Đức Thánh cha cử hành thánh lễ tại Papua New Guinea
Sau cuộc hội kiến dài 15 phút với Thủ tướng James Marape, Đức Thánh cha đã tới Sân vận động Sir John Guise, cách Tòa Sứ thần Tòa Thánh bảy cây số rưỡi để cử hành thánh lễ cho các tín hữu.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Sân vận động được dành cho nhiều bộ môn thể thao và mang tên vị Toàn quyền đầu tiên của Papua New Guinea. Tại đây, hồi năm 2015 đã diễn ra buổi lễ khai mạc và bế mạc các cuộc tranh tài thể thao Thái Bình Dương.
Tuy sân vận động này có 23.000 chỗ trên nguyên tắc, nhưng số tín hữu tham dự thánh lễ đầu tiên và duy nhất của Đức Thánh cha tại Papua New Guinea lên tới 35.000 người, vì toàn sân cỏ cũng được dùng làm chỗ cho các tín hữu dự lễ. Nhiều tín hữu đã chờ đợi từ 2 giờ sáng, và cũng có một số người đi bốn ngày đàng để đến đây dự lễ với Đức Thánh cha.
Đồng tế với Đức Thánh cha, có các giám mục thuộc Hội đồng Giám mục Papua New Guinea và quần đảo Solomon và hàng chục linh mục. Thánh lễ được cử hành bằng tiếng Anh, nhưng các bài đọc và phần lời nguyện giáo dân có thêm một số thổ ngữ địa phương, đặc biệt là tiếng tok pisin.
Bài giảng Đức Thánh cha
Trong bài giảng, Đức Thánh cha đặc biệt nhấn mạnh đến sự gần gũi của Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu với con người, đặc biệt những người nghèo khổ bệnh tật. Ngài quảng diễn ý nghĩa bài Tin mừng theo thánh Marcô (7,31-37) của Chúa nhật thứ XXIII thường niên Năm B, thuật lại phép lạ Chúa Giêsu chữa lành người câm điếc.
Đức Thánh cha nhận xét rằng: “Trong trình thuật của thánh Marcô, có hai điều nổi bật, đó là sự xa cách của người câm điếc và sự gần gũi của Chúa Giêsu:
“Người câm điếc ấy ở trong một vùng địa lý mà với ngôn ngữ ngày nay, chúng ta gọi là ở vùng ngoại ô. Lãnh thổ miền Thập Tỉnh ở bên kia sông Giordan, xa trung tâm tôn giáo là Jerusalem và là vùng dân ngoại. Vì vậy, do thói quen của dân chúng, vùng này bị coi là miền đất ô uế, của những người ở xa Thiên Chúa. Nhưng người câm điếc ấy cũng sống một thứ xa cách khác nữa; ông ta ở xa Thiên Chúa và loài người vì không có khả năng đả thông: vì điếc nên không thể nghe người khác; vì câm, ông không thể nói với người khác. Người ấy bị tách khỏi thế giới, bị cô lập, là tù nhân tình trạng câm điếc của mình, vì thế không thể cởi mở với những người khác để đả thông”.
Đức Thánh cha nói thêm rằng tình trạng người câm điếc ấy cũng gợi lên một tình trạng khác của người bị câm điếc nội tâm: khép kín nơi chính mình, đối với Thiên Chúa và tha nhân, sự dửng dưng, sợ rủi ro và sự nhập cuộc, tâm tình oán giận, ghét bỏ. Tất cả những điều đó làm cho chúng ta xa Chúa, xa anh chị em, xa chính bản thân và niềm vui sống.
“Ngược với sự xa cách đó, Thiên Chúa đáp lại bằng sự gần gũi của Chúa Giêsu. Nơi Chúa Con, trước tiên Người muốn tỏ cho chúng ta Người là Thiên Chúa gần gũi, cảm thương, chăm sóc cuộc sống chúng ta, vượt lên mọi xa cách. Thực vậy, trong bài Tin mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu đến vùng dân ngoại ấy. Ngài ra khỏi miền Giuđêa, ra khỏi môi trường tôn giáo của mình, để đi gặp dân ngoại (Xc Mc 7,31) ... Sự gần gũi này của Chúa Giêsu chứng tỏ Ngài đến để chạm đến cuộc sống chúng ta và bãi bỏ mọi xa cách. Với sự gần gũi của Ngài, Chúa Giêsu chữa lành sự câm điếc của con người.
