Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha: Mẹ Maria dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu

Photo: Vatican Media
Sáng thứ Tư, ngày 13 tháng Mười Một năm 2024, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến khoảng 20.000 tín hữu và du khách hành hương, tại Quảng trường thánh Phêrô.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Như thường lệ, sau khi đi một vòng chào thăm các tín hữu, Đức Thánh cha bắt đầu buổi tiếp kiến, với phần lắng nghe Lời Chúa, qua đoạn sách Tông đồ Công vụ (Cv 1,12-14):

Bấy giờ các ông từ núi gọi là núi Ôliu trở về Giêrusalem. Núi này ở gần Giêrusalem, cách đoạn đường được phép đi trong ngày sabát. Trở về nhà, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Đó là các ông: Phêrô, Gioan, Giacôbê, Anrê, Philipphê, Tôma, Batôlômêô, Mátthêu, Giacôbê con ông Anphê, Simon thuộc nhóm Quá Khích, và Giuđa con ông Giacôbê. Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện, cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria, thân mẫu Đức Giêsu, và với anh em của Đức Giêsu.

Bài huấn giáo

Trong bài huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài về “Thánh Thần và Hôn Thê. Chúa Thánh Linh hướng dẫn Dân Chúa gặp gỡ Chúa Giêsu là niềm hy vọng của chúng ta”.

Bài thứ mười ba ngày có tựa đề: “Một thư được viết với Thần khí của Thiên Chúa hằng sống: Mẹ Maria và Chúa Thánh Thần”.

Mở đầu bài huấn giáo, Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến! Chào anh chị em!

Trong số các phương thế khác nhau Chúa Thánh Thần dùng để thực thi công trình thánh hóa của Ngài trong Giáo hội, như: Lời Chúa, các bí tích, kinh nguyện – thì có một phương thế đặc biệt, đó là lòng sùng kính Mẹ Maria. Ngày nay, các nhà thần học Công giáo có khuynh hướng mang lại một ý nghĩa mới và đúng hơn cho thành ngữ truyền thống “Ad Jesum per Mariam”, nghĩa là “nhờ Mẹ Maria để đến với Chúa Giêsu”. Vị trung gian đích thực và duy nhất giữa chúng ta và Chúa Kitô, như chính Chúa Giêsu đã chỉ rõ, chính là Chúa Thánh Linh. Mẹ Maria là một trong những phương thế Chúa Thánh Thần dùng để đưa chúng ta đến cùng Chúa Giêsu! (Xc H. Muehlen, Una mystica persona, Paderborn 1967: trad. ital. Roma 1968, 575ss).

Giáo hội là lá thư của Chúa Kitô

Thánh Phaolô định nghĩa cộng đồng Kitô là “một lá thư của Chúa Kitô, do chính Người soạn cho chúng ta, được viết không phải bằng mực, nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không phải trên bia đá, nhưng trên các tấm bảng là tâm hồn con người” (2Cr 3,3). Mẹ Maria, trong tư cách là môn đệ đầu tiên và là hình ảnh của Giáo hội, cũng là một lá thư được viết ra bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống. Chính vì thế, Mẹ có thể “được tất cả mọi người biết đến và đọc” (2Cr 3,2), kể cả những người không biết đọc các sách thần học, những “người bé mọn” được Chúa Giêsu mạc khải những mầu nhiệm Nước của Ngài, giấu ẩn đối với những người thông thái (Xc Mt 11,25).

Thái độ sẵn sàng của Mẹ Maria

Khi nói “Xin vâng” đối với lời sứ thần truyền tin, như Origène đã bình luận, thì như thể Mẹ Maria thưa cùng Thiên Chúa: “Này con đây, con là tấm bảng để viết: Văn sĩ viết điều mình muốn, xin biến con thành điều mà Chúa hoàn toàn muốn” (Commento al Vangelo di Luc, framm. 18 (GCS 49, p.227). Thời xưa, người ta viết trên những tấm bảng bằng sáp; ngày này chúng ta có thể nói Mẹ Maria dâng mình cho Thiên Chúa như một trang giấy trắng, trên đó Chúa có thể viết những gì Chúa muốn. Lời thưa “xin vâng” của Mẹ Maria - như một nhà chú giải thời danh đã viết - tượng trưng “tột đỉnh của mọi thái độ tôn giáo trước Thiên Chúa, vì diễn tả một cách cao quý, sự sẵn sàng đón nhận, kèm theo thái độ mau mắn tích cực, một khoảng trống sâu xa nhất, kèm theo sự viên mãn lớn nhất” (H. Schuermann, Das Lukasevangelium, Fribourgo in Br. 1968: trad. ital. Brescia 1983, 154)

