Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha: Thánh nữ Mary Mackillop mang tình yêu Chúa Kitô đến cho những người nghèo, bị bỏ rơi
Sáng thứ Tư, ngày 28 tháng Sáu vừa qua, khoảng 15.000 tín hữu hành hương đã đến tham dự buổi Tiếp kiến chung hằng tuần của Đức Thánh cha Phanxicô lúc gần 9 giờ, tại Quảng trường thánh Phêrô, dưới trời nắng. Đây là buổi tiếp kiến cuối cùng trước khi Đức Thánh cha nghỉ hè trong tháng Bảy tới đây, ngưng các buổi tiếp kiến, và chỉ mở lại trong tháng Tám và lúc đó, buổi tiếp kiến sẽ diễn ra trong Đại thính đường Phaolô VI.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Như thường lệ, sau lời chào phụng vụ mở đầu của Đức Thánh cha, mọi người đã nghe đọc một đoạn Kinh thánh được công bố bằng tám thứ tiếng, trích từ Tin mừng theo thánh Marco, đoạn 9 (33.35-37):
“Sau đó, Chúa Giêsu và các môn đệ đến thành Capharnaum. Khi về tới nhà, Chúa Giêsu hỏi các ông: “Dọc đường các con đã bàn tán điều gì vậy?” Rồi Ngài ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người. Kế đó, Ngài đem một em nhỏ đặt giữa họ, rồi ôm lấy nó và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy, và ai đón tiếp Thầy, thì không phải là đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”.
Bài giáo lý
Trước khi bắt đầu bài huấn dụ tiếp đó, Đức Thánh cha ứng khẩu ca ngợi và cám ơn các tín hữu đã can đảm đến tham dự buổi tiếp kiến này mặc dù trời nắng và nóng nực. Rồi ngài tiếp tục loạt bài giáo lý về “sự hăng say loan báo Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của tín hữu”. Bài thứ 17 này mang tựa đề: “Các chứng nhân: Thánh nữ Mary Mackillop”.
Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong loạt bài huấn giáo về lòng nhiệt thành tông đồ này, chúng ta đang gặp một vài mẫu gương những người nam nữ thuộc mọi thời đại và nơi chốn, đã hiến cuộc sống cho Tin mừng. Hôm nay chúng ta tới Châu Đại Dương, một đại lục gồm rất nhiều hải đảo lớn nhỏ. Niềm tin nơi Chúa Kitô mà bao nhiêu người di dân Âu châu đã mang tới các lãnh thổ này, đã sớm mọc rễ và mang lại nhiều hoa trái (Xc Tông huấn: Giáo Hội tại Châu Đại Dương, 6). Trong số những thành quả đó, có một nữ tu ngoại thường là thánh nữ Mary Mackillop (1982-1909), sáng lập Dòng Các nữ tu thánh Giuse Thánh Tâm, người đã hiến cuộc đời mình cho việc huấn luyện cho những người nghèo ở miền nam Australia về mặt trí thức và tôn giáo.
Thân thế
Mary Mackillop sinh gần thành phố Melbourne, song thân là người di dân từ miền Ecosse đến Australia. Khi còn là một thiếu nữ, cô cảm thấy được Thiên Chúa kêu gọi phụng sự và làm chứng về Ngài, không những bằng lời nói, nhưng nhất là bằng một đời sống được sự hiện diện của Chúa biến đổi (Xc E.G, 259). Như Maria Madalena là người đầu tiên đã gặp Chúa Kitô phục sinh, và được Chúa sai đi báo tin cho các môn đệ, Mary cũng xác tín mình được sai đi để phổ biến Tin mừng và thu hút những người khác đến gặp Thiên Chúa hằng sống.
Ý thức tầm quan trọng của giáo dục
Khi đọc các dấu chỉ thời đại một cách khôn ngoan, Mary hiểu rằng cách tốt nhất để làm điều vừa nói là giáo dục những người trẻ, với ý thức rằng nền giáo dục Công giáo là một hình thức loan báo Tin mừng. Vì thế, nếu chúng ta có thể nói rằng “mỗi vị thánh là một sứ mạng truyền giáo; là một dự án của Chúa Cha để phản ánh và thể hiện một khía cạnh của Tin mừng, trong một thời điểm nào đó của lịch sử” (Tông huấn Gaudete et exsultate, 19), thì Mary Mackillop đã thực hiện điều đó đặc biệt qua việc thành lập các trường học.
Truyền giáo cho người nghèo
Một đặc tính cốt yếu của lòng nhiệt thành nơi thánh nữ đối với Tin mừng là chăm sóc những người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề. Điều này thúc đẩy thánh nữ đi tới những nơi mà người khác không muốn và không thể đến.
Ngày 19 tháng Ba năm 1866, lễ thánh Giuse, Mary Mackillop mở trường học đầu tiên tại một khu vực nhỏ ở miền nam Australia. Tiếp theo đó là bao nhiêu trường khác mà thánh nữ và các nữ tu cùng dòng thành lập trong các cộng đoàn miền quê ở Australia và New Zealand.
Giáo dục: Phát triển toàn diện
Mary Mackillop xác tín rằng mục đích của giáo dục là phát triển toàn diện con người như một cá nhân cũng như thành phần của cộng đoàn; và điều này đòi phải có sự khôn ngoan, kiên nhẫn và bác ái từ phía mọi giáo chức. Thực vậy, giáo dục không hệ tại làm đầy đầu óc bằng những ý tưởng, nhưng là đồng hành và khích lệ các học sinh trong hành trình tăng trưởng về nhân bản và tâm linh, tỏ cho các em tình bạn với Chúa Giêsu Phục sinh, mở rộng tâm hồn và làm cho cuộc sống nhân bản hơn. Quan điểm này là điều rất thời sự ngày nay, khi chúng ta cảm thấy nhu cầu có một “hiệp ước giáo dục” có khả năng liên kết các gia đình, trường học và toàn thể xã hội.