Từ những nhận xét trên đây, Đức Thánh cha nói với các tín hữu rằng: “Anh chị em, là những người ở hải đảo rộng lớn hướng ra Thái Bình Dương này, có lẽ đôi khi anh chị em nghĩ mình là miền đất xa xôi, ở biên cương của thế giới. Thậm chí, vì bao nhiêu lý do khác nhau, đôi lần anh chị em cảm thấy xa cách Thiên Chúa và Tin mừng của Ngài, không thể đả thông với Chúa và giữa anh chị em. Ngày hôm nay, như đã làm với người câm điếc, Chúa muốn đến gần anh chị em, phá bỏ sự xa cách, làm cho anh chị em cảm thấy mình ở trong tâm con tim của Ngài và mỗi người trong anh chị em là quan trọng đối với Ngài. Chúa muốn chữa lành sự câm điếc của anh chị em. Ngày hôm nay, Chúa cũng nói với mỗi người trong anh chị em: “Hãy mở ra!” Đây là điều quan trọng nhất: Chúng ta hãy cởi mở đối với Thiên Chúa, với các anh chị em khác, với Tin mừng để đặt Tin mừng làm chỉ nam cho đời sống chúng ta. Chúng ta không ở trong tay của định mệnh, không phải các bùa chú và các trò phù thủy thay đổi đời sống chúng ta! Chúng ta hãy từ bỏ tất cả những thứ ấy, vì nó khép kín chúng ta trong dối trá và sợ hãi! Chúng ta hãy cởi mở đối với Thiên Chúa và Lời của Ngài, cởi mở đối với Tin mừng, với đức tin của Giáo hội, và như thế chúng ta sẽ có khả năng đả thông với nhau và xây dựng một xã hội khác, kể cả tại Papua New Guinea này”.
Kinh Truyền tin
Cuối thánh lễ, Đức Thánh cha đã chủ sự kinh Truyền tin với các tín hữu. Trong lời nhắn nhủ trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha mời gọi mọi người hãy hướng về Đức Mẹ Phù Hộ các tín hữu, phó thác cho Mẹ con đường của Giáo hội tại Papua New Guinea và quần đảo Solomon. “Xin Đức Mẹ luôn đồng hành và bảo vệ anh chị em: củng cố mối liên hệ gia đình, làm cho giấc mơ của những người trẻ được tươi đẹp và can đảm, an ủi những người già và an ủi các bệnh nhân và người đau khổ!”
Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Từ phần đất này, được Đấng Tạo Hóa chúc phúc, tôi muốn cùng anh chị em khẩn cầu Đức Mẹ chí thánh ban ơn hòa bình cho mọi dân tộc. Đặc biệt, tôi cầu xin ơn hòa bình cho miền đất rộng lớn này giữa Á châu, Úc châu và Thái Bình Dương. Hòa bình cho các dân nước và cho cả thiên nhiên. Không tái võ trang và bóc lột căn nhà chung! Ủng hộ cuộc gặp gỡ giữa các dân tộc và các nền văn hóa, sự hòa hợp của con người với công trình thụ tạo!”.
Đức Thánh cha không quên nhắc đến Đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức, ở miền nam nước Pháp bị lụt một phần vì mưa nhiều và nước sông Gave de Pau dâng cao. Hang đá Đức Mẹ bị đóng lại, phần còn lại vẫn được mở cho các tín hữu hành hương.
Sau thánh lễ, Đức Thánh cha về Tòa Sứ thần để dùng bữa trưa lúc 11 giờ, để hai giờ sau đó, ra phi trường, đáp máy bay C-130 của không quân Australia để tới thị trấn Vanimo, có 11.000 dân cư, cách Port Moresby gần 1.000 cây số về hướng tây bắc. Vanimo là một bán đảo chung quanh có cát trắng và hướng ra Thái Bình Dương, gần với biên giới nước Indonesia.