Đức Thánh cha chủ sự Đàng Thánh giá trọng thể với các bạn trẻ

Chiều tối thứ Sáu, ngày 04 tháng Tám vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự buổi đi Đàng Thánh giá trọng thể, trong khuôn khổ Ngày Quốc tế Giới trẻ tại Lisboa, Bồ Đào Nha.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đàng Thánh giá diễn ra trong một giờ rưỡi đồng hồ, bắt đầu từ lúc 6 giờ chiều, tại Công viên Eduardo VII, cũng là nơi đã diễn ra buổi tiếp đón Đức Thánh cha và nửa triệu bạn trẻ các nước chiều thứ năm hôm trước.

Tham dự Đàng Thánh giá này, có đông đảo các hồng y, giám mục hàng ngàn linh mục, cùng nửa triệu người trẻ các quốc gia. Đảm trách việc vác thánh giá là các thành viên nhóm “Ensemble23”, Cùng nhau, gồm 50 người trẻ thuộc 21 nước năm châu, trong đó có Việt Nam. Phụ họa trong Đàng Thánh giá này có một ca đoàn 62 ca viên, cùng với 30 nhạc công.

Theo ban tổ chức, mục đích Đàng Thánh giá này, không những chỉ để tượng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, theo thói quen trong Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, nhưng còn đề chiêm ngắm và để cho mình được thấm nhập bằng tình yêu trọn vẹn quảng đại và tự hiến cho sự sống của tha nhân. Những đề tài suy niệm trong 14 chặng Đàng Thánh giá là kết quả cuộc tham khảo ý kiến của 20 bạn trẻ năm châu thuộc Ban tư vấn quốc tế về giới trẻ, cạnh Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, được thành lập sau Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới hồi năm 2018, về giới trẻ. Chính các bạn trẻ ấy, giữa bao nhiêu vết thương và yếu đuối trong đời sống của giới trẻ ngày nay, đã chọn 14 đề tài suy niệm cho Đàng Thánh giá này: mỗi chặng được gắn liền với một yếu đuối của xã hội ảnh hưởng tới người trẻ thời nay. Mục đích của sự liên kết 14 chặng Đàng Thánh giá với 14 yếu đuối ấy, là để tạo nên một bầu không khí cầu nguyện sâu xa, qua đó mỗi người có thể nhận ra sức mạnh và động lực nhận được từ Chúa Giêsu, trong ánh sáng cũng như trong tăm tối của đời mình.

Qua kinh nguyện trong Đàng Thánh giá này, các tham dự viên được mời gọi cầu xin Chúa, khi đồng hành với Chúa Giêsu trên con đường tiến về Đồi Canvê, được tràn đầy hy vọng và động lực để đón nhận tương lai, đương đầu với nhưng thách đố, như Chúa Giêsu đã trải qua: đứng trước những khó khăn, không tìm cách tránh né, nhưng khắc phục chúng, nhờ sức mạnh của niềm tin, cậy, mến.

Trong bối cảnh đó, khi đến Công viên Eduardo VII, cũng được gọi là “Đồi gặp gỡ” lúc 5 giờ chiều, Đức Thánh cha đã dành cả tiếng đồng hồ, đi xe mui trần tiến qua các lối đi, để chào thăm mọi người trước khi tiến lên lễ đài có nhiều tầng.

Tại đây, sau nghi thức dẫn nhập và lời nguyện mở đầu, ngài đã ngỏ lời nhắn nhủ các bạn trẻ.

Huấn từ của Đức Thánh cha

Đức Thánh cha nói: “Chúa Kitô là Đấng đã trở nên giống chúng ta để đến gặp gỡ chúng ta, đến độ cúi mình rửa chân cho chúng ta, cảm nghiệm những vết thương của chúng ta để chữa lành chúng, động chạm đến điều thấp nhất trong nhân tính chúng ta: cô đơn, sợ hãi, đau khổ, bị bỏ rơi, và cả cái chết. Đúng vậy, Con Thiên Chúa đã leo lên Canvê để đi xuống tận cùng, đến với chúng ta, vì con đường yêu thương là như thế, và “không ai có tình yêu lớn hơn điều này, đó là hiến mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15,13)...

