Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha: Hãy để biển và sa mạc thành nơi Thiên Chúa có thể mở ra những con đường tự do và huynh đệ
Sáng thứ Tư, ngày 28 tháng Tám năm 2024, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến mười lăm ngàn tín hữu hành hương, tại Quảng trường thánh Phêrô, mặc dù thời tiết vẫn còn nóng bức, nhưng vì Đại thính đường Phaolô VI, có máy lạnh, ở nội thành Vatican, nhưng có số chỗ ngồi rất hạn chế.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Lúc 8 giờ 45, Đức Thánh cha đã dùng xe mui trần tiến ra Quảng trường, đi qua các lối đi để chào thăm các tín hữu. Sau đó, Đức Thánh cha cùng mọi người lắng nghe một đoạn sách thánh, qua một số câu trích từ thánh vịnh 107 (1.4-6):
“Hãy cảm tạ Chúa vì Người nhân lành, vì tình thương của Người tồn tại mãi mãi (...). Một số người lang thang trong sa mạc, trên những con đường mất hút, không tìm được thành nào để cư ngụ. Họ đói khát, và sức sống của họ suy tàn. Trong lo âu họ kêu lên cùng Chúa và Người giải thoát họ khỏi những âu lo”.
Bài huấn giáo
Trong bài huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha gác lại loạt bài về Chúa Thánh Thần và Hôn Thê để nói về đề tài: “Biển và sa mạc”. Đây là một đề tài thời sự trong những ngày này ở Ý, vì lần đầu tiên một con tàu do tổ chức di dân của Hội đồng Giám mục Ý tham gia các hoạt động cứu vớt những người di dân bất hợp lệ ở Địa Trung Hải, và với sự chúc lành của Đức Thánh cha. Việc làm này bị nhiều báo chí ở Ý phê bình vì cho rằng Giáo hội ủng hộ các cuộc di cư bất hợp pháp, khiến Đức Thánh cha lên tiếng can thiệp qua bài huấn giáo này.
Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay, hoãn lại bài giáo lý thường lệ, tôi muốn dừng lại với anh chị em để suy nghĩ về những người, trong lúc này đang vượt qua biển và sa mạc để tới một phần đất nơi họ sống trong hòa bình và an ninh.
Ý nghĩa biểu tượng của biển và sa mạc
Biển và sa mạc: hai từ này được lập lại trong bao nhiêu chứng từ mà tôi nhận được, từ phía những người di cư, cũng như từ những người dấn thân cứu vớt họ. Khi tôi nói “biển” trong bối cảnh các cuộc di cư, tôi cũng nghĩ đến đại dương, hồ, sông ngòi, tất cả những khối nước nguy hiểm mà bao nhiêu anh chị em chúng ta ở các nơi trên thế giới buộc lòng phải đi qua để đạt tới mục đích của họ. Và “sa mạc” không phải chỉ là sa mạc với những đụn cát hoặc các tảng đá, nhưng cũng là tất cả những lãnh thổ khó tới và nguy hiểm, như rừng rậm, bưng biền, thảo hoang, nơi mà những người di dân vượt qua một mình, bị bỏ mặc cho chính mình. Những lộ trình di cư ngày nay thường được đánh dấu bằng những cuộc vượt biển và sa mạc, đối với nhiều người, quá nhiều người gặp chết chóc trên những lộ trình ấy. Một số trong các lộ trình đó chúng ta biết rõ hơn; một số khác, đa số, ít được biết đến, nhưng không phải vì thế mà ít người đi qua.
Địa Trung Hải: Nghĩa trang
Tôi đã bao nhiêu lần nói về Địa Trung Hải, vì tôi là Giám mục Roma, và vì đó là biểu tượng, là mare nostrum, biển của chúng ta, nơi giao thông giữa các dân tộc và các nền văn minh, đã trở thành một nghĩa trang. Và thảm trạng là nhiều người, phần lớn những người đã chết ấy, có thể cứu được. Cần nói rõ rằng: có những người hoạt động nhất loạt và bằng mọi phương thế xua đuổi những người di dân. Và điều này, khi cố tình làm và với trách nhiệm, thì đó là một tội trọng. Chúng ta đừng quên điều mà Kinh Thánh đã nói: “Đừng xách nhiễu ngoại kiều, cũng đừng áp bức họ” (Xh 22,20). Cô nhi, quả phụ, là những người nghèo nhất, mà Thiên Chúa luôn bênh vực và yêu cầu bảo vệ.
Sa mạc
Rất tiếc một số sa mạc trở thành nghĩa trang của những người di dân. Và ở đây thường không phải là những người chết “tự nhiên”. Không phải vậy. Nhiều khi trong sa mạc, người ta đưa đến đó và bỏ rơi họ tại đó. Trong thời đại các vệ tinh và máy bay không người lái, có những người nam nữ và trẻ em di dân mà không ai phải thấy. Chỉ có Thiên Chúa thấy và lắng nghe tiếng kêu của họ.
