Đức Thánh cha thiết lập Ủy ban các vị Tử đạo mới

Photo: Vatican News

Đức Thánh cha Phanxicô thiết lập “Ủy ban các vị Tử đạo mới - chứng nhân đức tin” tại Bộ Phong thánh, để soạn thảo danh mục tất cả những người đã đổ máu đào để tuyên xưng Chúa Kitô và làm chứng về Tin mừng.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Tông thư ký ngày 03 tháng Bảy và được công bố hôm 05 tháng Bảy, cho biết Đức Thánh cha thành lập Ủy ban này đứng trước viễn tượng Năm Thánh 2025, đón tiếp chúng ta như những “người lữ hành hy vọng” và ngài khẳng định rằng:

“Các vị tử đạo trong Giáo hội là những chứng nhân về niềm hy vọng xuất phát từ niềm tin nơi Chúa Kitô và khích lệ đức bác ái chân thực. Niềm hy vọng duy trì sinh động xác tín sâu xa, theo đó sự thiện mạnh hơn sự ác, vì Thiên Chúa, trong Chúa Kitô, đã chiến thắng tội lỗi và sự chết. Ủy ban này sẽ tiếp tục công cuộc tìm kiếm, đã được khởi sự nhân dịp Đại Năm Thánh 2000, để xác định các Chứng nhân Đức tin trong một phần tư đầu tiên của thế kỷ này và rồi sẽ tiếp tục trong tương lai”.

“Thực vậy, qua mọi thời đại, các vị tử đạo đã đồng hành trong cuộc sống của Giáo hội và triển nở như những “hoa trái tuyệt hảo trong vườn nho của Chúa” và cả ngày nay nữa. Như tôi đã nói nhiều lần, ngày nay “các vị tử đạo đông đảo hơn nhiều so với những thế kỷ đầu tiên”. Họ là các giám mục, linh mục, những người thánh hiến nam nữ, giáo dân và các gia đình, tại các nước trên thế giới, khi hiến mạng sống, đã nêu một bằng chứng tột đỉnh về tình yêu (Xc LC 42). Như thánh Gioan Phaolô II, trong Tông thư “Ngàn Năm Thứ Ba đang tới” (Tertio millennio adveniente), đã viết; cần làm tất cả để gia sản của đông đảo các “chiến sĩ vô danh của đại chính nghĩa Thiên Chúa” (37), không bị mai một. Ngày 07 tháng Năm năm 2000, các vị đã được nhắc nhớ trong một buổi cử hành tại Hý trường Colosseo, trước sự hiện diện của đại diện của các cộng đồng Kitô đến từ các nơi trên thế giới, để cùng với Giám mục Roma, gợi lại sự phong phú của điều mà sau đó chính tôi đã định nghĩa là “Phong trào đại kết bằng máu”. Trong Năm Thánh sắp tới, chúng ta cũng sẽ họp nhau để cử hành buổi tưởng niệm tương tự”.

Ý nghĩa việc làm của Ủy ban

Đức Thánh cha minh xác rằng: “Sáng kiến này không có ý thiết lập các tiêu chuẩn mới, theo giáo luật, về kiểm chứng sự tử đạo, nhưng tiếp tục tìm kiếm những người ngày nay vẫn còn bị giết chỉ vì họ là Kitô hữu”.

“Vì thế, vấn đề ở đây là tiếp tục việc khảo sát lịch sử để thu thập những chứng tá cuộc sống, cho đến độ đổ máu đào, của các anh chị em chúng ta, để ký ức của họ nổi bật, như kho tàng mà cộng đoàn Kitô gìn giữ”. Sự nghiên cứu này không phải chỉ liên quan đến Giáo hội Công giáo, nhưng nới rộng tới tất cả các hệ phái Kitô. Cả thời nay, với những thay đổi sâu rộng, các tín hữu Kitô tiếp tục chứng tỏ sức sinh động của bí tích rửa tội, liên kết chúng ta, trong bối cảnh có rủi ro lớn. Thực vậy, không thiếu những tín hữu, tuy biết những nguy hiểm, nhưng vẫn biểu lộ đức tin hoặc tham dự thánh lễ Chúa nhật. Những người khác bị giết trong lúc trợ giúp, vì tình bác ái, những người nghèo, chăm sóc những người bị gạt bỏ khỏi xã hội, gìn giữ và thăng tiến hồng ân hòa bình và sức mạnh của sự tha thứ. Có những tín hữu khác là những nạn nhân âm thầm, riêng rẽ hoặc trong nhóm, của những đảo lộn lịch sử. Chúng ta mắc nợ lớn đối với tất cả những người ấy và chúng ta không thể quên họ”.

“Công việc của Ủy ban sẽ giúp thiết lập, cạnh những vị tử đạo được Giáo hội chính thức công nhận, những chứng tá có bằng chứng và những anh chị em ấy của chúng ta, giữa một toàn cảnh rộng lớn trong đó, vang dội một tiếng nói duy nhất của các vị tử đạo Kitô”.

Sau cùng, Đức Thánh cha cho biết Ủy ban mới được thiết lập cần sử dụng sự đóng góp tích cực của các Giáo hội địa phương liên hệ, các dòng tu và tất cả các thực tại Kitô, theo những tiêu chuẩn mà chính Ủy ban sẽ đề ra”.

(Sala Stampa 5-7-2023)

Tags