Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha: Đức bác ái là công trình của Chúa Thánh Linh trong chúng ta

Photo: Vatican Media
Sáng thứ Tư, ngày 15 tháng Năm vừa qua, có khoảng 20.000 tín hữu tham dự buổi Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha Phanxicô, tại Quảng trường thánh Phêrô, từ lúc 9 giờ. Đặc biệt, trong số các phái đoàn dự buổi tiếp kiến có khoảng 40 người Việt Nam, do cha Quảng, Dòng Tên, hướng dẫn và trong số này một nửa là các linh mục.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Như thường lệ, sau khi Đức Thánh cha đi xe tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu, mọi người nghe đọc một đoạn trích từ thư thứ I của thánh Phaolô tông đồ gửi các tín hữu Côrintô (13,4-7):

“Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả”.

Bài giáo lý

Trong bài huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài về các nết xấu và các nhân đức. Bài thứ mười chín này tựa đề là: “Đức mến” hay “nhân đức bác ái”.

Mở đầu bài giáo lý, Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, chúng ta nói về nhân đức đối thần thứ ba, là đức mến. Đây là tột đỉnh trong toàn thể hành trình chúng ta đã thực hiện, với các bài huấn giáo về các nhân đức. Nghĩ tới đức mến, hay bác ái, con tim mở rộng ngay, ta nghĩ đến những lời được linh hứng của thánh Phaolô trong thư thứ I gửi tín hữu Côrintô. Khi kết thúc bài ca tuyệt vời này, thánh Tông đồ trưng dẫn bộ ba nhân đức đối thần và thốt lên: “Vì thế, giờ đây còn lại ba điều này: tin, cậy, mến. Nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1 Cr 13,13).

Cộng đoàn Côrintô

Thánh Phaolô nói những lời này với một cộng đoàn chẳng hoàn hảo về tình huynh đệ: tại đây, các tín hữu Kitô Côrintô thường tranh cãi nhau, có những chia rẽ nội bộ, có người luôn muốn có lý và không nghe những người khác, coi họ thấp kém hơn mình. Với những người như thế, thánh Phaolô nhắc nhở rằng kiến thức làm phồng lên, trong khi đức mến xây dựng (Xc 1Cr 8,1). Rồi thánh Tông đồ ghi nhận một gương mù xảy ra ngay trong lúc hiệp thông hiệp nhất của một cộng đồng Kitô, tức là trong “bữa tiệc của Chúa”, trong thánh lễ: cả tại đó cũng có những chia rẽ, và có người lợi dụng lúc đó để ăn uống, bỏ rơi những người không có gì (1Cr 11,18-22). Đứng trước tình trạng ấy, thánh Phaolô đưa ra một phán quyết rõ ràng: “Vì vậy, khi anh chị em họp nhau, cuộc họp ấy không còn là một bữa ăn của Chúa nữa” (v.20).

Có lẽ trong cộng đồng Côrintô không ai nghĩ mình đã phạm tội và những lời nghiêm khắc như thế của thánh Tông đồ có vẻ không hiểu nổi. Có thể là tất cả đều xác tín mình là những người tốt lành, và nếu được hỏi về tình yêu, có lẽ họ trả lời rằng chắc chắn là tình yêu đối với họ là một giá trị quan trọng, cũng như tình bạn và gia đình. Cả ngày nay, tình yêu ở trên môi miệng bao nhiêu người “có ảnh hưởng” và trong những điệp khúc của bao nhiêu bài ca.

Đức mến đích thực

“Nhưng tình yêu thì khác?”, dường như thánh Phaolô hỏi các tín hữu Kitô Côrintô. Không phải là tình yêu đi lên, nhưng tình yêu đi xuống; không phải tình yêu chiếm hữu, nhưng là tình yêu cho đi; không phải là tình yêu phô trương bề ngoài, nhưng là tình yêu kín đáo. Thánh Phaolô lo âu vì tại Côrintô, như cả ngày nay giữa chúng ta - người ta lẫn lộn và cho rằng nhân đức đối thần chỉ đến từ Thiên Chúa mà thôi, trong thực tế không có dấu vết nào của nó. Và cho dù qua lời nói, tất cả đều cam đoan mình là người tốt lành, muốn điều thiện cho gia đình và các bạn hữu của mình, nhưng trong thực tế, về tình thương của Thiên Chúa, họ biết rất ít.”

Đặc tính đức bác ái Kitô

Các tín hữu Kitô xưa kia đã dùng nhiều từ Hy Lạp để định nghĩa tình yêu. Sau cùng thì nổi bật từ “agapé” mà chúng ta thường dịch là “carità”, bác ái. Vì thực ra, các tín hữu Kitô có khả năng tất cả mọi thứ tình yêu trên thế giới: cả những người yêu nhau, hơn kém cũng xảy ra cho tất cả mọi người. Cả họ cũng cảm nghiệm sự tử tế ta thấy trong tình bạn. Cả họ cũng sống lòng yêu mến tổ quốc và tình thương đại đồng đối với toàn thể nhân loại. Nhưng có một tình yêu lớn hơn, đến từ Thiên Chúa và hướng về Thiên Chúa, Đấng làm cho chúng ta có thể yêu mến Thiên Chúa, trở thành những bạn hữu của Ngài và làm cho chúng ta yêu thương tha nhân như Thiên Chúa yêu thương họ, với ước muốn chia sẻ tình bạn với Thiên Chúa. Tình yêu này, vì Chúa Kitô, thúc đẩy chúng ta đi đến nơi mà xét về mặt con người chúng ta sẽ không tới: đó là tình yêu đối với người nghèo, yêu người không đáng yêu mến, yêu người không thương và không biết ơn chúng ta. Đó là tình yêu đối với điều mà không ai yêu; yêu cả kẻ thù. Đó là điều “đối thần”, nghĩa là đến từ Thiên Chúa, là công trình của Chúa Thánh Linh ở trong chúng ta.

