Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha: Chúa Thánh Linh là đồng minh của chúng ta trong cuộc chiến chống ác thần

Photo: Vatican Media
Sáng thứ Tư, ngày 25 tháng Chín năm 2024, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến gần 20.000 tín hữu và du khách hành hương, tại Quảng trường thánh Phêrô. Đây là buổi tiếp kiến chung thứ 500 của ngài, từ khi bắt đầu sứ vụ Giáo hoàng.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Sau khi đi xe chào thăm các tín hữu, buổi tiếp kiến bắt đầu với phần lắng nghe Lời Chúa, với một đoạn trích từ Tin mừng theo thánh Luca, chương 4 (4,1-2.13-14).

“Chúa Giêsu được đầy Thánh Linh, từ sông Giordan trở về và được Thánh Linh dẫn đi vào trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu cám dỗ... Sau khi hết cách cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ. Được quyền năng Thánh Linh thúc đẩy, Chúa Giêsu trở về miền Galilea, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận”.

Bài huấn giáo

Trong bài huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài về “Thánh Thần và Hôn Thê. Chúa Thánh Linh hướng dẫn Dân Chúa gặp gỡ Chúa Giêsu là niềm hy vọng của chúng ta”. Bài thứ bảy này có tựa đề: “Chúa Giêsu được Thánh Linh dẫn vào hoang địa. Chúa Thánh Linh là đồng minh của chúng ta trong cuộc chiến chống ác thần”.

Mở đầu bài huấn giáo, Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Ngay sau khi chịu phép rửa ở sông Giordan, Chúa Giêsu “được Thánh Linh dẫn vào hoang địa, để chịu ma quỷ cám dỗ” (Mt 4,1). Sáng kiến không phải của Satan, nhưng của Thiên Chúa. Khi đi vào hoang địa, Chúa Giêsu vâng theo một sự soi sáng của Chúa Thánh Linh, không rơi vào cạm bẫy của kẻ thù. Sau khi vượt qua thử thách, như đã viết, Ngài trở về miền Galilea “với quyền năng của Chúa Thánh Linh” (Lc 4,14).

Chúa Giêsu, ở trong hoang địa, được giải thoát khỏi Satan. Đó là điều được các thánh sử Tin mừng làm nổi bật, với nhiều trình thuật về những cuộc giải thoát những người bị quỷ ám. Chúa Giêsu nói với những kẻ chống đối: “Nếu tôi xua đuổi ma quỷ do sức mạnh của Chúa Thánh Linh, thì nay Nước Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Mt 12,27).

Hôm nay, chúng ta chứng kiến một hiện tượng lạ lùng, liên quan đến ma quỷ. Ở mức độ văn hóa nào đó, người ta cho rằng ma quỷ không hề hiện hữu. Đó chỉ là biểu tượng của một vô thức tập thể, hoặc của sự tha hóa. Tóm lại, đó chỉ là một ẩn dụ. Nhưng sự tinh quái lớn nhất của ma quỷ là làm cho người ta tin là hắn không hiện hữu”, như có người đã viết (Charles Baudelaire). Thế nhưng, thế giới kỹ thuật và tục hóa của chúng ta đầy những thầy bói, pháp sư, tôn giáo huyền bí, lên đồng, các nhà chiêm tinh, những người bán những lá bùa, và bùa ngải, và rất tiếc giáo phái Satan thực sự và những bùa ngải. Bị đuổi từ cửa ra vào, ma quỷ trở lại qua cửa sổ. Bị đuổi khỏi đức tin, nó trở về bằng mê tín.

Bằng chứng nơi các thánh

Bằng chứng mạnh nhất về sự hiện hữu của ma quỷ, chúng ta thấy không phải nơi những người tội lỗi hoặc những người bị quỷ ám, nhưng là nơi các thánh! Quả thực, ma quỷ hiện diện và hoạt động trong một số hình thức tột cùng và “vô nhân đạo” của sự ác và xấu xa, mà chúng ta thấy quanh chúng ta. Nhưng qua con đường này, thực tế là không thể đi tới sự xác quyết, trong những trường hợp riêng rẽ về sự chắc chắn đó chính là hắn, xét vì chúng ta không thể biết chắc đâu là kết thúc hoạt động của hắn và bắt đầu chính sự ác của chúng ta. Vì thế, Giáo hội rất thận trọng và nghiêm túc trong việc thực hành sự trừ quỷ, rất tiếc là khác với những gì xảy ra trong một số phim!

Chính trong đời sống của các thánh mà ma quỷ buộc lòng phải xuất đầu lộ diện, tỏ lộ rõ hình dạng của nó. Tất cả các thánh và các đại tín hữu hơn kém, đều làm chứng về cuộc chiến đấu của họ chống thực tại tối tăm này, và ta không thể ngoan cố nói rằng tất cả họ là những người bị ảo tưởng hoặc chỉ là nạn nhân của những thành kiến trong thời đại của họ.

