Đức Hồng y Sarah kêu gọi tỏ lòng từ bi với những cặp đồng phái
Đức Hồng y Robert Sarah, nguyên Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật bí tích, kêu gọi tỏ lòng từ bi thương xót đích thật tình với những cặp đồng phái, bằng cách trình bày sự thật cho họ.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Đức Hồng y Sarah, người Guinea bên Phi châu, năm nay 78 tuổi. Trong một sứ điệp công bố hôm mùng 06 tháng Giêng vừa qua, liên quan đến Tuyên ngôn đạo lý “Lòng tín thác khẩn xin” (Fiducia supplicans) do Bộ Giáo lý đức tin công bố ngày 18 tháng Mười Hai năm 2023 và thông cáo báo chí của Đức Hồng y Manuel Fernandez, Tổng trưởng của Bộ này ngày 04 tháng Giêng mới đây, Đức Hồng y Sarah khẳng định rằng: “Chúng tôi không chống đối Đức Giáo hoàng Phanxicô, nhưng quyết liệt chống lại một sự rối đạo làm thương tổn trầm trọng cho Giáo hội, Thân Mình của Chúa Kitô, vì lạc giáo này trái ngược với Đức tin và Truyền thống Công giáo”.
Đức Hồng y Sarah nhấn mạnh rằng: “Chúng ta phải cống hiến tự do, do sự thật của Lời Chúa, cho những cuộc sống trong sự kết hiệp đồng tính... Làm sao chúng ta có thể làm cho họ tin rằng thật là điều tốt lành và là điều Chúa mong muốn cho họ, đó là hãy ở lại trong nhà tù tội lỗi của họ?”.
Đức Hồng y nhắc đến những sai lầm của Con đường Công nghị trong Công giáo Đức khi chấp thuận việc thiết lập nghi thức chúc lành cho những cặp đồng phái và ngài nhận xét rằng tuyên ngôn của Bộ Giáo lý đức tin không thể sửa chữa những sai lầm đó, nhưng còn làm cho tình thế tệ hơn. “Hơn nữa, Tuyên ngôn này thiếu sự minh bạch, nó chỉ gia tăng sự hoang mang hỗn độn trong tâm hồn và một số người lợi dụng Tuyên ngôn trong mưu toan lèo lái... Cần phải tránh những lời ngụy biện vô ích về ý nghĩa của từ chúc lành.”
Trong sứ điệp, Đức Hồng y Sarah tỏ ra lo ngại vì Tuyên ngôn “Lòng tín thác khẩn cầu” có thể tái xuất hiện một cách tinh tế trong Thượng Hội đồng Giám mục tháng Mười năm nay về sự hiệp hành.
Đức Hồng y Sarah khuyến khích mỗi giám mục hãy làm như Hội đồng Giám mục ở Cameroon, Cộng hòa Tchad và Nigeria. Ngài viết: “Không phải là điều ngạc nhiên vì các giám mục Phi châu, trong cảnh nghèo của họ, ngày nay là những sứ giả sự thật của Chúa, đứng trước quyền lực và giàu có của một số hàng giám mục ở Tây phương”.
(ncregister.com 8-1-2024)