Kinh Truyền tin với Đức Thánh cha: Chúng ta luôn có Chúa đồng hành trong cuộc sống

Photo: Vatican News

Trưa Chúa nhật, ngày 27 tháng Tám năm 2023, đã có hơn 8.000 tín hữu và du khách hành hương đến tham dự buổi đọc kinh Truyền tin với Đức Thánh cha tại Quảng trường thánh Phêrô. Trong phần chào thăm, Đức Thánh cha thông báo và xin mọi người cầu nguyện cho chuyến tông du của ngài, từ ngày thứ Năm tới đây, ngày 31 tháng Tám tại Mông Cổ, đồng thời gửi lời chào thăm nhân dân nước này. Đức Thánh cha cũng chia buồn với các nạn nhân vụ hỏa hoạn tại Hy Lạp.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Huấn từ của Đức Thánh cha

Như thường lệ, trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha quảng diễn ý nghĩa bài Tin mừng, đọc trong thánh lễ Chúa nhật thứ XXI thường niên năm A, kể lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và các môn đệ, về những gì dân chúng nói về Ngài và nói rằng:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong bài Tin mừng hôm nay (Xc Mt 16,13-20), Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: “Người ta nói Con Người là ai?” (v.13).

Đó là một câu hỏi mà chúng ta cũng có thể đặt ra cho mình: người ta nói gì về Chúa Giêsu? Nói chung là những điều đẹp đẽ: nhiều người coi Ngài như một đại tôn sư, như một người đặc biệt: tốt lành, công chính, lời nói đi đôi với việc làm, can đảm... Nhưng phải chăng những điều đó là đủ để hiểu một người là ai, nhất là trong trường hợp Chúa Giêsu? Không, nếu Chúa là một nhân vật quá khứ, - như đối với dân chúng thời Ngài - Ngài là một trong những nhân vật được trưng dẫn trong Tin mừng, Gioan Tẩy Giả, Môisê, Elia và các đại ngôn sứ - thì Ngài chỉ là một kỷ niệm đẹp vang bóng một thời. Và điều này không đúng với Chúa Giêsu. Vì thế, ngay sau đó, Chúa hỏi các môn đệ một câu hỏi quyết định: “Còn các con, các con nói Thầy là ai?” (v.15). Thầy là ai đối với các con bây giờ? Chúa Giêsu không muốn là một nhân vật chính trong lịch sử, nhưng là nhân vật ngày hôm nay; không phải là một ngôn sứ xa xăm, nhưng là Thiên Chúa gần gũi!

Thiên Chúa của hiện tại

Đức Thánh cha khẳng định rằng: “Chúa Kitô không phải là một kỷ niệm quá khứ, nhưng là Thiên Chúa của hiện tại. Giả sử Ngài chỉ là một nhân vật lịch sử, thì bắt chước Ngài ngày nay là điều không thể được: chúng ta sẽ đứng trước một hố chia cách lớn của thời gian và nhất là đứng trước mẫu mực của ngài, là một ngọn núi rất cao và không thể đạt tới được: muốn leo lên núi ấy, nhưng thiếu khả năng và những phương thế cần thiết. Trái lại, Chúa Giêsu đang sống và đồng hành với chúng ta, ở cạnh chúng ta, cống hiến cho chúng ta Lời và ân sủng của Ngài, soi sáng và bồi dưỡng trong hành trình; Chúa là người hướng đạo lành nghề và khôn ngoan dìu dắt. Ngài hân hoan đồng hành với chúng ta trên những con đường khó khăn và trong những con đường dốc khó khăn nhất.