Chiến thắng bằng Lời Chúa và tỉnh thức

Ta có thể chiến thắng trong trận chiến chống ác thần, như Chúa Giêsu đã chiến thắng trong hoang địa: bằng những ngón đòn Lời Chúa: “Có lời chép rằng”: Chúa Giêsu đã trả lời lại ba lần như thế với kẻ cám dỗ. Thánh Phêrô cũng đề nghị phương thức khác, mà Chúa Giêsu không cần, nhưng chúng ta thì cần, cần sự tỉnh thức: “Anh chị em hãy điều độ, tỉnh thức. Kẻ thù của anh chị em, là ma quỷ, nhưng sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5,8). Và thánh Phaolô cảnh giác rằng: “Đừng tạo dịp cho ma quỷ” (Ep 4,27)

Trên thập giá, sau khi Chúa Kitô đánh bại vĩnh viễn quyền lực của “vua trần thế này” (Ga 12,31), - như lời một giáo phụ đã dạy, “ma quỷ bị trói như một con chó bị xích lại; nó không thể cắn người nào, trừ khi người ấy bất chấp nguy hiểm, đến gần nó... Ma quỷ có thể sủa, có thể gạ gẫm, nhưng không thể cắn, trừ khi có người nào muốn điều ấy”. (S. Cesario di Arles, Discorsi 121, 6: CC 103, p 507)

Ví dụ, kỹ thuật hiện đại, ngoài bao nhiêu khía cạnh tích cực cần được đề cao, nhưng cũng cống hiến vô số phương thế “để tạo dịp cho ma quỷ”, và nhiều người sa ngã. Chúng ta hãy nghĩ đến nạn dâm ô trên mạng, đằng sau đó có một thị trường rất phát triển: đó là một hiện tượng rất phổ biến, nhưng các Kitô hữu phải thận trọng và quyết liệt loại bỏ.

Sự ý thức về hành động của ma quỷ trong lịch sử không được làm cho chúng ta nản chí. Cả trong trường hợp này, tư tưởng chung kết phải là lòng tín thác và chắc chắn. Chúa Kitô đã chiến thắng ma quỷ và đã ban cho chúng ta Thánh Thần để chiến thắng. Chính hành động của kẻ thù cụ thể có lợi cho chúng ta, nếu nhờ ơn Chúa, thì chúng ta biến nó thành cơ hội để thanh tẩy chúng ta. Vì thế, chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần, qua những lời của bài thánh ca: Lạy Thánh Thần xin hãy đến, Veni Creator. Xin đẩy xa kẻ thù khỏi chúng con và mau ban cho chúng con an bình. Với Chúa là Đấng hướng đạo, chúng con sẽ tránh được mọi sự dữ”.

Chào thăm và kêu gọi

Bài huấn giáo của Đức Thánh cha bằng tiếng Ý lần lượt được các độc viên trình bày phần tóm tắt bằng tám thứ tiếng, kèm theo những lời chào thăm và nhắn nhủ của Đức Thánh cha.

Khi chào các nhóm nói tiếng Pháp, Đức Thánh cha nêu danh các tín hữu hành hương đến từ Thụy Sĩ và Canada, cũng như ban nhạc của cảnh sát ở Vallase. Ngài cũng xin họ cầu nguyện cho chuyến viếng thăm ngài thực hiện, từ thứ Năm, ngày 26 tháng Chín này, tại Luxemburg và Bỉ, để có một đà tiến mới về đức tin tại hai nước ấy.

Khi chào các nhóm tín hữu nói tiếng Anh, Đức Thánh cha nhắc đến các đoàn đến từ Anh quốc, Úc, Ấn Độ, Malaysia, Philippines, Đài Loan, Canada và Mỹ.

Với các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh cha nói: “Đứng trước thảm trạng chiến tranh ở Ucraina và lũ lụt tàn phá tại đất nước của mình, anh chị em đừng để mình bị tính ích kỷ và dửng dưng chiến thắng, nhưng với ơn phù trợ của Chúa, anh chị em hãy nâng đỡ trong tình liên đới những người đau khổ và túng thiếu, mà nhiều khi họ không thấy hy vọng”.

Sau cùng, bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha đặc biệt chào các linh mục thuộc Giáo phận Milano, và một số giáo xứ, cùng nhiều hội đoàn khác.

Sau cùng, Đức Thánh cha nghĩ đến các bạn trẻ, bệnh nhân và người già cũng như các đôi tân hôn và nói: “Anh chị em hãy luôn trung thành với lý tưởng Tin mừng và thực thi lý tưởng ấy trong các hoạt động hằng ngày, mỗi ngày hãy phó thác cho ơn Chúa.”

Buổi tiếp kiến được kết thúc bằng Kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha trên cộng đoàn hiện diện.