Kinh Truyền tin với Đức Thánh cha: Xin Mẹ Maria giúp chúng ta lắng nghe Chúa và không bao giờ rời bỏ Chúa
Lúc 12 giờ trưa, Chúa nhật 25 tháng Tám năm 2024, hơn ba ngàn tín hữu đến tham dự buổi đọc kinh Truyền tin do Đức Thánh cha Phanxicô chủ sự, tại Quảng trường thánh Phêrô.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Trong phần chào thăm, Đức Thánh cha đặc biệt kêu gọi tôn trọng quyền của các tín hữu được cầu nguyện tại các nhà thờ, trước vụ Quốc hội Ucraina mới thông qua đạo luật cấm các tổ chức tôn giáo bị coi là có liên hệ tới Chính thống Nga.
Huấn từ của Đức Thánh cha
Trong bài suy niệm ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha đã diễn giải lời Chúa Giêsu bài Tin mừng Chúa nhật thứ XXI Thường niên năm B.
Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay, bài Tin mừng trong phụng vụ (Ga 6,60-69) thuật lại cho chúng ta câu trả lời thời danh của thánh Phêrô, thưa với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, chúng con sẽ theo ai? Chúa có lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,68). Đó là một lời diễn tả rất đẹp, chứng tỏ tình bạn và lòng tín thác nối kết thánh nhân với Chúa Kitô, cùng với các tông đồ khác.
Thánh Phêrô nói lên điều đó trong một lúc nguy kịch. Chúa Giêsu vừa kết thúc bài diễn văn khó khăn, trong đó Chúa nói Ngài là “bánh từ trời xuống” (Xc Ga 6,41): đó là một ngôn ngữ khó hiểu đối với dân chúng, và nhiều người, kể cả các môn đệ, đã bỏ ra đi.
Trái lại, mười hai môn đệ không làm như vậy: họ ở lại, vì nơi Ngài, họ tìm thấy “lời ban sự sống đời đời”. Họ đã nghe Chúa giảng, đã thấy những phép lạ Ngài làm và tiếp tục chia sẻ với Ngài những lúc công khai và thân mật của cuộc sống hằng ngày (Xc Mc 3,7-19).
Họ không luôn luôn hiểu điều Thầy nói và làm; nhiều khi họ khó chấp nhận những nghịch lý trong tình thương của Ngài (Xc Mt 5,38-48), những đòi hỏi tối đa do lòng thương xót của Ngài (Xc Mt 18,21-22), sự quyết liệt trong cách hiến thân của Ngài cho tất cả mọi người. Những chọn lựa của Chúa Giêsu thường đi xa hơn tâm thức chung, đi xa hơn cả những luật lệ của tôn giáo cơ chế và truyền thống, đến độ tạo nên những tình trạng khiêu khích và gây khó chịu (Xc Mt 15,12). Thật không dễ để theo Chúa Giêsu.
Tuy nhiên, trong số bao nhiêu tôn sư thời ấy, thánh Phêrô và các tông đồ khác chỉ tìm thấy nơi Chúa câu trả lời cho những khao khát sự sống, niềm vui và tình thương linh hoạt họ; chỉ nhờ Ngài, họ mới cảm nghiệm cuộc sống viên mãn mà họ tìm kiếm, vượt lên trên những giới hạn của tội lỗi và cho đến cả cái chết. Vì thế, họ không bỏ đi: trái lại, tất cả, trừ một người, giữa bao nhiêu sa ngã và thống hối, sẽ ở lại với Ngài cho đến cùng (Xc Ga 17,12).