Giáo huấn của Chúa Giêsu

Chúa Giêsu, trong bài giảng trên núi, dạy rằng: “Nếu các con yêu thương những người thương chúng con, thì nào có công trạng gì? Cả những kẻ tội lỗi cũng yêu những người yêu họ. Và nếu các con làm điều thiện cho những người làm điều tốt cho các con, thì có công trạng gì? Cả những kẻ có tội cũng làm như vậy” (Lc 6,32-33). Và Chúa kết luận: “Trái lại, hãy yêu thương những kẻ thù của các con, làm điều thiện và giúp đỡ mà không chờ mong gì, và phần thưởng của các con sẽ lớn và các con sẽ là con của Đấng Tối Cao, vì Ngài nhân lành đối với những kẻ vô ơn và người gian ác” (v.35).

Đức bác ái

Trong những lời này, tình yêu tỏ ra như nhân đức đối thần và mang tên là đức bác ái. Chúng ta nhận thấy ngay rằng đó là một tình yêu khó khăn, đúng hơn là không thể thực hành, nếu ta không sống trong Thiên Chúa. Bản tính con người chúng ta tự nhiên làm ta yêu thương những gì là tốt và đẹp đẽ. Nhân danh một lý tưởng hoặc một lòng quí mến sâu đậm chúng ta cũng có thể thực hiện những hành vi can đảm. Nhưng tình yêu Thiên Chúa đi xa hơn những tiêu chuẩn đó. Tình yêu Kitô giáo đón lấy những gì là không đáng yêu, cống hiến tha thứ, chúc lành cho những người chúc dữ. Đó là một tình yêu cam go đến độ dường như không có thể, nhưng đó là điều duy nhất còn lại trong chúng ta. Đó là “cửa hẹp”, qua đó ta bước qua để vào Nước Thiên Chúa. Vì vào cuối đời, chúng ta sẽ không bị phán xét về tình yêu tổng quát, nhưng là về bác ái: “Thật, Thầy bảo các con: tất cả những gì các con làm cho một trong các anh em bé nhỏ nhất của Thầy đây, chính là các con làm cho Thầy” (Mt 25,40).

Chào thăm và kêu gọi

Sau bài giáo lý trên đây là phần tóm tắt và chào thăm bằng các ngôn ngữ khác nhau, kèm theo những lời nhắn nhủ của Đức Thánh cha.

Trước tiên là các nhóm nói tiếng Pháp, Đức Thánh cha đặc biệt chào một nhóm bảo trợ cho Viện Bảo tàng Vatican, đến từ Bỉ, và nhiều nhóm học sinh đến từ Pháp. Ngài mời gọi họ hãy sống trong tình bạn với Thiên Chúa, “Đấng liên kết chúng ta với Người và tỏ lộ trong tình bác ái đối với tất cả mọi người”.

Bằng tiếng Anh, Đức Thánh cha đặc biệt nhắc đến “một nhóm đại biểu Quốc hội từ Anh quốc, có tương quan với Tòa Thánh và các nhóm hành hương đến từ Uganda, Australia, Ấn Độ, Philippines, Việt Nam, Canada và Mỹ. Ngài nói: “Nhân dịp lễ Chúa Thánh Thần sắp đến gần, tôi khẩn cầu dồi dào ơn Chúa Thánh Linh xuống trên anh chị em và gia đình”.

Với các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh cha nhắn nhủ rằng Chúa Thánh Linh luôn khơi lên một tình yêu đậm đà đối với những người nghèo, các bệnh nhân và những người vô phương thế tự vệ, như các trẻ em chưa sinh ra. Hôm nay, có một quả chuông được mang từ Ba Lan đến đây, gọi là tiếng nói của những người không sinh ra. “Chuông sẽ được mang sang Kazakhstan. Nó sẽ nhắc nhở về sự cần thiết phải bảo vệ sự sống con người từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên. Tôi chào mừng những người đề ra sáng kiến này: đó là Ngân quỹ Ba Lan “Ủng hộ sự sống” mang tước hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội.

Cuối cùng, bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha chào thăm nhiều nhóm khác nhau, bắt đầu là các tín hữu đến từ Messigno di Pompei và Hội thánh Phanxicô Assisi ở Napoli, nhắn nhủ họ hãy trở thành men hiệp thông và phục vụ Tin mừng trong các giáo xứ liên hệ.

Đức Thánh cha cũng chào thăm Phân bộ Ý của Hiệp hội cảnh sát quốc tế, mời gọi họ hãy quảng đại dấn thân cho tình liên đới huynh đệ. Ngài không quên nhắc nhở những người trẻ, người cao tuổi, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Đức Thánh cha nói: “Vài ngày tới đây là lễ Hiện Xuống: anh chị em hãy luôn ngoan ngoãn đối với tác động của Chúa Thánh Thần: ước gì sự hiện diện an ủi của Đấng Ủi An là nguồn nâng đỡ anh chị em trong mọi thử thách.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.