Kinh Truyền tin với Đức Thánh cha: Hãy sợ vì không làm hài lòng Chúa và không đặt Tin mừng của Chúa ở vị trí thứ nhất

Photo: Vatican Media

Trưa Chúa nhật, ngày 25 tháng Sáu vừa qua, đã có đông đảo tín hữu đến Quảng trường thánh Phêrô để tham dự buổi đọc kinh Truyền tin với Đức Thánh cha Phanxicô, như thường lệ. Ngoài những người đứng ở giữa quảng trường, còn có hàng ngàn người khác đứng dưới những hàng cột xa hơn để tránh nắng.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Trong phần chào thăm, Đức Thánh cha chia buồn và liên đới với các nạn nhân vụ nổi loạn trong một nhà tù nữ ở Honduras, và bày tỏ sự gần gũi với thân nhân cô Emanuela Orlandi, bị mất tích cách đây 40 năm ở Roma.

Huấn dụ của Đức Thánh cha

Trong huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha giải thích ý nghĩa bài Tin mừng Chúa nhật thứ XII Thường niên, Năm A, qua đó Chúa Giêsu dặn các môn đệ “đừng sợ!”.

Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu lập lại cho các môn đệ ba lần: “Các con đừng sợ” (Mt 10, 26.28.31). Liền trước đó, Chúa đã nói với họ về những cuộc bách hại mà họ sẽ phải chịu vì Tin mừng, một thực tại vẫn còn thời sự ngày nay. Thực vậy, ngay từ đầu, cùng với những vui mừng, Giáo hội đã chịu bao nhiêu bắt bớ. Đó là một điều có vẻ mâu thuẫn: việc loan báo Nước Thiên Chúa là một sứ điệp an bình và công lý, dựa trên tình bác ái huynh đệ và trên sự tha thứ, thế mà lại gặp những chống đối, bạo lực và bách hại. Nhưng Chúa Giêsu bảo đừng sợ: không phải vì trong thế giới mọi sự diễn tiến tốt đẹp, nhưng vì đối với Chúa Cha, chúng ta thật là quí hóa và không điều gì tốt lành sẽ bị mất đi. Vì thế, Chúa nói với chúng ta đừng để sợ hãi chặn đứng, nhưng tốt hơn nên sợ một điều khác mà thôi? Đó là gì? Chúng ta khám phá điều có qua một hình ảnh mà Chúa Giêsu dùng hôm nay, đó là hình ảnh “Geenna” (Xc v.28). Thung lũng “Geenna” là một nơi mà dân thành Jerusalem biết rõ: đó là nơi rộng lớn để đổ rác rưởi của thành phố. Chúa Giêsu nói về điều này để khẳng định rằng sự sợ hãi thực sự là sợ vứt bỏ cuộc sống của mình. Ngài muốn nói: đừng sợ phải chịu những hiểu lầm và phê bình, mất uy tín và lợi lộc kinh tế để trung thành với Tin mừng, nhưng hãy sợ phí phạm cuộc sống để theo đuổi những gì chẳng đáng, không làm cho cuộc sống được đầy ý nghĩa.

Áp dụng vào hoàn cảnh cuộc sống

Và điều ấy cũng quan trọng đối với chúng ta. Thực vậy, ngày nay ta có thể bị cười nhạo hoặc bị kỳ thị nếu không sống theo một số kiểu mẫu thịnh hành, nhưng chúng thường đặt ở trung tâm những thực tại thứ yếu: đặt sự vật thay vì con người, những thành tích thay vì những tương quan. Chúng ta hãy lấy vài ví dụ. Tôi nghĩ đến các cha mẹ cần làm việc để nuôi sống gia đình, nhưng không thể chỉ sống cho công việc mà thôi: họ cần có thời giờ cần thiết để ở với con cái. Tôi cũng nghĩ đến một linh mục hay một nữ tu: họ phải dấn thân trong việc phục vụ, nên không quên dành thời giờ để ở với Chúa Giêsu, chẳng vậy họ rơi vào tình trạng phàm tục về tinh thần và đánh mất ý nghĩa ơn gọi của họ. Và một thí dụ khác, tôi nghĩ đến một người trẻ, nam hay nữ, có hàng ngàn bận rộn và đam mê: trường học, thể thao, và những sở thích khác, điện thoại di động và mạng xã hội, nhưng họ cần gặp gỡ con người và thực hiện những giấc mơ lớn, không mất thời giờ cho những thứ chóng qua và chẳng để lại vết tích gì.

Cần chấp nhận từ bỏ

Tất cả những điều đó đều bao hàm một vài từ bỏ đứng trước những thần tượng hiệu năng và tiêu thụ, nhưng sự từ bỏ ấy là điều cần thiết để không mất hút trong những sự vật, để rồi chúng bị vứt bỏ đi, như người ta làm hồi đó ở thung lũng Geenna. Và trái lại, ngày nay thường có những người bị vứt bỏ trong các Geenna: chúng ta hãy nghĩ đến những người rốt cùng, thường bị đối xử như đồ bỏ, và những điều không được mong muốn. Trung thành với những gì là đáng kể; dù phải đi ngược dòng, giải thoát mình khỏi những ảnh hưởng của thói đời, bị những người theo thời gạt qua một bên. Nhưng điều đó chẳng đáng kể gì, như Chúa Giêsu đã nói: điều đáng kể là đừng vứt bỏ điều thiện hảo lớn hơn: đó là cuộc sống. Chỉ có điều đó phải làm cho chúng ta sợ hãi.

Và Đức Thánh cha kết luận: Vậy chúng ta hãy tự hỏi: Tôi sợ điều gì? phải chăng tôi sợ không đạt được điều tôi thích? Không được những mục tiêu mà xã hội áp đặt? Hoặc sợ phán đoán của những người khác? hay sợ không làm hài lòng Chúa và không đặt Tin mừng của Chúa ở vị trí thứ nhất? Xin Mẹ Maria, Trinh Nữ khôn ngoan, giúp chúng ta khôn ngoan và can đảm trong những chọn lựa chúng ta thực hiện.

Chào thăm và kêu gọi

Sau khi đọc kinh và ban phép lành cho mọi người, Đức Thánh cha bày tỏ đau buồn về những gì xảy ra cách đây vài ngày, tại trung tâm cải huấn các nữ tù nhân ở thành phố Suyapa, bên Honduras làm cho hơn 40 người bị thiệt mạng trong vụ nổi loạn tại đây. Ngài liên đới và cầu nguyện cho các nạn nhân và thân nhân họ, cũng như kêu gọi thăng tiến sự hòa giải.

Tiếp đến, Đức Thánh cha nhắc đến vụ cô Emanuela Orlandi, 15 tuổi, con của một công nhân Vatican, bị mất tích cách đây đúng 40 năm, ngày 22 tháng Sáu năm 1983, trên đường đi học về nhà. Các cuộc điều tra cho đến nay đều không có kết quả. Đức Thánh cha bày tỏ sự gần gũi với thân nhân của nạn nhân, đặc biệt là bà mẹ của cô.

Anh ruột của cô Emanuela đã tổ chức một cuộc ngồi biểu tình, sáng Chúa nhật cùng ngày 25 tháng Sáu, gần lâu đài Thiên Thần ở Roma, không xa Vatican, cùng với một số người khác, và ông hy vọng Đức Thánh cha sẽ lên tiếng về vấn đề này.

Sau khi chào thăm các nhóm hành hương hiện diện tại Quảng trường, Đức Thánh cha cầu chúc mọi người một Chúa nhật an lành, đồng thời xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.

Tags