Liên hệ lời Chúa dạy
Và điều ấy cũng liên hệ đến chúng ta: Thực vậy, cả chúng ta không dễ theo Chúa, khó hiểu cách hành động của Ngài, biến các tiêu chuẩn của Ngài thành tiêu chuẩn của chúng ta. Nhưng hễ chúng ta càng gần gũi Ngài, thì chúng ta càng gắn bó với Tin mừng của Ngài, chúng ta càng nhận được ơn thánh của Ngài trong các bí tích, chúng ta tiếp tục ở trong sự đồng hành của Ngài qua kinh nguyện, bắt chước Ngài trong sự khiêm tốn và bác ái, chúng ta càng cảm nghiệm vẻ đẹp được Ngài làm bạn hữu, chúng ta càng nhận thức rằng chỉ Ngài mới có những lời ban sự sống đời đời.
Xét mình
Vậy, chúng ta hãy tự hỏi: Chúa Giêsu hiện diện đến mức độ nào trong đời sống của tôi? Tôi có để cho lời Chúa động chạm đến và thúc giục như thế nào đây? Tôi có thể nói rằng những lời của Ngài cũng là những lời ban sự sống cho tôi hay không?
Xin Mẹ Maria, người đã đón nhận Chúa Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa và trong thân mình Mẹ, giúp chúng ta lắng nghe Chúa và không bao giờ rời bỏ Chúa.
Chào thăm và kêu gọi
Sau khi đọc kinh và ban phép lành cho các tín hữu, Đức Thánh cha đã đề cập đến một số vấn đề thời sự:
Trước tiên, Đức Thánh cha bày tỏ sự gần gũi và liên đới với hàng ngàn người bị bệnh đậu khỉ, nay bệnh này đang trở thành một tình trạng khẩn cấp về y tế thế giới. Ngài nói: “Tôi cầu nguyện cho tất cả những người bị lây nhiễm, đặc biệt dân chúng ở Cộng hòa Dân chủ Congo đang bị thử thách nặng nề. Tôi gần gũi với các Giáo hội địa phương của những nước bị nặng nhất vì bệnh này và khuyến khích các chính quyền cũng như các công nghệ tư nhân chia sẻ kỹ thuật và các phương pháp trị liệu có được, để không ai bị thiếu sự trợ giúp đỡ cần thiết về y tế”.
Kế đó, Đức Thánh cha cũng đề cập đến nước Nicaragua, “nhân dân yêu quí tại nước này: Tôi khuyến khích anh chị em canh tân niềm hy vọng nơi Chúa Giêsu. Anh chị em hãy nhớ rằng Thánh Linh luôn hướng dẫn lịch sử tiến về những dự phóng cao cả hơn. Xin Đức Trinh Nữ bảo vệ anh chị em trong những lúc thử thách và làm cho anh chị em cảm thấy sự dịu dàng hiền mẫu của Mẹ. Xin Đức Mẹ đồng hành với nhân dân Nicaragua quí yêu.
Rồi, Đức Thánh cha cho biết ngài “tiếp tục đau lòng theo dõi những trận chiến ở Ucraina và Liên bang Nga, và khi nghĩ đến những qui luật mới được thông qua ở Ucraina, tôi cảm thấy một lo sợ cho tự do của người cầu nguyện, vì ai cầu nguyện đích thực thì luôn cầu cho tất cả mọi người. Ta không phạm điều ác vì cầu nguyện. Nếu có ai phạm một điều ác chống lại dân tộc của mình, thì sẽ có lỗi vì hành động đó, nhưng không thể phạm sự ác vì đã cầu nguyện. Vậy, hãy để cho những ai muốn cầu nguyện trong Giáo hội mà họ coi là Giáo hội của họ. Xin vui lòng đừng trực tiếp hay gián tiếp bãi bỏ Giáo hội Kitô nào: đừng động đến các Giáo hội.
Kế đó, Đức Thánh cha mời gọi các tín hữu tiếp tục “cầu nguyện cho chiến tranh được chấm dứt tại Palestine, Israel, Myanmar và mọi vùng khác. Các dân tộc đang xin hòa bình. Chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa ban cho chúng ta hòa bình!”
Sau cùng, Đức Thánh cha chúc mọi người một Chúa nhật an lành, đồng thời xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.