Đức Thánh cha phát biểu tại Hội nghị về dân số ở Ý
Đức Thánh cha Phanxicô tái kêu gọi các thành phần xã hội tại Ý cộng tác với nhau trong tinh thần trách nhiệm, để đối phó với tình trạng suy giảm dân số trầm trọng tại nước này.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Ngài đưa ra kêu gọi trên đây, trong bài phát biểu sáng ngày 10 tháng Năm vừa qua, tại Hội nghị lần thứ IV các thành phần xã hội Ý, từ chính quyền, cho tới các giới xã hội khác nhau tại nước này, diễn ra tại Thính đường ở đường Hòa Giải, gần Vatican, trong hai ngày 09 và 10 tháng Năm, với chủ đề: “Sinh sản con cái, nhiều người trẻ hơn, nhiều tương lai hơn”.
Cuộc gặp gỡ này do Hiệp Hội các gia đình ở Ý tổ chức, bàn về sự sinh sản và dân số với mục đích cổ võ dư luận lưu tâm về tình trạng mùa đông dân số trầm trọng tại Ý cũng như nhiều nơi trên thế giới.
Dân số Ý liên tục giảm bớt từ năm mươi năm nay. Năm ngoái, cả nước chỉ có 379.000 trẻ em sinh ra, tức là giảm 3,6% so với năm trước đó, và giảm 34,2% so với năm 2008. Nước Ý có tỷ lệ sinh sản thuộc hàng thấp nhất Âu châu: mỗi phụ nữ chỉ có một hay hai người con.
Phát biểu của Đức Thánh cha
Lên tiếng tại cuộc gặp gỡ, Đức Thánh cha khẳng định rằng: “Trong viễn tượng này, điều quan trọng là gặp gỡ và làm việc với nhau để cổ võ sự sinh sản với tinh thần thực tế, nhìn xa trông rộng và can đảm”.
Về điểm thứ nhất: tinh thần thực tiễn. Đức Thánh cha nhận xét rằng trong quá khứ đã có nhiều nghiên cứu về dân số trái đất, qua đó người ta e ngại rằng quá nhiều trẻ em sinh ra sẽ tạo nên sự thiếu quân bình về kinh tế, thiếu tài nguyên và làm ô nhiễm. Đức Thánh cha nói: “Tôi có ấn tượng mạnh khi nhận thấy những luận đề như thế, nay đã lỗi thời, chúng luôn nói về con người như thể đó là những vấn đề. Nhưng sự sống con người không phải là một vấn đề, mà là một hồng ân. Nơi căn cội của sự ô nhiễm và nạn đói trên thế giới, không phải vì các trẻ em sinh ra, nhưng vì những chọn lựa của những người chỉ nghĩ đến mình, sự điên rồ của một chủ nghĩa duy vật vô độ, mù quáng và lan tràn, chủ nghĩa tiêu thụ như một virus độc hại, tấn công tận gốc rễ cuộc sống con người và xã hội. Vấn đề không phải là số lượng bao nhiêu người chúng ta trên thế giới, nhưng là thế giới nào chúng ta đang kiến tạo; không phải con cái, nhưng chính sự ích kỷ tạo nên bất công và những cơ cấu tội lỗi, đến độ tạo nên sự lệ thuộc thiếu lành mạnh giữa các chế độ xã hội, kinh tế và chính trị. Sự ích kỷ làm cho con người giả điếc đối với tiếng Chúa... Vấn đề của thế giới chúng ta không phải là các trẻ em, nhưng chính là sự ích kỷ, duy tiêu thụ và chủ nghĩa cá nhân, làm cho con người thừa ứ, cô đơn và bất hạnh”.
Đức Thánh cha xác quyết rằng: “Số sinh là dấu chỉ đầu tiên về niềm hy vọng của một dân tộc. Nếu không có trẻ em và người trẻ, thì một quốc gia đánh mất ước muốn tương lai. Ví dụ, tại Ý tuổi trung bình hiện nay là 47 tuổi, và nó tiếp tục có những kỷ lục tiêu cực. Rất tiếc là nếu dữ kiện này kéo dài thì chúng ta sẽ buộc lòng phải nói rằng nước Ý dần dần mất hy vọng nơi ngày mai, như các nước khác ở Âu châu”.
Sang đến điểm thứ hai là sáng suốt, nhìn xa trông rộng. Về phương diện chính quyền, Đức Thánh cha kêu gọi cấp thiết đề ra những chính sách hữu hiệu, những chọn lựa can đảm, cụ thể và dài hạn, gieo vãi ngày nay để con cái có thể gặt hái trong tương lai. Cần có sự dấn thân nhiều hơn từ phía tất cả các chính phủ, để các thế hệ trẻ có thể thực hiện những giấc mơ hợp pháp của họ. Cần thực hiện những chọn lựa nghiêm túc và hữu hiệu để giúp các gia đình. Ví dụ, để một bà mẹ có thể không phải chọn lựa giữa việc làm và săn sóc con cái; hoặc giải thoát các đôi vợ chồng trẻ khỏi gánh nặng do công ăn việc làm bấp bênh, và không thể mua được nhà.
Thứ ba là can đảm. Về điểm này, Đức Thánh cha đặc biệt kêu gọi những người trẻ dường như chỉ thấy tương lai là điều đáng lo âu, giữa sự suy giảm dân số, chiến tranh, dịch tễ và những thay đổi khí hậu, không dễ duy trì niềm hy vọng sinh động. Nhưng ngài nói: “Các bạn đừng đầu hàng, hãy tín thác, vì ngày mai không phải là một cái gì không thể tránh được: chúng ta cùng nhau xây dựng tương lai và sự “cùng nhau” này chúng ta tìm thấy trước tiên nơi Chúa... Chúng ta đừng cam chịu đi theo bản chương trình do người khác viết, nhưng chúng ta hãy bơi ngược dòng, đổi hướng, cho dù sự đi ngược dòng này là đắt giá đối với chúng ta! Cũng như các cha mẹ thuộc Hội cổ võ sinh sản này, mỗi năm vẫn tổ chức cuộc gặp gỡ tương tự, một cơ hội giúp chúng ta suy tư, tăng trưởng, ngày càng can dự vào thế giới chính trị, doanh nghiệp, ngân hàng, thể thao, kịch nghệ và báo chí”.
(Sala Stampa 10-5-2024)