Các hoạt động bác ái
Lòng nhiệt thành của Mary Mackillop đối với việc truyền bá Tin mừng nơi những người nghèo khiến thánh nữ khởi sự cả những công trình bác ái khác, bắt đầu là “Nhà Chúa Quan Phòng” được mở tại thành phố Adelaide để đón nhận những người già và các trẻ em bị bỏ rơi. Mary mạnh mẽ tin tưởng nơi Chúa Quan Phòng: thánh nữ luôn tin tưởng rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào Thiên Chúa đều lo liệu. Nhưng điều này vẫn không tránh cho Mary khỏi những lo âu và khó khăn do việc tông đồ và Mary có nhiều lý do để gặp những điều đó: như phải trả các tiền phí tổn, thương lượng với các giám mục và linh mục ở địa phương, quản trị các trường học và chăm sóc việc huấn luyện về chuyên môn và tinh thần cho các nữ tu của mình; và về sau, thánh nữ còn gặp những vấn đề về sức khỏe. Nhưng trong mọi sự ấy, Mary Mackillop vẫn yên hàn, kiên nhẫn vác thánh giá là điều thuộc về sứ mạng.
Đón nhận thánh giá
Trong một dịp, vào lễ Tôn vinh thánh giá, Mary nói với một trong các nữ tu: “Hỡi con, từ nhiều năm, mẹ đã học yêu mến thánh giá”. Thánh nữ không đầu hàng trong những lúc bị thử thách và tăm tối, khi niềm vui bị chống đối và từ khước làm hỏng. Mary tiếp tục xác tín rằng, cả khi Chúa gửi cho chị “bánh đau khổ và nước sầu muộn” (Is 30,20), chính Chúa sẽ sớm đáp lại tiếng kêu và bảo bọc thánh nữ bằng ơn thánh của Ngài. Đó chính là bí quyết lòng nhiệt thành tông đồ của Mary Mackillop.
Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Anh chị em, ước gì sứ mạng của thánh nữ Mary Mackillop làm môn đệ thừa sai, câu trả lời của thánh nữ trong tinh thần sáng tạo đối với những nhu cầu thời đại, sự dấn dân huấn luyện toàn diện cho người trẻ, soi sáng cho tất cả chúng ta ngày nay, những người được kêu gọi trở thành men Tin mừng trong các xã hội biến chuyển mau lẹ của chúng ta. Ước gì tấm gương và lời chuyển cầu của thánh nữ nâng đỡ công việc hằng ngày của các cha mẹ, giáo chức, các giáo lý viên và mọi nhà giáo dục, để mưu ích cho người trẻ và tiến tới một tương lai nhân bản và đầy hy vọng.
Chào thăm và kêu gọi
Sau bài huấn giáo của Đức Thánh cha, buổi tiếp kiến được nối tiếp với phần tóm tắt bài giáo lý và những lời chào thăm của ngài bằng các thứ tiếng.
Khi chào bằng tiếng Anh, Đức Thánh cha nhắc đến các tín hữu hành hương đến từ Anh quốc, Australia, Palestine, Philippines, Canada và Hoa Kỳ. Ngài cầu chúc mọi người hiện diện cùng với gia đình họ được niềm an vi của Chúa Giêsu Kitô.
Khi chào bằng tiếng Ba Lan, Đức Thánh cha cám ơn họ vì đã nâng đỡ và cầu nguyện cho ngài khi được điều trị tại nhà thương cũng như mỗi người trong sứ vụ tông đồ. Ngài cầu chúc họ nghỉ hè tốt đẹp và xin họ đừng lơ là với Chúa và đừng quên thực hành những công việc từ bi bác ái trong mùa này. Hãy trở nên chứng tá cụ thể về Tin mừng cho những người đau khổ vì cảnh nghèo, vì chiến tranh tại Ucraina.
Sau cùng bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha nhắc đến lễ phong chân phước sáng Chúa nhật, ngày 25 tháng Sáu vừa qua, cho nữ tu Elisa Martinez tại Đền thánh Đức Mẹ Leuca, nam Ý, cũng là tên dòng do chân phước thành lập. Đức Thánh cha nói: “Thật là đẹp và là điều chúng ta có thể đón nhận như của mình câu nói của chân phước mới: “Mở rộng con tim để ôm lấy mọi thụ tạo ở các nơi trên trái đất, đặc biệt là những người nghèo khổ nhất và bị gạt ra ngoài lề xã hội”.
Đức Thánh cha không quên chào thăm nhiều nữ tu các dòng đang cử hành Tổng tu nghị. Và ngài nhắc đến những người trẻ, các bệnh nhân và người cao niên cũng như các đôi tân hôn, đồng thời nhắc đến lễ trọng kính thánh Phêrô và Phaolô tông đồ: “Ước gì tấm gương và sự phù hộ của hai thánh tông đồ nâng đỡ mỗi người trong anh chị em trong việc theo Chúa Kitô. Chúng ta hãy phó thác cho các ngài nhân dân Ucraina yêu qúy, để họ sớm được phục hồi hòa bình.”
Buổi tiếp kiến kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.