Đức Thánh cha khánh thành Nhà Thương Xót ở Ulanbator
Đức Thánh cha Phanxicô đã kết thúc tốt đẹp chuyến viếng thăm tại Mông Cổ, với buổi gặp gỡ và làm phép Nhà Thương Xót của cộng đoàn Công giáo địa phương ở thủ đô Ulanbator.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Sáng thứ Hai, ngày 04 tháng Chín là ngày chót trong chuyến viếng thăm của Đức Thánh cha tại Mông Cổ. Ban sáng, ngài đã cử hành thánh lễ riêng và giã từ các nhân viên Tòa Phủ doãn và cám ơn các ân nhân, rồi lúc 9 giờ sáng, ngài đến Nhà Thương Xót, cách đó gần tám cây số để khánh thành trung tâm bác ái cũng như gặp gỡ các nhân viên từ thiện.
Nhà Thương Xót
Trung tâm này xưa kia là một trường học của các nữ tu Dòng thánh Phaolô thành Chartres, tại quận Bayangol, nơi trung tâm của quận này. Trường học ở trong tình trạng xuống cấp và không sử dụng được nữa.
Do sáng kiến của các vị lãnh đạo Giáo hội địa phương, đặc biệt của Đức Hồng y Giorgio Marengo, và nhờ sự trợ giúp của Ban giám đốc toàn quốc các Hội Giáo hoàng truyền giáo Australia, Catholic Mission, tòa nhà ba tầng này cùng với tầng hầm, được biến cải thành nơi đón tiếp người nghèo, giúp họ nơi tạm trú, và có thêm một bệnh xá, đáp ứng nhu cầu của những người vô gia cư và nạn nhân những vụ bạo hành trong gia đình. Nhà này cũng có thể cho những người di dân từ miền quê lên thành phố, mà không có những nơi giúp đỡ, được tá túc lúc ban đầu. Tại đây, các nhân viên của Nhà Thương Xót làm việc chặt chẽ với các cơ cấu y tế và cảnh sát địa phương, cũng như những trợ tá xã hội trong quận.
Các chứng từ trong cuộc gặp gỡ
Lời chào mừng của Thầy giám đốc
Đức Thánh cha đến trung tâm lúc 9 giờ 30. Ngài được vị giám đốc là thầy Anrê Trần Lê Phương, Dòng Don Bosco Việt Nam, đón tiếp và chào mừng.
Thầy cho biết Nhà Thương Xót này nhắm xích lại gần những người, một cách nào đó, cảm thấy ở ngoài lề xã hội. Thầy nói: “Chúng con đã kiến tạo một nhà, trong đó tất cả mọi người được chào đón. Chúng con hy vọng kiến tạo một nơi đón tiếp những người dễ bị tổn thương, nhất là các phụ nữ và trẻ em, để họ có thể gặp nhau trong một môi trường dễ thương và cảm thấy được quí trọng, an toàn. Nhà này cũng là một trạm cấp cứu cho những người không nhà cửa. Chúng con cố gắng hết sức để giúp đỡ những họ đạt được những gì họ cần, hoặc tìm lại những gì thuộc về họ, nối lại quan hệ với gia đình họ trong những lúc khó khăn. Với những người thiếu thốn, chúng con cung cấp những dịch vụ miễn phí, giặt giũ và tắm rửa, đồ vệ sinh và y phục, nếu cần. Nhất là chúng con cố gắng làm sao để họ có người nói chuyện, ngồi lại lắng nghe họ, nghe những người đến gõ cửa trung tâm này.
Ý tưởng ban đầu của Đức Hồng y Giorgio Marengo là kiến tạo một trung tâm, trong đó tất cả các tổ chức của Giáo hội, hoạt động trong lĩnh vực công bằng xã hội và từ thiện, có thể họp nhau lại và trở thành một thực tại, một đóng góp chung và cụ thể của Giáo hội ở Mông Cổ này.
