Phút Cầu Nguyện, Thứ Năm 02/01/2025: Dấu chỉ hy vọng cho người cao niên

Quý ông bà và anh chị em thân mến,

Trang báo điện tử VNEWS ngày 30 tháng Tám năm 2024 đã đăng một bài viết trình bày về một vấn đề đáng lưu tâm ở Nhật Bản có tựa đề là “Những cái chết cô đơn - một vấn đề xã hội tại Nhật Bản”. Theo số liệu chính thức được Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản công bố, trong sáu tháng đầu năm 2024, nước này ghi nhận tổng cộng 37.227 trường hợp qua đời trong cô độc tại nhà. Trong số những người qua đời một mình tại nhà, có tới 28.330 người trên 65 tuổi, chiếm khoảng 76%. Theo độ tuổi, những người trên 85 tuổi là nhóm có số người chết trong cô độc cao nhất, với 7.498 trường hợp, trong khi những người dưới 30 tuổi là nhóm có số người chết trong cô độc thấp nhất, với 473 trường hợp.

Được biết, hiện tượng “qua đời trong cô độc” được biết đến ở Nhật Bản kể từ thảm họa động đất Kobe năm 1995, khi nhiều người cao tuổi buộc phải rời khỏi cộng đồng, sống trong các ngôi nhà tạm bợ. Một số sau đó tự cách ly bản thân, từ chối chăm sóc hoặc nhận chăm sóc từ người khác. Dù vậy, chết trong cô đơn vẫn là một nỗi ám ảnh lớn đối với mọi người già ở Nhật Bản. Điển hình là bà Chieko Ito, 91 tuổi, đã sống một mình trong một căn hộ ở chung cư Tokiwadaira suốt sáu mươi năm qua, sau khi chồng và con gái bà qua đời vì căn bệnh ung thư chỉ cách nhau ba tháng. Bà còn một người con gái, nhưng cô đã có gia đình và chỉ thỉnh thoảng gửi thiệp cho bà vào dịp lễ tết. Bà có thói quen đóng rèm vào 6h chiều và mở nó vào lúc 5g40 sáng khi bà thức dậy. Đối diện với nỗi sợ mình có thể chết một mình mà không ai hay biết, việc duy nhất bà Chieko có thể làm là nhờ người hàng xóm sống ở tòa nhà đối diện mỗi ngày nhìn một lần sang cửa sổ căn hộ của mình. Bà còn cẩn thận dặn dò người hàng xóm ấy là: “Nếu rèm không mở vào buổi sáng có nghĩa là tôi đã chết”. Khi được người hàng xóm của mình nhận lời giúp đỡ, bà Chieko đã hết sức vui mừng và an tâm rằng mình không hề sống cô đơn.

Quý ông bà và anh chị em thân mến,

Khi sắp đến giờ cận kề cái chết, người ta thường muốn được ở bên cạnh người thân yêu của mình. Nếu vì lý do nào đó mà phải qua đời trong sự cô độc thì đó là điều khiến ai cũng cảm thấy sợ hãi. Do vậy, qua đời trong chính căn nhà của mình mà không ai hay biết mãi là nỗi ám ảnh đối với những người già tại đất nước được mệnh danh là xứ sở hoa anh đào. Nơi đây, cũng tràn ngập hình ảnh những người cao tuổi lang thang khắp các con hẻm và chết đi mà không ai hay biết trong sự cô đơn lặng lẽ. Niềm hy vọng duy nhất đối với họ, có lẽ là được người khác nhìn thấy và chôn cất tử tế sau khi chết giống như bà Chieko Ito trong câu chuyện trên. Người hàng xóm tốt bụng khi đồng ý nhìn qua cửa sổ nhà bà Chieko mỗi buổi sáng đã đem đến cho bà niềm hy vọng rằng mình vẫn sẽ được quan tâm và không phải qua đời trong cô độc.

Sự cô đơn lúc tuổi già là điều có thể xảy đến với bất cứ bậc cao niên nào, trong đó có thể có ông bà, cha mẹ của chúng ta. Người già luôn mang trong mình một khao khát được ở bên con cháu, được lắng nghe, trò chuyện và chia sẻ. Nhưng nhiều người do không muốn làm phiền con cháu nên đành chấp nhận học cách sống một mình và cô đơn ở độ tuổi gần đất xa trời. Ai cũng phải đi qua tuổi thanh xuân của mình và bước vào tuổi xế chiều. Lời cầu nguyện tha thiết của tác giả thánh vịnh 70 là niềm hy vọng vào Chúa, Đấng luôn yêu thương chúng ta trong suốt cuộc hành trình ở dương thế: “Cả lúc con già nua, da mồi tóc bạc, lạy Thiên Chúa, xin đừng bỏ rơi con” (Tv 70, 18). Thiên Chúa dựng nên chúng ta để chúng ta được thông phần vào sự sống đời đời với Người. Người là niềm hy vọng cho chúng ta trên mọi nẻo đường đời, nhất là khi tuổi đã xế bóng.

Ước mong mỗi người chúng ta luôn cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi giây phút của cuộc đời mình, để không bao giờ cảm thấy cô đơn, ngay cả trong những lúc ngặt nghèo, tưởng chừng như không còn ai bên cạnh và thấu hiểu.

Lạy Chúa, là Cha nhân từ luôn yêu thương, che chở và giữ gìn chúng con. Xin cho chúng con luôn cảm nghiệm được tình yêu của Chúa trải dài trên cuộc đời chúng con, để dù thanh xuân hay lúc tuổi già, chúng con vẫn mang trong mình niềm hy vọng và niềm vui, hạnh phúc vì biết Chúa luôn ở cùng chúng con, hôm nay và trong suốt mọi ngày của cuộc đời. Amen.

                       Nt. Rosa Lê Ngọc Thùy Trang, MTG Chợ Quán