“Anh chị em thân mến, tối hôm nay, Chúa Giêsu đang đồng hành với chúng ta. Chúa đi cạnh chúng ta, không dừng lại, không hề nghĩ rằng đó là điều vô ích, không ngừng hy vọng cho chúng ta, không ngừng yêu thương chúng ta.”

Và Đức Thánh cha đặt câu hỏi: “Chúa Giêsu hy vọng điều gì? Chúa hy vọng mở ra những cánh cửa tâm hồn của bạn, hướng về cuộc sống yêu thương sung mãn; Chúa hy vọng lau sạch nước mắt thầm kín của bạn nhờ sự dịu dàng của Chúa; lấp đầy nỗi cô đơn của bạn bằng sự gần gũi của Ngài, giải quyết sự sợ hãi của bạn bằng sự an ủi của Ngài, cất những gánh nặng nội tâm đang đè nén bạn, chữa lành những vết thương tội lỗi của bạn, đưa bạn ra khỏi tình trạng tê liệt vì sầu muộn, vì thái độ cam chịu... thúc đẩy bạn đón nhận rủi ro của tình yêu để bạn trẻ thành người kiến tạo sự nhưng không, đều quan tâm đến những người nghèo hơn, có trách nhiệm đối với thời giờ của bạn, với xã hội và thiên nhiên. Đó là điều Chúa Giêsu hy vọng”.

Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Anh chị em, những vết thương, những mong manh yếu đuối và tội lỗi của chúng ta không bị bỏ mặc cho chúng. Chúng ta tin rằng Chúa Giêsu đã vác lấy mọi bất hạnh và đau khổ để bất hạnh và khổ đau không còn vô nghĩa, không có lối thoát. Vì thế, cùng với Chúa Giêsu, mỗi người chúng ta có thể làm chứng và nói rằng: “Tôi xin Đấng đang tìm kiếm bạn, Đấng đang chịu đau khổ trong tôi, nơi những người khác, nơi bạn, cho bạn, tôi tin Đấng đã nói: “Khi bị treo lên trên thập giá, Ta sẽ lôi kéo mọi người lên cùng Ta”...

“Chúng ta hãy mang lên Chúa những tiếng kêu xé lòng của nhân loại chúng ta đang khao khát hòa bình. Chúng ta hãy tín thác nhìn lên Đấng là “an bình của chúng ta” (Ep 2,14). Chúng ta hãy cởi mở con tim cho Chúa, Đấng bị đâm thâu qua vì chúng ta. Chúng ta hãy tín thác nơi Chúa. Ước gì Máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Ngài, chảy xuống chúng ta, thanh tẩy và biến đổi chúng ta. Biến chúng ta thành những ngôn sứ hăng say loan báo Tin mừng, thành những chứng nhân can đảm của Tin mừng”.

Các chủ đề

Sau bài huấn dụ của Đức Thánh cha, thánh giá lần lượt được nhóm bạn trẻ rước đi, và mỗi chặng lần lượt có những chủ đề như: nghèo đói, bạo lực, cô đơn, thiếu dấn thân, bất bao dung, cá nhân chủ nghĩa, sức khỏe tâm thần, phá hủy thiên nhiên, nghiện ngập, thiếu nhất quán, các cuộc khủng hoảng nhân đạo, thái độ duy sản xuất, thông tin giả dối và sau cùng là sợ hãi tương lai.

Chứng từ

Trong số ba chứng từ được trình bày trong buổi đi Đàng Thánh giá, có chứng từ của Esther, 34 tuổi, người Tây Ban Nha, được trình bày nơi chặng thứ III. Bà nói:

“Tôi lớn lên, xa cách Giáo hội, tuy đã chịu phép rửa và được rước lễ lần đầu. Lớn lên, tôi lớn lên, mất hút giữa lòng thế giới. Khi quá 18 tuổi, tôi sống như người kết hôn nhưng không có hôn phối và trong một quan hệ lệ thuộc, ngày càng tệ hơn. Năm 24 tuổi, sau khi tốt nghiệp kiến trúc, tôi bị tai nạn và bị thương ở cột sống, phải ngồi xe lăn.

