Đức Thánh cha xin các ký giả giúp đỡ phổ biến về Thượng Hội đồng Giám mục

Photo: Vatican News

Đức Thánh cha Phanxicô xin các ký giả giúp đỡ phổ biến về Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới sắp tới về sự đồng hành, hay hiệp hành, đứng trước tình trạng dư luận quần chúng ít quan tâm đến công nghị này.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây, trong buổi tiếp kiến sáng ngày 26 tháng Tám vừa qua, dành cho phái đoàn ký giả ở Ý đến trao tặng ngài giải thưởng tên là “è Giornalismo”, nghĩa là ‘Nghề báo chí’.

Đức Thánh cha nói: “Bây giờ, tôi xin giúp đỡ. Chính trong thời đại này, người ta nói nhiều mà ít lắng nghe, thời đại trong đó ý thức về công ích bị suy yếu, toàn thể Giáo hội đã khởi sự một hành trình để tái khám phá từ “insieme”, cùng nhau. Chúng ta phải tái khám phá từ “cùng nhau”. Cùng đi với nhau. Cùng hỏi nhau. Cùng đảm nhận việc phân định cộng đồng, đối với chúng ta là cầu nguyện, như các tông đồ đầu tiên đã làm: đó là “sinodalità”, đồng hành hay hiệp hành, mà chúng ta muốn nó trở thành một thói quen thường nhật trong mọi cách diễn tả. Chính với mục đích ấy, trong hơn kém một tháng nữa, các giám mục và giáo dân toàn thế giới sẽ nhóm họp tại Roma này để tham dự Thượng Hội đồng về ‘đồng hành’ (sinodalità): cùng nhau lắng nghe, cùng nhau phân định, cùng nhau cầu nguyện. Từ “cùng nhau”, insieme, rất quan trọng. Chúng ta đang ở trong một thứ văn hóa loại trừ, là một thứ chủ nghĩa tư bản về truyền thông. Có lẽ lời cầu nguyện thường xảy ra về sự loại trừ này là: “Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa, vì con không giống như người kia”: Người ta loại trừ nhau. Trái lại, chúng ta phải cảm tạ Chúa vì bao nhiêu điều đẹp đẽ!”

Đức Thánh cha nói: “Tôi hiểu rất rõ rằng nói về “Thượng Hội đồng về ‘sinodalità’ có thể có vẻ là một cái gì khó hiểu, tự tham chiếu, quá kỹ thuật chuyên môn, ít thu hút quần chúng. Nhưng điều đã diễn ra trong năm vừa qua, sẽ được tiếp tục với khóa họp vào tháng Mười tới đây, rồi với giai đoạn thứ hai của Thượng Hội đồng năm 2024, đó thực là một cái gì quan trọng đối với Giáo hội. Đó là một hành trình đã bắt đầu với thánh Phaolô VI, vào cuối Công đồng, khi người thành lập Văn phòng Thượng Hội đồng Giám mục, vì người ta đã nhận thấy rằng trong Giáo hội Tây phương ít có tính đồng hành, trái lại trong Giáo hội Đông phương, họ có chiều kích này. Và hành trình đó đã tiến được 60 năm rồi, và đang mang lại những thành quả to lớn. Vì thế, chúng ta hãy quen thuộc với sự lắng nghe nhau, và nói, chứ không “chém đầu nhau” vì một từ ngữ. Lắng nghe, thảo luận một cách trưởng thành. Đó là một ơn mà chúng ta đang cần để tiến bước. Đó là một cái gì mà Giáo hội ngày nay đang cống hiến cho thế giới, một thế giới rất nhiều khi không có khả năng đưa ra những quyết định, cả khi có liên hệ tới sự sống còn của chúng ta. Chúng ta đang tìm cách học một cách thức mới để có những tương quan, lắng nghe nhau để lắng nghe và theo tiếng Chúa Thánh Linh. Chúng ta đã mở cửa, đã cống hiến cho tất cả mọi người cơ hội tham gia. Chúng ta đã để ý đến những đòi hỏi và những đề nghị của những người khác. Chúng ta muốn cùng nhau góp phần xây dựng Giáo hội trong đó tất cả đều cảm thấy như ở nhà mình, không ai bị loại trừ. Lời này của Tin mừng rất quan trọng, chúng ta muốn cùng nhau góp phần xây dựng Giáo hội trong đó tất cả đều cảm thấy đó là: tất cả, tất cả, tất cả: không có những tín hữu Công giáo hạng nhất, hạng nhì và hạng ba. Không, tất cả cùng nhau, tất cả. Đó là lời mời gọi của Chúa”.

Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Vì thế, tôi dám xin quý vị là những bậc thầy về báo chí: xin hãy giúp tôi để tiến trình này, thực sự nó là gì. Hãy ra khỏi những tiêu chuẩn khẩu hiệu và tường thuật tiền chế. Không, xin kể thực tại!”

Trước đó, trong phần đầu bài diễn văn, Đức Thánh cha tố giác những thứ tội của báo chí, đó là thông tin xuyên tạc, vu khống, phỉ báng và thích khui những tin xấu, những điều bẩn thỉu.

(Sala Stampa 26-8-2023)

Tags