Nữ tu Kim
Tiếp lời thầy Trần Lê Phương, nữ tu Veronica Kim, người Hàn Quốc, thuộc Dòng thánh Phaolô thành Chartres, đã trình bày cho Đức Thánh cha về hoạt động của nhóm y tế.
Chị phục vụ tại bệnh xá Saint Mary ở Seoul, Hàn Quốc. Từ 20 năm nay, bệnh xá bé nhỏ này cung cấp các dịch vụ y tế miễn phí cho người nghèo, với sự hỗ trợ của Nhà thương Saint Mary ở Seoul, Hàn Quốc, nơi chị Veronica Kim đã phục vụ tám năm, trước khi làm việc tại bệnh xá hiện tại.
Theo thống kê mới nhất của chính phủ Mông Cổ, có khoảng 9.000 người vô gia cư tại nước này, không được săn sóc y tế và tỷ lệ nghèo khổ vào khoảng 27% dân số. Trong năm năm gần đây, Nhà thương Saint Mary chữa trị và săn sóc khoảng từ 10.000 đến 12.000 bệnh nhân.
Chị Kim nói: “Tại đây, chúng con cung cấp bốn dịch vụ cơ bản: trước tiên là chữa trị và cung cấp thuốc men cho những người không thể đến các nhà thương bình thường, vì họ không có giấy căn cước. Tiếp đến, chúng con cộng tác với Bệnh viện Saint Mary ở Seoul, giúp phẫu thuật miễn phí cho các trẻ em bị bệnh tim, một dịch vụ cơ bản nhưng chưa có ở Mông Cổ này. Cho đến nay, chúng con đã thực hiện thành công 70 cuộc giải phẫu tim và dự án cho các trẻ em bị đau tim vẫn còn được tiến hành.
Thứ ba là chúng con cung cấp thuốc không dễ tìm được ở Mông Cổ, và nếu cần, chúng con hỗ trợ kinh tế để trang trải phí tổn cho những cuộc phẫu thuật, giúp những nhu yếu phẩm và phí tổn y khoa.
Sau cùng, Bệnh xá St. Mary này, khi cần nó được biến thành một chợ, một quán ăn và nơi người ta có thể tìm được sự trợ giúp cho những trường hợp cấp thiết về tài chánh.
Chị Veronica Kim kể rằng: “khi con mới bắt đầu làm việc ở bệnh xá này, việc thiết lập những quan hệ gần gũi với người nghèo không phải là điều dễ dàng. Con nhớ mãi trường hợp một buổi sáng mùa đông năm 2017, con đang chuẩn bị cà phê nóng, và qua cánh cửa hé mở, con thấy bên ngoài có một người vô gia cư đang tìm cách sưởi ấm. Trong lúc đó, con đang cầm tách cà phê nóng trên tay, con thấy đau buồn đến rơi lệ. Từ lúc đó, con bắt đầu tặng cà phê và bánh ban sáng cho người nào đến trung tâm này, và sau một lần họ ăn cắp giày của con, con bắt đầu lo liệu giúp giày cho những người đang cần.
Nhưng thực tế là trong tám năm, con nghèo hơn những người mà con phục vụ. Đúng vậy, ở cạnh họ, chính con là người dần dần tìm được an ủi và bảo vệ chống lại những ảnh hưởng tiêu cực của thế giới duy vật.
Cho dù không luôn dễ dàng phục vụ tất cả những người hằng ngày đến đây tìm kiếm sự giúp đỡ, nhưng những kinh nghiệm này đã dạy con mở rộng tâm hồn với Chúa, và họ nhắc nhớ con rằng Chúa có một dự phóng về con. Con thành thực hy vọng công việc ở Bệnh xá St Mary này có thể mang lại niềm vui cho Thiên Chúa và cho người nghèo.