Tai nạn này rất nặng và đã hủy bỏ mọi dự phóng tương lai của tôi. Nhưng với thời gian, tôi khám phá đó là một món quà. Nó đưa tôi ra khỏi môi trường trước đó của tôi, đã thay đổi cái nhìn của tôi và tôi hiểu rằng cho đến bấy giờ tôi đã không sống tốt đẹp. Tôi quá lo lắng cho tương lai, ước muốn trốn chạy đau khổ. Tôi đã tìm cách làm mọi sự một mình, vì tôi không biết Cha tôi trên trời, và chỉ về sau tôi mới gặp Ngài. Trong những năm ấy, Chúa chăm sóc tôi qua gia đình tôi, và nhân viên nhà thương; Ngài cho tôi sự say mê thể thao và thúc đẩy tôi ra khỏi nhà, làm cho tôi tìm được việc làm mà tôi vẫn luôn mơ ước. Chúa đã cầm tay tôi cho đến khi tôi quen biết Nacho, món quà lớn nhất cho tôi, là chồng tôi. Nhưng bấy giờ xảy ra một vài vấn đề trong quan hệ của chúng tôi. Chúng tôi không biết yêu thương nhau cách nào và tin tất cả những gì người ta nói với chúng tôi. Và khi Chúa cho phép tôi có thai, nhưng vì những khó khăn và sợ hãi, chúng tôi quyết định ngưng thai nghén, nghĩ rằng hài nhi chưa sinh ra thì chưa phải là người. Và sau những sự ấy, tôi rất buồn và không còn ý nghĩa nào về cuộc sống. Chưa bao giờ tôi cảm thấy trống rỗng như thế. Nhưng Chúa, trong lượng từ bi vô biên, Ngài đã đến tìm tôi. Vài tháng sau đó, tôi bắt đầu cảm nghiệm một tình yêu lớn hơn, lớn lao đến độ không thể giải thích nổi... đến độ thức tỉnh lương tâm của tôi. Tôi đã xưng tội, sau nhiều năm trời, cảm thấy hối hận sâu xa vì tất cả những đau khổ tôi đã gây ra cho Người Cha đã yêu thương tôi dường ấy. Chúa đã dạy tôi sống một cách khác và trở về với Giáo hội, nơi tôi biết là Ngài vẫn luôn chờ đợi tôi. Khi ấy, Ngài lại cho tôi có thai và lần này tôi đón nhận với lòng biết ơn. Bé Elisabeth quí yêu của tôi sinh ra, mà tôi rất yêu thương.

Nhưng những vấn đề mới lại xảy đến. Tôi đang ở trong giai đoạn thay đổi và Nacho không hiểu điều đó. Vì lý do đó, tôi được biết Trung tâm Hướng dẫn gia đình, nơi giúp đỡ nhưng người gặp khó khăn. Tại đó, họ dạy chúng tôi cải tiến cách đả thông với nhau. Nacho hăng hái và đi tĩnh tâm, và khi anh trở về, tương quan của chúng tôi bắt đầu được cải tiến. Ngày 07 tháng Năm năm ngoái (2022), chúng tôi kết hôn với nhau, thật là tuyệt vời cử hành bí tích với ý thức rằng Chúa luôn ở với chúng ta để dạy chúng ta yêu thương nhau. Chúng tôi tiếp tục tiến qua những lúc khó khăn và có những vấn đề thường nhật, nhưng chúng tôi chắc chắn rằng tất cả có một ý nghĩa và Chúa cầm tay chúng tôi, và ôm lấy chúng tôi trong vòng tay của Chúa khi chúng tôi cần.