Áp dụng vào cuộc sống cụ thể, Đức Thánh cha nói rằng: “Anh chị em, trên con đường đời, chúng ta không lẻ loi, vì Chúa Kitô ở với chúng ta và giúp chúng ta tiến bước, như Ngài đã làm với Phêrô và các môn đệ khác. Chính Phêrô, trong bài Tin mừng hôm nay, đã hiểu điều đó và nhờ ơn Chúa, đã nhận ra nơi Chúa Giêsu “là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (v.16): không phải một nhân vật quá khứ, nhưng là Đức Kitô, nghĩa là Đức Messia, đang được mong đợi trong hiện tại; không phải là một anh hùng đã chết, nhưng là Con Thiên Chúa hằng sống, nhập thể làm người và đến chia sẻ niềm vui và những cơ cực của chúng ta trong hành trình. Vậy chúng ta đừng nản chí nếu đôi khi đỉnh đời sống Kitô dường như quá cao và con đường quá hiểm trở. Chúng ta hãy nhìn Chúa Giêsu Đấng đang đi cạnh chúng ta, đón nhận những mong manh yếu đuối của chúng ta, chia sẻ những cố gắng của chúng ta và đặt cánh tay vững chức và dịu hiền của Ngài trên đôi vai yếu đuối của chúng ta. Với Ngài ở cạnh, cả chúng ta cũng giơ tay cho nhau và canh tân niềm tín thác; với Chúa Giêsu điều có vẻ không thể thực hiện được một mình sẽ không còn như vậy nữa!

Và Đức Thánh cha nhắn nhủ rằng: “Ngày hôm nay, chúng ta nên lặp lại câu hỏi quyết định xuất phát từ miệng Chúa: “Các con nói Thầy là ai?” (v.15). Nói khác đi: đối với tôi, Chúa Giêsu là ai? Một nhân vật quan trọng, một điểm tham chiếu, một mẫu gương không thể đạt tới? Hoặc Ngài là Con Thiên Chúa, đi cạnh tôi, có thể đưa tới đỉnh cao thánh thiện, nơi mà một mình tôi không tới được? Chúa Giêsu thực sự sống trong đời tôi, Ngài có phải là Chúa của tôi chăng? Tôi có tín thác vào Ngài trong những lúc khó khăn hay không? Tôi có vun trồng sự hiện diện của Ngài qua Lời Chúa và các bí tích hay không? Tôi có để Chúa hướng dẫn cùng với các anh em chị tôi trong cộng đoàn hay không?

Xin Mẹ Maria, Mẹ hành trình, giúp chúng ta cảm thấy Con của Mẹ hằng sống và hiện diện cạnh chúng ta.

Chào thăm và kêu gọi

Sau khi đọc kinh và ban phép lành cho các tín hữu, Đức Thánh cha nhắc đến chuyến tông du thứ 43 của ngài tại nước ngoài, từ ngày 31 tháng Tám đến ngày 04 tháng Chín tới đây tại Mông Cổ, trong đó ngoài các cuộc gặp gỡ chính quyền, các đại diện xã hội và cộng đoàn tôn giáo cũng có cuộc gặp gỡ đại kết và liên tôn với các đại diện tôn giáo khác. Đức Thánh cha xin các tín hữu cầu nguyện cho chuyến viếng thăm của ngài và ngay từ bây giờ ngài gửi lời chào thăm toàn thể nhân dân Mông Cổ.

Ngoài ra, Đức Thánh cha cũng liên và gần gũi với nhân dân nước Hy Lạp, bị thương tổn nhiều vụ hỏa hoạn trong những ngày gần đây: 73.000 hécta rừng bị thiêu hủy ở vùng Alessandro Poli. Trong tuần qua đã xảy ra hơn 300 vụ hỏa hoạn, đặc biệt tại vùng Evros ở mạn đông bắc Hy Lạp, giáp với Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria cũng như tại phía bắc thủ đô Athènes.

Sau cùng, Đức Thánh cha không quên bày tỏ tình liên đới với nhân dân Ucraina đã chịu đau khổ quá nhiều vì chiến tranh.

Đức Thánh cha chúc mọi người một Chúa nhật an lành, đồng thời xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.

Tags