Bài giáo lý của Đức Thánh cha cho thứ Tư, ngày 16 tháng Tư

Tính đến thứ Tư, ngày 16 tháng Tư, Đức Thánh cha Phanxicô đã xuất viện được 24 ngày, nhưng ngài tiếp tục chưa thể tiếp kiến chung các tín hữu hành hương.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Phòng Báo chí Tòa thánh đã phổ biến bài giáo lý trong loạt bài về “Năm Thánh 2025”: “Chúa Giêsu Kitô niềm hy vọng của chúng ta”. Chương II. Đời sống Chúa Giêsu. Các dụ ngôn. Thứ 5: người Cha thương xót. “Người con đã mất, và đã được tìm lại (Lc 15,32).
Bài huấn giáo của Đức Thánh cha đi từ đoạn Tin mừng theo thánh Luca 15, từ câu 31 đến 32:
Người cha trả lời người con cả: “Hỡi con, con luôn ở với cha và tất cả những gì của cha là của con; nhưng ta cần phải ăn mừng và hân hoan, vì em con đây đã chết và nay đã hồi sinh, đã lạc mất và nay tìm lại được”.
Đức Thánh cha viết: “Anh chị em thân mến,
Sau khi suy tư về những cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với một số nhân vật trong Tin mừng, bắt đầu từ bài huấn giáo này, tôi muốn dừng lại ở vài dụ ngôn. Như chúng ta đã biết, đó là những trình thuật lấy lại những hình ảnh và tình trạng của thực tại hằng ngày. Vì thế, chúng cũng đụng chạm đến đời sống chúng ta. Chúng khiêu khích và yêu cầu chúng ta có lập trường: tôi đang ở vị trí nào trong trình thuật này?
Chúng ta hãy bắt đầu từ dụ ngôn nổi tiếng nhất, dụ ngôn mà tất cả chúng ta đã biết, có lẽ từ khi con nhỏ: dụ ngôn người cha và hai đứa con (Lc 15,1-3.11-32). Trong dụ ngôn này chúng ta thấy trọng tâm Tin mừng của Chúa Giêsu, nghĩa là lòng thương xót của Thiên Chúa.
Thánh sử Luca nói rằng Chúa Giêsu kể dụ ngôn này cho những người biệt phái và luật sĩ. Họ đã lẩm bẩm vì Chúa ăn uống với những người tội lỗi. Vì thế, ta có thể nói rằng đó là một dụ ngôn hướng tới những người cảm thấy bị lầm lỗi, nhưng không biết mình lỗi mà lại phán xét những người khác. Tin mừng muốn chuyển cho chúng ta một sứ điệp hy vọng, vì nói với chúng ta rằng từ bất cứ nơi nào chúng ta lạc mất, trong bất kỳ cách nào chúng ta hư mất, Thiên Chúa luôn đến tìm kiếm chúng ta! Chúng ta lạc mất, có lẽ như một con chiên ra khỏi đường chính để ăn cỏ, hoặc ở lại đằng sau vì mệt mỏi (Xc Lc 15,4-7). Hoặc có thể chúng ta lạc mất như một đồng tiền, có lẽ đã rơi xuống đất và không tìm thấy nữa, hoặc người nào đã đặt riêng ra một nơi và nay không nhớ ở đâu. Hay là chúng ta lạc mất như hai người con của người cha này: người em lạc vì chán chường ở trong tương quan mà anh ta cảm thấy quá đòi hỏi; hay như người anh lạc mất, vì nếu chỉ ở lại nhà mà trong tâm hồn có sự kiêu hãnh và oán hận, thì không đủ.
Tình yêu luôn luôn là một sự dấn thân, luôn có một cái gì đòi chúng ta phải mất để đi gặp gỡ người khác. Nhưng người con thứ trong dụ ngôn chỉ nghĩ đến mình, như xảy ra trong vài giai đoạn của thời thơ ấu hoặc niên thiếu. Trong thực tế, quanh chúng ta, chúng ta cũng thấy bao nhiêu người lớn như vậy, họ không thể tiếp tục một tương quan vì họ ích kỷ. Họ có ảo tưởng tìm lại chính mình, nhưng thực ra họ lạc mất, vì chỉ khi nào chúng ta sống cho một người nào đó, chúng ta mới sống thực sự.
Người con này nhỏ nhất, như tất cả chúng ta, đang đói tình thương, muốn được yêu thương. Nhưng tình yêu là một món quà quí giá, cần phải được đối xử kỹ lưỡng. Trái lại, người con thứ phá tán tình thương, bán mình, không tự trọng. Anh ta chỉ nhận thấy điều đó trong thời kỳ hạn hán, khi mà chẳng ai chăm sóc anh nữa. Cái rủi ro là trong lúc ấy chúng ta bắt đầu ăn xin tình yêu thương mà chúng ta gắn bó với chủ nhân ngày từ lúc đầu.
Đó là những kinh nghiệm làm nảy sinh trong chúng ta một xác tín sai trái, cho rằng mình chỉ có thể ở trong một tương quan như đầy tớ, như thể chúng ta phải đền một tội hoặc như thể không thể có tình thương chân thực. Thực vậy, người con thứ, khi bị lâm vào tình trạng cùng cực, nghĩ đến việc trở về nhà cha để thu lượm trên mặt đất chút ít tình thương.
Chỉ người nào thực sự yêu thương chúng ta thì mới có thể giải thoát chúng ta khỏi quan niệm sai lầm về tình thương như thế. Trong tương quan với Thiên Chúa, chúng ta trải qua cảm nghiệm ấy. Danh họa Rembrandt, trong một bức tranh nổi tiếng, đã diễn tả tuyệt vời sự trở về của người con hoang đàng. Nhất là tôi có ấn tượng mạnh về hai chi tiết: cái đầu của người con thứ cạo trọc, như đầu của một hối nhân, nhưng nó có vẻ như cái đầu của một trẻ thơ, vì người con này đang tái sinh. Và đôi tay của người cha: một tay là tay đàn ông, và tay kia là tay phụ nữ, để mô tả sức mạnh và sự dịu dàng trong vòng tay ôm tha thứ.
Nhưng chính người con cả diễn tả những người mà dụ ngôn này được kể lại: đó là người con luôn ở nhà với cha mình, nhưng xa cách cha, xa cách trong tâm hồn. Người con này có lẽ cũng muốn ra đi, nhưng vì sợ hãi hoặc vì phải ở lại nhà, trong tương quan ấy. Nhưng khi bạn miễn cưỡng thích ứng, thì bạn bắt đầu nuôi oán hận trong tâm hồn và trước sau gì sự giận dữ cũng bùng lên. Điều nghịch lý là, chính người con cả sau cùng có nguy cơ bị ở ngoài nhà, vì không chia sẻ niềm vui của cha.
Người cha cũng đi ra ngoài để gặp con cả. Ông không khiển trách và không kêu gọi con cả hãy trở về với nghĩa vụ. Ông muốn để cho cánh cửa mở. Cánh cửa ấy vẫn mở ngỏ cho cả chúng ta. Thực vậy, đó là động lực hy vọng; chúng ta có thể hy vọng vì chúng ta biết rằng Cha đang chờ đợi chúng ta, thấy chúng ta từ xa và luôn để cho cánh cửa mở rộng.
Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Anh chị em thân mến, vây chúng ta hãy tự hỏi xem chúng ta ở đâu trong trình thuật tuyệt vời này. Và chúng ta hãy xin Thiên Chúa là Cha ban ơn để cả chúng ta cũng có thể tìm lại được con đường trở về nhà”.
Trực tiếp
