Kinh Truyền tin với Đức Thánh cha: Quyền bính đích thực hệ tại việc chăm sóc những người yếu thế nhất

Photo: Vatican Media
Lúc 12 giờ trưa, Chúa nhật ngày 22 tháng Chín vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin với gần 20.000 tín hữu tụ tập ở Quảng trường thánh Phêrô. Trong phần chào thăm, Đức Thánh cha đặc biệt chia buồn với Giáo hội Công giáo tại Honduras, bên Trung Mỹ về vụ một người tranh đấu cho nhân quyền và bảo vệ môi trường, ông Juan Antonio López đã bị ám sát bên ngoài thánh đường, hôm 14 tháng Chín vừa qua.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Huấn từ của Đức Thánh cha

Trong bài suy niệm ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha đã diễn giải lời Chúa Giêsu trong bài Tin mừng Chúa nhật thứ XXV Thường niên Năm B.

Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, Tin mừng trong phụng vụ (Mc 9,30-37) nói với chúng ta về Chúa Giêsu loan báo điều sẽ xảy ra vào tột đỉnh cuộc đời của Ngài: “Con Người bị giao nộp trong tay loài người và họ sẽ giết Ngài, nhưng sau ba ngày, Ngài sẽ sống lại” (v.31). Nhưng các môn đệ, trong khi theo Thầy, đã có những điều khác ở trong đầu và trên môi. Khi Chúa Giêsu hỏi xem họ đang nói gì với nhau thì họ không trả lời.

Chúng ta hãy chú ý đến sự thinh lặng ấy: các môn đệ im lặng vì đang tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất (Xc v.34). Thật là trái ngược dường nào với những lời của Chúa! Trong khi Chúa Giêsu tâm sự với họ về ý nghĩa cuộc sống của Ngài, thì họ nói về quyền bính. Vì vậy, giờ đây sự xấu hổ khép miệng họ, cũng như trước đó, sự kiêu ngạo đã khép kín con tim của họ. Nhưng Chúa Giêsu trả lời rõ ràng cho những tiếng nói thì thầm dọc đường: “Nếu ai muốn là người thứ nhất, thì hãy là người cuối cùng” (Xc V. 35). Bạn muốn là người cao trọng sao? Hãy trở nên bé nhỏ, đặt mình phục vụ tất cả mọi người.

Với một lời vừa đơn sơ vừa quyết định, Chúa Giêsu đổi mới cách thức sống của chúng ta. Ngài dạy chúng ta rằng quyền bính đích thực không hệ tại sự thống trị của những kẻ mạnh hơn, nhưng hệ tại sự chăm sóc những người yếu hơn.

Đó là lý do tại sao Chúa gọi một trẻ em, đặt em ở giữa các môn đệ và ôm lấy em rồi nói: “Ai đón nhận một trong những trẻ em này nhân danh Thầy, tức là đón tiếp Thầy” (v.37). Trẻ em không có quyền bính: em đang cần được săn sóc giúp đỡ. Khi chúng ta chăm sóc một người, chúng ta nhìn nhận rằng con người luôn cần sống.

Tất cả chúng ta, chúng ta sống vì chúng ta được đón nhận, nhưng quyền hành làm cho chúng ta quên chân lý đó. Khi ấy, chúng ta trở thành những người thống trị, chứ không phải là những người phục vụ, và những người đầu tiên chịu đau khổ chính là những người rốt cùng: những người bé nhỏ, yếu đuối, những người nghèo.

Bao nhiêu người đau khổ và chết chóc vì những cuộc tranh giành quyền bính! Đó là những sinh mạng mà thế giới phủ nhận, như họ đã phủ nhận Chúa Giêsu. Khi bị giao nạp trong tay loài người, Chúa không tìm được một vòng tay đón nhận mà là một thập giá. Nhưng Tin mừng tiếp tục là một lời sinh động và đầy hy vọng: Đấng bị phủ nhận, đã sống lại, Ngài là Chúa!

Xét mình

Vậy, chúng ta có thể tự hỏi: tôi có biết nhận ra khuôn mặt của Chúa Giêsu nơi những người bé nhỏ nhất hay không? Tôi có chăm sóc tha nhân, quảng đại phục vụ hay không? Và ngược lại, tôi cám ơn người chăm sóc tôi hay không?

Rồi Đức Thánh cha kết luận: Chúng ta cùng cầu xin Mẹ Maria, để được tự do như Mẹ đối với hư danh và sẵn sàng phục vụ.

Chào thăm và kêu gọi

Sau khi đọc kinh Truyền tin và ban phép lành cho các tín hữu, Đức Thánh cha đề cập đến một số vấn đề thời sự:

Trước tiên, Đức Thánh cha nói: “Tôi đau buồn hay tin tại Honduras: ông Juan Antonio López, thừa tác viên Lời Chúa, điều hợp viên mục vụ xã hội của Giáo phận Trujillo và là thành viên sáng lập của việc mục vụ sinh thái toàn diện ở Honduras, đã bị giết. Tôi chia buồn với Giáo hội Honduras và lên án mọi hình thức bạo lực. Tôi gần gũi những người thấy các quyền sơ đẳng của mình bị chà đạp và hiệp với những người đang dấn thân cho công ích, đáp lại tiếng kêu của những người nghèo và của trái đất”.

Kế đó, Đức Thánh cha chào thăm các tham dự viên cuộc tuần hành nhắm gây ý thức về điều kiện sống của các tù nhân. Ngài nói: “Chúng ta phải làm việc để các tù nhân được ở trong tình trạng phẩm giá được tôn trọng. Mọi người đều có thể mắc lầm lỗi. Bị giam cầm là để tái lập cuộc sống lương thiện sau đó.”

Sau cùng, Đức Thánh cha kêu gọi “lắng nghe tiếng kêu của các dân tộc đang kêu gọi hòa bình. Chúng ta đừng quên Ucraina đau thương, Palestine, Israel, Myanmar, và bao nhiêu nước đang bị chiến tranh. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình”.

Đức Thánh cha chúc mọi người một Chúa nhật an lành, đồng thời xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.

Tags