Đức Tổng giám mục Trưởng Công giáo Ucraina họp báo tại Paris
Thảm trạng chiến tranh từ hơn một ngàn ngày tại Ucraina liên kết mọi người dân nước này với nhau, bất luận tôn giáo. Ucraina bị thương tổn, mệt mỏi nhưng không bị đánh bại và tiếp tục kiên cường!
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Đức Tổng giám mục Trưởng Sviatoslav Shevchuk, Giáo chủ Công giáo Ucraina nghi lễ Đông phương, tuyên bố như trên trong cuộc họp báo ngày 29 tháng Mười vừa qua, tại nhà thờ chính tòa thánh Volodymyr-Cả ở Paris, nhân dịp ngài đến đây để gặp gỡ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Cùng tổ chức cuộc họp báo này, có Tổ chức Đông phương (L’Oeuvre d’Orient) và Hội đồng Giám mục Pháp, với mục đích để Đức Tổng giám mục Trưởng trình bày về tình hình tại Ucraina và vai trò của Giáo hội Công giáo Ucraina Đông phương trong bối cảnh chiến tranh.
Đức Tổng giám mục nói rằng: “Khả năng cứu các sinh mạng là một tấm gương về đại kết được biểu lộ qua các hoạt động”. Và ngài cũng cho biết thêm về số phận các tín hữu Công giáo Ucraina Đông phương tại các vùng bị Nga chiếm đóng: tại các lãnh thổ đó, không còn tín hữu Công giáo nào, mặc dù các tín hữu thuộc Giáo hội do ngài coi sóc chiếm 7% dân số Ucraina. “Qua sự kiện đó, quí vị hiểu đối với phần lớn các tín hữu tại Ucraina, ý niệm độc lập của nước này cũng có nghĩa là tự do tôn giáo”.
Viện về tự do tôn giáo, một tổ chức phi chính phủ bênh vực nhân quyền được thành lập năm 2001 tại thủ đô Kiev, đã công bố một phúc trình, trong đó cho biết từ đầu chiến tranh ở Ucraina hồi tháng Hai năm 2022, đã có 630 nhà thờ và cơ sở tôn giáo, thánh đường Kitô, hội đường Do thái và Đền thờ Hồi giáo bị phá hủy: phần lớn tại miền Donnetsk, với ít nhất là 146 nơi thờ phượng. Tiếp đến là ít nhất 83 nhà thờ tại miền Luhansk. Còn tại vùng Kherson, có ít nhất 78 cơ sở bị chung số phận. Nhưng nói chung, không có miền nào mà không bị.
Đàng khác, phúc trình cũng nhấn mạnh rằng chính các nhà thờ Chính thống thuộc Tòa Thượng phụ Mascơva bị thương tổn nhiều nhất, với 187 thánh đường bị phá hủy, và 59 thánh đường thuộc Chính thống Ucraina, 41 thánh đường Công giáo bị tàn phá. Một số nơi thờ phượng bị quân Nga cố tình cướp bóc, đóng cửa hoặc biến thành những tòa nhà hành chính.
Ngày 20 tháng Tám vừa qua, Quốc hội Ucraina đã thông qua dự luật cấm Giáo hội Chính thống thân Tòa Thượng phụ Chính thống Nga. Luật mới chưa được công bố, và cho các giáo xứ liên hệ của Giáo hội này thời gian để “cắt đứt mọi liên hệ với Giáo hội Chính thống Nga”.
Đức Tổng giám mục Trưởng nhắc đến sự ủng hộ của Giáo hội Chính thống Nga đối với cuộc xâm lăng của Nga tại Ucraina và ngài lấy làm tiếc vì sự lạm dụng tôn giáo như thế, biến tôn giáo thành một võ khí và coi rẻ nhân phẩm của đối phương. Vì thế, tình trạng đó khiến cho những người Ucraina vốn gắn bó với Tòa Thượng phụ Chính thống Mascơva lâm vào “tình trạng khủng hoảng trầm trọng về căn tính.”
Đức Tổng giám mục Trưởng coi luật này là một biện pháp tự vệ của chính phủ Ucraina. Nhưng Tòa Thánh cũng như nhiều nước phê bình luật của Ucraina, vì nếu tín hữu nào vi phạm luật pháp quốc gia thì cứ trừng phạt cá nhân đó theo luật pháp quốc gia, và không thể trừng phạt cả một tập thể tín hữu, vốn hiện hữu tại Ucraina trước khi quốc gia này được thành lập và độc lập.
Trong cuộc họp báo, Đức Tổng giám mục Shevchuk cũng nhắc đến và bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Thánh cha và Tòa Thánh vì những cố gắng làm trung gian, và đặc biệt trợ giúp về nhân đạo.
Sau cùng, Đức Tổng giám mục Trưởng bày tỏ hy vọng cho tương lai của Ucraina và Giáo hội Công giáo nghi lễ Đông phương tại nước này và nói: “Chúng tôi tin rằng khả năng yêu mến tổ quốc có thể mạnh hơn sự oán ghét. Tôi không thể ngăn cản dân tộc tôi không cảm thấy sự oán ghét khi họ chứng kiến những cuộc tàn sát, nhưng nhờ tinh thần và ý chí, chúng tôi phải biến tâm tình đó thành can đảm. Hoạt động của Chúa Thánh Linh biến lòng can đảm của con người thành hy vọng. Chính vì thế mà Ucraina còn tiếp tục hy vọng”.
(Vatican News 30-10-2024)