Ngoại trưởng Tòa Thánh kết thúc chuyến thăm Hungary

Chúa nhật, ngày 30 tháng Ba vừa qua, Ngoại trưởng Tòa Thánh, Đức Tổng giám mục Paul Gallagher, đã kết thúc bốn ngày viếng thăm Hungary, nhân dịp kỷ niệm 60 năm qua đời của Đức Tổng giám mục Angelo Rotta, Sứ thần Tòa Thánh tại Hungary, từ năm 1930 đến 1945, người đã nổi bật với những nỗ lực cứu thoát người Do thái trong thời diệt chủng.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Đức Tổng giám mục Gallagher đã cử hành thánh lễ sáng Chúa nhật, tại đồng nhà thờ chính tòa thánh Vương Stêphanô ở thủ đô Budapest, theo lời mời của Đức Hồng y Peter Erdoẽ, Tổng giám mục sở tại.
Trong bài giảng thánh lễ, Đức Tổng giám mục Ngoại trưởng đã chuyển lời chào thăm và sự gần gũi tinh thần trong kinh nguyện của Đức Thánh cha với Giáo hội tại Hungary. Đức Thánh cha cũng bày tỏ lòng biết ơn vì những lời cầu nguyện của các tín hữu Hungary cho ngài trong thời gian ở Bệnh viện Gemelli và những ngày dưỡng bệnh hiện nay.
Đức Tổng giám mục Gallagher đã diễn giải bài Tin mừng Chúa nhật thứ tư Mùa chay, kể lại dụ ngôn người con trai hoang đàng trở về cùng cha mình. Đức Tổng giám mục nhận xét rằng: “Nhân vật chính thực sự trong dụ ngôn này không phải là hai người con cho bằng người Cha thương xót, biểu tượng tình thương vô biên của Thiên Chúa. “Tình thương của người Cha mạnh mẽ và lớn lao đến độ không chiếm hữu người con, nhưng sẵn sàng để người con ấy ra đi”. Người Cha không đòi hỏi gì, nhưng sẵn sàng kiên nhẫn chờ đợi. Đó là một tình thương tha thứ và đón nhận con tại gia đình. Tình thương của người Cha không ngăn cản chúng ta đến một xứ xa lạ. Trái lại, tình thương ấy đã chuộc lại quá khứ và cuộc sống tại xứ ấy. Điều này thực là “một tin vui cho những người trong chúng ta đi đến nước xa xăm, và cả tất cả chúng ta sớm muộn gì cũng đi đến đó như thế”.
Trước đó, trong khuôn khổ cuộc viếng thăm, Đức Tổng giám mục Ngoại trưởng Tòa Thánh đã được mời lên tiếng tại khóa họp thường niên của các Đại sứ Hungary. Trong dịp này, Đức Tổng giám mục nhấn mạnh rằng Tòa Thánh tiếp tục dấn thân mạnh mẽ trong việc thăng tiến công lý và hòa hợp giữa các dân nước. Ngài nhắc đến những cuộc xung đột vũ trang hiện nay trên thế giới, như chiến tranh giữa Nga và Ucraina, giữa Israel và Hamas, bạo lực kéo dài tại nhiều nước Phi châu, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của các tôn giáo trước những thách đố địa lý chính trị hiện nay: các tôn giáo và các đại diện tôn giáo là những tác nhân quan trọng trong các tiến trình và đối thoại để xây dựng hòa bình. Họ quyết tâm đặt phẩm giá con người ở trung tâm mọi thương lượng và giải pháp ngoại giao.
Đức Tổng giám mục Gallagher cũng giải thích rằng ý niệm Công giáo về hòa bình là căn bản các nỗ lực ngoại giao của Tòa Thánh, không phải chỉ là một “sự cần thiết chính trị” hoặc sự vắng bóng chiến tranh, nhưng là một nghĩa vụ luân lý và là một phản ánh ý chí của Thiên Chúa. “Chính sự hiện diện của công lý, tình thương và trật tự công chính kêu gọi hoán cải tâm hồn và nhìn nhận phẩm giá của mỗi người cũng như sự phát triển nhân bản toàn diện con người. Vì thế, đó là một nền hòa bình, dựa trên sự hòa giải với Thiên Chúa và với mỗi người, và sau cùng là giữa các dân nước. Hòa bình là một hồng ân của Thiên Chúa, được xây dựng trên sự thật và tình thương, được thực hiện qua sự cộng tác của con người với ơn thánh của Thiên Chúa”.
(Vatican News 28, 30-3-2025)
Trực tiếp