Chứng từ của anh João

Nơi chặng thứ VII, anh João, người Bồ Đào Nha, kể lại: “Năm nay tôi 23 tuổi. Khi tôi theo học năm thứ hai đại học thì xảy ra đại dịch, và cuộc sống hằng ngày, mà trước đó tôi nghĩ là được bảo đảm, đã nhường chỗ cho sợ hãi, ngày này qua ngày khác, nghi ngờ và đầy những thực tại không thực.... trao đổi, học hành và tốt nghiệp đại học qua một màn hình. Đồng thời, ra khỏi nhà tạo nên nơi chúng tôi một cảm thức tội lỗi đứng trước ám ảnh có thể làm cho người thân trong gia đình bị lây nhiễm. Với tất cả những bão tố đó, khi kết thúc học trình năm 2021, tôi đã phải chạy tới khu cấp cứu ở nhà thương, vì rất đau đầu và cảm giác khó chịu. Bác sĩ giải thích rằng cơ thể chúng ta - vì chúng ta đặt nặng đau đớn thể lý hơn - nên nó được hoạch định để gửi một tín hữu để chúng ta chăm sóc cả sức khỏe tâm thần nữa. Một kiểu nói mà chúng ta quen nghe hơn bao giờ hết (mặc dù có vẻ khó chấp nhận đối với nhiều người) đó là: chúng ta cần một nhà tâm lý, như tôi đã cần. Thật khó nhìn nhận sự mong manh của chúng ta, xin giúp đỡ và nhận thực rằng chúng ta không tự đủ cho mình; chúng ta sợ trở thành một gánh nặng và bị từ chối. Trong trường hợp của tôi, thời kỳ bị cô lập trở thành một sự tập luyện lắng nghe chính mình. Tôi hồi lại thời kỳ trước đó để nghĩ lại khi còn làm nạn nhân bị ăn hiếp ở trường học; điều ấy đã ảnh hưởng nhiều, những bất an nó tạo ra và cuộc tìm kiếm nội tâm tôi cố gắng thực hiện mà không thành công trong việc khám phá xem điều gì không ổn, điều gì sai trái nơi tôi. Tôi muốn có thể nói rằng thật dễ nghĩ đến chứng từ này, nhưng không phải như vậy! Thực tế là tôi thường hoãn lại suy tư về những dấu hiệu mà đại dịch để lại. Và khi hoãn lại như thế, đó thực ra là một sự ù lỳ bất động, tôi đã hiểu rằng đại dịch đã thay đổi tôi và bao nhiêu lần làm cho tôi trở nên cứng nhắc. Trong trường hợp của tôi, sự cô lập mà tôi cảm thấy ngày nay, không tuân theo những quy luật về an ninh, nhưng nếu đức tin và nghị lực của tôi bị thiếu, nếu tôi không hiến thân được và tham gia thì sự âm thầm cô lập vẫn kéo dài, một sự cô lập về cảm xúc, mà sự không mang khẩu trang không làm cho nó im bặt được. Thông thường người đau khổ hơn cả là người không cảm thấy được đón nhận. Chúng ta phải nghĩ đến cách thức làm sao đón nhận những người đang cần hơn cả. Chúng ta là Giáo hội của Đấng, sau khi bị loại trừ, đã trở thành Hòn Đá Góc. Đức tin luôn giúp đỡ tôi khi tôi ngã. Niềm tin nơi một Giáo hội lữ hành, trong đó không ai bị ở ngoài, và được chứng tá của Đức Mẹ soi sáng, ta đứng đây và chọn hành trình là những nhà cửa và con tim của những người cảm thấy ở ngoài lề. Cùng nhau, như những con người, có thể chiến thắng mọi cô lập, mọi chủ nghĩa cá nhân”.

Buổi đi Đàng Thánh giá trọng thể kết thúc lúc quá 7 giờ 30 tối, với kinh nguyện và phép lành của Đức Thánh cha.

Trực tiếp

Livesteam thumbnail