Vì thế, như Mẹ Thiên Chúa là dụng cụ của Chúa Thánh Thần trong công trình thánh hóa của Ngài. Giữa vô số lời được nói và viết về Thiên Chúa, về Giáo hội và về sự thánh thiện (mà rất ít, hoặc không ai có thể đọc và hiểu trọn vẹn), Mẹ gửi cho chúng ta hai từ mà tất cả mọi người, cả những người đơn sơ nhất, cũng có thể thốt lên trong mọi hoàn cảnh: “Eccomi” và “fiat”, “Này con đây” và “xin vâng”. Mẹ Maria là đấng đã thưa ‘xin vâng” đối với Thiên Chúa và mẫu gương cũng như sự chuyển cầu của Mẹ thúc đẩy chúng ta cũng thưa “xin vâng” đối với Thiên Chúa, mỗi khi chúng ta đứng trước một sự vâng phục cần thực hiện hoặc một thử thách cần vượt thắng.

Sứ mạng của Giáo hội: Loan báo Tin mừng

Trong mỗi thời đại lịch sử của mình, nhưng đặc biệt ngày nay, Giáo hội đang ở trong tình trạng cộng đoàn Kitô sau khi Chúa Giêsu về trời. Giáo hội phải loan báo Tin mừng cho tất cả các dân tộc, trong khi chờ đợi “một sức mạnh từ trên cao” để có thể thực hiện điều đó. Và chúng ta đừng quên rằng trong lúc ấy, như ta đọc trong Tông đồ Công vụ, các môn đệ quây quần chung quanh “Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu” (Cv 1,14).

Quả thực là cũng có các phụ nữ khác cùng với Mẹ Maria trong Nhà Tiệc Ly, nhưng sự hiện diện của Mẹ khác và duy nhất trong tất cả các sự hiện diện khác. Giữa Mẹ và Chúa Thánh Linh, có một mối liên hệ duy nhất và đời đời không thể phá hủy, là chính con người của Chúa Kitô, “được thụ thai bởi Chúa Thánh Thần và sinh bởi Đức Trinh Nữ” (Kinh Tin Kính). Thánh sử Luca đã muốn làm nổi bật sự tương ứng giữa việc Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Mẹ Maria trong lúc truyền tin và sự hiện xuống của Người trên các tông đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần, bằng cách dùng vài thành ngữ tương tự trong hai trường hợp.

Thánh Phanxicô Assisi, trong một kinh nguyện, đã chào Đức Trinh Nữ là “con và là nữ tỳ của Vua tối cao là Chúa Cha trên thiên quốc, là mẹ của Chúa Giêsu Kitô chí thánh, là hiền thê của Chúa Thánh Linh” (Fonti Francescane, Assisi 1986, no. 281.). Con của Chúa Cha, Mẹ của Chúa Con, Hiền thê của Chúa Thánh Thần! Ta không thể diễn tả bằng những lời đơn sơ hơn tương quan có một không hai của Mẹ Maria với Chúa Ba Ngôi.

Cũng như tất cả mọi hình ảnh, cả hình ảnh này “hiền thê của Chúa Thánh Linh” cũng không nên tuyệt đối hóa, nhưng cần hiểu theo bao nhiêu chân lý chứa đựng trong đó, và đó là một chân lý rất đẹp. Mẹ là hiền thê, nhưng trước đó, Mẹ là môn đệ của Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy học từ Mẹ để biết ngoan ngoãn đối với những soi sáng của Chúa Thánh Linh, nhất là khi Chúa soi sáng cho chúng ta hãy “mau mắn đứng lên” và ra đi giúp đỡ ai đó đang cần chúng ta, như Mẹ đã làm ngay sau khi sứ thần giã từ Mẹ. (Xc Lc 1,39)

Chào thăm và kêu gọi

Bài huấn giáo của Đức Thánh cha bằng tiếng Ý, lần lượt được các độc viên trình bày phần tóm tắt bằng tám ngôn ngữ khác nhau, như Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Arập và Ba Lan, kèm theo những lời chào thăm và nhắn nhủ của Đức Thánh cha.

Sau cùng, bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha đặc biệt nhắc đến đoàn cảnh sát quốc gia, thuộc tỉnh Campobasso và Isernia ở miền nam Ý và một số nhóm khác. Đức Thánh cha không quên nghĩ đến các bạn trẻ, người cao tuổi và các đôi tân hôn hiện diện trong một khu vực dành riêng phía bên trái của Đức Thánh cha ở lễ đài. Đức Thánh cha nói: “Tôi khuyến khích mỗi người mỗi ngày hãy tìm được sức mạnh và lòng can đảm nơi Thiên Chúa để sống trọn vẹn ơn gọi làm người và làm Kitô hữu”.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.

Trực tiếp

Livesteam thumbnail