Bà Lucia
Một chứng từ cảm động khác là của bà Lucia Otgongerel bị khuyết tật, người bản xứ Mông Cổ, thuộc giáo xứ Đức Mẹ ở Ulanbator. Bà là con thứ sáu trong gia đình tám người con. Bà phát biểu nhân danh những người khuyết tật rằng:
“Con trải qua thời thơ ấu với cha mẹ. Mặc dù sinh ra bị tật nhưng con lớn lên như một đứa bé bình thường, sống với cha mẹ và các anh chị em. Năm 2002, con được mời đi tới một nhà thờ Công giáo. Hành trình đức tin đầu tiên của con diễn ra nhờ sự giúp đỡ của các thừa sai Dòng Đức Mẹ an ủi. Con rất biết ơn vì nhờ các cha, con đã bắt đầu kinh nghiệm đẹp trong đức tin Kitô.
Sau hai năm gần gũi Giáo hội, con đã suy nghĩ về cuộc đời trước đây và cuộc sống hiện nay của con và con đã cầu nguyện. Khi con nhìn thánh giá, con thấy Chúa Giêsu bị đóng đanh ở chân tay: tại sao một người bị đóng đanh như thế? Vừa khi con tìm được câu trả lời nơi chính con cho câu hỏi ấy, con hiểu rằng Chúa Giêsu đã bị đóng đanh trên thánh giá vì con, vì yêu thương, vì các tội lỗi của con và con cảm thấy rằng đó là thánh giá mà con phải vác và con vui lòng vác. Và thế, con chấp nhận thánh giá tật nguyền của con trong hạnh phúc.
Con nói với nhiều anh chị em tín hữu khuyết tật rằng Chúa ban mọi sự, ban cơ hội cho mỗi người, và tùy theo họ nhìn thấy và chấp nhận cơ hội đó, cuộc sống của họ được tràn đầy tình thương của Chúa. Con thiếu hai cánh tay và hai chân, nhưng con muốn nói rằng con là người may mắn nhất thế giới vì con đã quyết định chấp nhận hoàn toàn tình thương của Thiên Chúa, tình yêu của Chúa Giêsu.
Và bà Lucia cho biết đã nhận được năng lực lớn lao ấy từ thánh vịnh thứ 23: Chúa là mục tử chăm sóc tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì....”
Huấn từ của Đức Thánh cha
Lên tiếng sau khi nghe các chứng từ, Đức Thánh cha tóm gọn các hoạt động ấy trong câu nói của Chúa Giêsu: “Ta đói các con đã cho Ta ăn, Ta khát, các con đã cho Ta uống” (Mt 25,35). Qua đó, Chúa cho chúng ta tiêu chuẩn để nhận ra Ngài hiện diện trong thế giới và điều kiện để được vào nơi niềm vui chung kết Nước của Ngài trong cuộc phán xét chung.
Đức Thánh cha cũng ca ngợi Giáo hội tại Mông Cổ và nói rằng: “Thật là tuyệt vời khi thấy Giáo hội tại Mông Cổ sống cùng tinh thần như Giáo hội được mô tả trong Tông đồ Công vụ, một Giáo hội dựa trên bốn cột trụ, là hiệp thông, phụng vụ, phục vụ và làm chứng tá. Trong sự nhỏ bé của mình, Giáo hội tại Mông Cổ sống tình hiệp thông huynh đệ, cầu nguyện, phục vụ vô vị lợi đối với nhân loại đau khổ và làm chứng về đức tin của mình. Giống như bốn cột trụ của căn nhà lều Ger, nâng đỡ mái tròn của căn nhà và cống hiến không gian đón tiếp ở bên trong.
Đức Thánh cha nhận xét rằng: “Ngày nay, chúng ta thấy từ những gốc rễ, Giáo hội tại đây đã tăng trưởng thành một thân cây với những cành đang mọc ra và nảy sinh nhiều hoa trái. Bao nhiêu sáng kiến từ thiện đáng ca ngợi, được phát triển thành những dự án về lâu về dài, được các dòng thừa sai hiện diện ở đây đảm trách, và được dân chúng cũng như chính quyền dân sự đánh giá cao.
