào từng hơi thở, cố gắng giữ tâm trí yên bình để lắng nghe những chuyển động của mọi vật xung quanh. Thời gian đầu, anh chỉ nghe thấy tiếng gió thì thào và tiếng chim rừng vang vọng, lòng ngổn ngang thất vọng vì sự cô tịch, không có gì đặc biệt, cùng nổi nhớ cuộc sống sôi động trước đó.

Nhưng rồi, khi tâm hồn anh tràn ngập niềm vui và sự bình yên, thanh thản, anh nhận ra rằng tiếng Chúa không phải là một âm thanh lớn, ầm ĩ bên tai. Tiếng Chúa là tiếng thì thầm nhẹ nhàng, là sự yên lặng sâu thẳm bên trong lòng mình, là sự an ủi và những tiếng nói xuất phát từ trái tim. Lúc này anh mới hiểu được rằng để nghe được tiếng Chúa, trước tiên phải học cách tĩnh lặng, lắng nghe bằng tâm hồn chứ không chỉ bằng đôi tai.

Từ đó, người đàn ông ấy đã biết tìm thấy tiếng Chúa trong những phút giây bình yên, trong những suy nghĩ tích cực và ngay trong những ồn ào sô bồ của cuộc sống.

Kính thưa quý vị và các bạn thân mến,

Chúng ta nghe rất nhiều câu hỏi đặt ra, làm sao để nghe được tiếng Chúa? Làm sao để phân biệt tiếng Chúa với những tạp âm khác giữa những ồn ào của dòng đời náo nhiệt? Đặc biệt giữa vùng của những âm thanh nhiễu sóng hôm nay, việc nghe được tiếng Chúa lại càng khó hình dung và khó diễn tả. Vì nghe tiếng Chúa không thể hiểu theo nghĩa đen, đôi khi có những người nói rằng họ đã nghe tiếng Chúa và mô tả cách thức họ đã nghe như thế nào. Tuy vậy, sẽ rất nguy hiểm, nếu chúng ta bị cuốn vào những ý tưởng đó.

Chúng ta có thể làm gì để phân định tiếng Chúa với những tiếng ồn của cuộc sống? Như được biết, để nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa không phải là chuyện một sớm một chiều, nhất là khi chúng ta đã bị định hình bởi một ý tưởng nào đó trong một thời gian dài. Thứ đến, ngay cả khi chúng ta học cách nghe Ngài nói với chúng ta, thì chúng ta vẫn bị lôi cuốn vào những chuyện thường ngày mà có thể dễ dàng bỏ lỡ tiếng Chúa. Như anh doanh nhân trong câu chuyện trên, với quyết tâm muốn nghe được tiếng Chúa, anh đã phải dành thời gian, hy sinh bỏ lại những công việc quan trọng thường ngày, tìm một nơi thanh vắng để tâm hồn được tịnh lặng và được vét rỗng, để nhường chỗ cho sự hiện diện của Chúa. Cho nên, để nhận ra được tiếng Chúa, chúng ta cần phải dành thời gian và phải có một trái tim quảng đại và tâm trí rộng mở để dành chỗ cho Chúa.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tìm kiếm những phương thế hữu dụng để “lọc đi những tạp âm” của đủ thứ linh tinh, thói quen xấu, đam mê, tranh đua, thần tượng ảo. Đồng thời hãy dùng chiếc máy trợ thích là những khóa linh thao, tĩnh tâm, những khóa cầu nguyện, phút hồi tâm mỗi ngày, để tiếng Chúa được vang lên, và nhận ra những thông điệp Chúa gởi cho chúng ta qua mọi biến cố cuộc sống.

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy được kinh nghiệm nghe tiếng Chúa của tông đồ Philiphê. Xuyên qua những dự định, những kế hoạch cuộc sống cũng như sứ vụ của thánh tông đồ, Thiên Chúa đã can thiệp, thúc đẩy thay đổi kế hoạch ấy. Mời gọi thánh tông đồ bước ra khỏi vùng an toàn, khỏi những suy tính lý luận logic của bản thân “để hướng dẫn ngài đi về một hướng khác, đó là hướng nam, theo con đường từ Giêrrusalem xuống Ga-da; con đường này vắng, và có thể là con đường dài, nguy hiểm hơn, để tiếp tục tiến lên, đuổi kịp xe của viên thái giám Ethiop và rửa tội cho ông tại đó. Nơi kinh nghiệm của thánh tông đồ Philiphe, chúng ta thấy dường như ngài có có một “cảm giác” phải làm gì đó mà ngài không biết tại sao. Cảm giác ấy có thể là không bình an trong sự chọn lựa của mình, hoặc cảm thấy một điều gì đó sắp xảy ra và được thôi thúc thay đổi mạnh liệt…

Có một mẫu số chung trong việc tìm kiếm ý Chúa, ý Chúa thường khác xa suy nghĩ của chúng ta, đôi khi vô lý và không hay ho gì, như Kinh Thánh diễn tả:

“Trời cao hơn đất bao nhiêu,
thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi,
và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi bấy nhiêu” (Is 55: 9).

Vì thế, việc lắng nghe tiếng Chúa vừa khó trong cách thức và càng khó hơn trong sự hiểu biết, khi chúng ta phải chấp nhận từ bỏ ý riêng để đón nhận ý Chúa muốn. Bởi ý Chúa đôi khi làm chúng ta thiệt thòi, mất mát, đau khổ, hy sinh, từ bỏ…

Dẫu biết là khó khăn và thiệt thòi nhưng ý Chúa luôn là ý muốn tốt lành nhất cho chúng ta. Ước gì mỗi người chúng ta luôn kiên trì và khao khát tìm kiếm và lắng nghe tiếng Chúa qua trực giác của một tâm hồn luôn hướng về Chúa trong đời sống cầu nguyện cũng như siêng năng học hỏi và lắng nghe Lời Chúa trong Kinh Thánh cũng như qua mọi biến cố cuộc sống.

Lạy Chúa, giữa một xã hội ồn ào và náo nhiệt như hiện nay, thật khó để có những phút giây tịnh lặng bên Chúa. Xin cho chúng con thêm sức mạnh, sự can đảm để con dám con đảm sống theo ý Chúa mỗi ngày và siêng năng tìm kiếm ý Chúa qua mọi biến cố của cuộc sống. Amen.

Bích Liễu