Thực vậy, biển và sa mạc cũng là những nơi Kinh thánh đầy giá trị biểu tượng. Đó là những cảnh rất quan trọng trong lịch sử xuất hành, cuộc di cư lớn của dân được Thiên Chúa dẫn dắt qua ông Môisê từ Ai Cập đến Đất Hứa. Những nơi ấy chứng kiến thảm trạng trốn chạy của dân, tránh các cuộc đàn áp và nô lệ. Đó là những nơi đau khổ, sợ hãi, tuyệt vọng, nhưng đồng thời cũng là những nơi đi qua để đạt tới sự giải thoát, để cứu chuộc, để đạt tới tự do và hoàn thành những lời hứa của Thiên Chúa (Xc Sứ điệp Ngày Thế giới di dân và tị nạn 2024).
Thiên Chúa quan tâm và đồng hành với di dân
Có một thánh vịnh mà, khi hướng về Chúa, nói rằng: “Trên biển, con đường của Chúa / những tâm tình của Chúa trên biển cả” (77,20). Và trong một thánh vịnh khác, ca rằng; “Người dẫn đưa dân qua sa mạc / vì tình thương của Ngài mãi đến muôn đời” (136, 16). Những lời thánh này nói với chúng ta rằng để đồng hành với dân trên hành trình tự do, chính Thiên Chúa trải qua biển và sa mạc; Ngài không ở xa cách, không phải vậy, nhưng chia sẻ thảm trạng của người di dân. Ngài ở đó với họ, chịu đau khổ với họ, khóc và hy vọng với họ.
Mở rộng các biện pháp tiếp nhận di dân hợp pháp
Anh chị em, về một điều mà tất cả chúng ta có thể cùng nhau đồng ý: trong những biển và sa mạc chết chóc ấy, những người di dân ngày nay lẽ ra không phải ở đó. Không phải với những luật lệ ngặt nghèo nhất, không phải với việc quân sự hóa các biên giới, không phải với những xua đuổi, trục xuất mà chúng ta đạt được kết quả ấy. Trái lại, chúng ta đạt được bằng cách mở rộng những lối vào an ninh và hợp pháp cho những người di dân, tạo điều kiện cho những người trốn chạy chiến tranh, bạo lực, bách hại và những tai ương khác; chúng ta sẽ đạt được điều đó bằng cách tạo điều kiện, bằng mọi cách, cho việc điều hành hoàn vũ các cuộc di dân dựa trên công lý, trên tình huynh đệ và liên đới. Và khi liên kết các lực lượng để bài trừ nạn buôn người, để chặn đứng các tội ác buôn người, khai thác không thương xót lầm than của những người khác.
Ca ngợi những người Samaritano
Tôi muốn kết luận bằng cách nhìn nhận và ca ngợi sự dấn thân của bao nhiêu người Samaritano, xả thân để cứu vớt những người di dân bị thương và bị bỏ rơi trên những con đường tuyệt vọng ở năm châu. Những người nam nữ can đảm này là dấu chỉ một nhân loại mới, không để cho mình bị lây nhiễm nền văn hóa xấu xa dửng dưng và gạt bỏ. Và ai không thể đi hàng đầu như họ, thì không phải vì thế mà bị loại trừ khỏi cuộc tranh đấu văn minh: có bao nhiêu cách thức đóng góp phần của mình, trước hết là bằng lời cầu nguyện.
Anh chị em, chúng ta hãy hiệp lòng và sức mạnh, để biển và sa mạc không trở thành những nghĩa trang, nhưng là những không gian nơi mà Thiên Chúa có thể mở ra những con đường tự do và huynh đệ.
Chào thăm và kêu gọi
Bài huấn giáo của Đức Thánh cha bằng tiếng Ý lần lượt được các độc viên trình bày phần tóm tắt bằng tám thứ tiếng, kèm theo những lời chào thăm và nhắn nhủ của Đức Thánh cha.
Khi chào bằng tiếng Pháp, Đức Thánh cha nhắc đến nhóm hành hương từ Sénégal, do Đức cha Paul Abel Mamba hướng dẫn và nhóm từ Burkina Faso, bên Phi châu.
Bằng tiếng Anh, Đức Thánh cha đặc biệt chào nhóm học sinh và giáo chức đến từ Na Uy.
Với các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh cha nói: “Từ vài năm nay, anh chị em chứng tỏ một sự giúp đỡ như người Samaritano, và cảm thông đối với những người tị nạn chiến tranh từ Ucraina. Anh chị em hãy tiếp tục đón tiếp họ với những người đã mất mọi sự và tìm đến với anh chị em, cậy trông nơi lòng từ bi và trợ giúp huynh đệ của anh chị em. Xin Thánh gia Nazareth nâng đỡ anh chị em, Thánh gia cũng đã ở trong những lúc nguy hiểm khi tị nạn sang một xứ lạ.
Sau cùng, bằng tiếng Ý, sau khi nhắc đến các chủng sinh tham dự cuộc gặp gỡ kỳ hè và chúc họ tiếp tục hành trình thụ huấn, nuôi dưỡng mình bằng Lời Chúa và bánh sự sống, Đức Thánh cha nói: “Tôi nghĩ đến các bạn trẻ, bệnh nhân và người già cũng như các đôi tân hôn. Theo gương thánh Augustino mà chúng ta mừng kính hôm nay, anh chị em hãy khao khát sự khôn ngoan chân thực, và không ngừng tìm kiếm Chúa là nguồn mạch sinh động của tình thương yêu vĩnh cửu.
Buổi tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha trên mọi người hiện diện.