“Đàng khác, chính nhà nước Mông Cổ đã xin sự giúp đỡ của các thừa sai Công giáo để đương đầu với nhiều tình trạng khẩn cấp trong giai đoạn chuyển tiếp khó khăn về chính trị, với tình trạng nghèo khổ lan tràn. Những dự án này được sự dấn thân của nhiều thừa sai nam nữ đến từ các nước thi hành. Tôi bày tỏ lòng ngưỡng mộ và chân thành cám ơn họ, và những người hỗ trợ nhiều công việc thiện nguyện.”
Đức Thánh cha cũng nói rằng: “Tại đây, Giáo hội địa phương tiến hành công việc với sự hiệp lực của tất cả các thành phần thừa sai, nhưng với một căn tính địa phương rõ ràng, như một biểu hiệu chân thực của Phủ doãn Tông tòa trong toàn bộ.”
Việc thiện nguyện
Đức Thánh cha không quên đề cao tầm quan trọng của công việc thiện nguyện, nghĩa là phục vụ miễn phí và vô vị lợi, mà người tự do quyết định cống hiến cho những người ở trong tình cảnh túng thiếu: không phải trên căn bản bù đắp về kinh tế, hoặc bất kỳ hình thức bù đắp nào, nhưng vì lòng yêu mến thuần túy đối với tha nhân. Đó là lối phục vụ mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta khi nói: “Các con đã nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không” (Mt 10,8)... Sự tiến bộ đích thực của các nước không được đo lường theo sự giàu có về kinh tế và càng không phải vì số lượng đầu tư dành cho quyền năng ảo tưởng của sự trang bị võ khí, nhưng là theo khả năng cung cấp về sức khỏe, giáo dục và tăng trưởng toàn diện của con người. Vì thế, tôi muốn khích lệ tất cả mọi công dân Mông Cổ, vốn nổi tiếng về lòng quảng đại và khả năng từ bỏ, hãy dấn thân trong công việc thiện nguyện, đặt mình phục vụ tha nhân. Tại đây, nơi Nhà Thương Xót, anh chị em có một chỗ tập luyện, luôn mở rộng, để tập luyện ước muốn làm điều thiện và huấn luyện tâm hồn”.
Cuộc gặp gỡ với Đức Thánh cha tại Nhà Thương Xót được xen kẽ với những bài ca và đặc biệt là một vũ điệu của các em bé thuộc các trường Công giáo.
Tiễn biệt
Sau huấn dụ của Đức Thánh cha mọi người đã đọc một kinh Kinh mừng và Đức Thánh cha ban phép lành cho mọi người, trước khi ra phi trường quốc tế Thành Cát Tư Hãn, cách đó gần 50 cây số. Tại đây, lúc gần 11 giờ 30, giờ địa phương, Ngoại trưởng của Mông Cổ, đã tiễn biệt Đức Thánh cha. Ngài đáp máy bay lúc giữa trưa để bay trở về Roma.
Chuyến bay trở về Roma cùng chiều với trái đất nên máy bay mất thêm gần hai tiếng đồng hồ lâu hơn so lượt đi, tức là hơn 11 giờ đồng hồ để bay, về tới phi trường Fiumicino của thành phố Roma, lúc gần 5 giờ 30 chiều, kết thúc tốt đẹp cuộc tông du thứ 43 của Đức Thánh cha tại nước ngoài. Ngày 22 tháng Chín sắp tới, Đức Thánh cha lại tiếp tục lên đường thực hiện chuyến thứ 44 tại thành phố Marseille, miền nam nước Pháp, để kết thúc “Cuộc gặp gỡ các vị thị trưởng và giám mục các giáo phận ven Địa Trung Hải”.