Phút Cầu Nguyện, Thứ Ba 12/11/2024: Tình thương của mẹ

Ở một ngôi làng nọ, có một bà lão bị mất một cái chân, sống bằng nghề ăn xin đã rất nhiều năm. Hằng ngày, dù trời nắng chói chang hay mưa tầm tã, bà đều chống nạng bắt đầu cất bước đi xin ăn từ lúc sáng sớm. Xin được nhiều hay ít bà đều đem tất cả trở về ngôi nhà lụp xụp của mình, rồi chiều đến bà lại tiếp tục đi ăn xin.

Nhiều người thấy bà cứ đi ăn xin một chút lại khập khiễng đi về nhà thì thương lắm. Họ khuyên bà hãy đi xin ăn cho đến tối rồi trở về nhà một thể, chứ đi như vậy rất là vất vả cho thân già. Thế nhưng, bà lão vẫn không thay đổi thói quen đó. Những người dân trong làng đã quen thuộc với thói quen đó của bà lão ăn xin này nên cũng chẳng mấy ai quan tâm đến chuyện của bà. Họ vẫn cho bà khi thì túi gạo, lúc thì vài cái bánh mì hay ít rau củ quả. Khi nhận được bất cứ thứ gì, bà đều vui mừng và rối rít cảm ơn.

Rồi một ngày nọ, những người dân trong làng không thấy bà lão ăn xin lang thang trên đường và gõ cửa nhà mình nữa. Nhiều ngày trôi qua, vẫn không thấy bóng dáng bà. Họ liền tìm đến căn nhà lụp xụp của bà và phát hiện ra trong căn nhà đó, bà cụ đang nằm sốt nặng, trên chiếc giường gần đó còn có một người thanh niên trạc 40 tuổi bị bại liệt đang nằm trên giường. Lúc này, dân làng mới hiểu ra rằng hằng ngày dù đi ăn xin, bà lão cứ phải đi đi về về nhà mình là để đem thức ăn cho đứa con trai bị đau ốm. Người mẹ ấy đã kiên trì và vất vả như vậy gần như suốt cuộc đời để chăm nuôi đứa con tật nguyền, bất chấp cái chân đau và tuổi già của mình.

Quý ông bà và anh chị em thân mến,

Cho dù tuổi đã cao, chân phải đi nạng và nghề ăn xin không dễ dàng chút nào, người mẹ già trong câu chuyện bên trên vẫn không bỏ rơi đứa con trai thiểu năng của mình. Không biết đã bao năm và cho tới bao giờ, người mẹ ấy vẫn cần mẫn và tận tụy dành cho đứa con tội nghiệp ấy trọn vẹn thời gian, sức khỏe và tình thương. Tục ngữ Đức có một câu danh ngôn rất hay nói về tình thương của người mẹ đó là: “Tình thương của người mẹ không bị già nua khi năm tháng trôi qua”. Còn nhà thiết kế thời trang người Đức Karl Lagerfeld, đã tuyên bố rằng: “Tình thương duy nhất mà tôi thực sự tin tưởng là tình thương của người mẹ dành cho những đứa con của mình”.

Thật vậy, trong số những tình thương mà chúng ta nhận lãnh được trong cuộc đời, tình thương của mẹ là tình thương đầu tiên mà chúng ta cảm nhận được và tấm lòng của mẹ vẫn trãi dài suốt cuộc đời của chúng ta cho dù chúng ta có nhận ra được hay vô tình không biết đến. Cách này hay cách khác, chắc chắn rằng mỗi người chúng ta đều được người mẹ của mình yêu thương và quan tâm, chăm sóc theo những cách thức khác nhau. Có lẽ đâu đó trong đời, khi đau ốm, chúng ta cũng từng nhìn thấy mẹ của mình lo lắng, thức trắng suốt ngày đêm để chăm lo cho mình từng viên thuốc, chén cháo, trong khi chính mẹ cũng đang đau bệnh và rất mệt mỏi.

Sinh thành và dưỡng dục con cái là bổn phận của các bậc cha mẹ và chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ khi yếu đau và cầu nguyện cho cha mẹ khi các ngài đã qua đời là bổn phận của những người con. Tháng Mười Một về! Giữa những lao xao của lời kinh hướng về những bậc tiền nhân, trong đó có những người cha, người mẹ đã yên nghỉ sau khi hoàn tất cuộc hành trình dương thế, chúng ta cũng không quên dâng lên Chúa lời cầu nguyện cho người cha, người mẹ đang còn hiện diện bên cạnh mình. Những ồn ào, tất bật của cuộc sống và những đòi hỏi của công việc thường là lý do khiến chúng ta dễ dàng bỏ qua những cuộc thăm viếng cha mẹ và ít có thời gian để gọi điện trò chuyện với cha mẹ.

Ước gì không để đến khi cha mẹ đã qua đời, chúng ta mới nhớ đến các ngài trong những lời kinh nguyện thấm đẫm niềm tiếc nhớ, nhưng biết quan tâm chăm sóc và cầu nguyện cho cha mẹ khi các ngài còn đang sống bên cạnh mình.

Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con một người mẹ đã cưu mang, sinh thành và dưỡng nuôi chúng con trên cuộc đời dương thế. Xin cho chúng con biết sống trọn niềm hiếu thảo với người mẹ của mình bằng cách ân cần chăm sóc khi mẹ vẫn còn hiện diện bên cạnh, và gia tăng lời cầu nguyện cho mẹ khi mẹ đã không còn trên cõi đời này. Amen.

               Nt. Rosa Lê Ngọc Thùy Trang, MTGCQ.