Hội Thừa sai Paris đăng trên mạng thư từ của các thừa sai tại Việt Nam
Toàn thể thư từ của các thừa sai giữa Paris và Việt Nam được lập thành danh mục kèm theo mục lục được phổ biến trên mạng để các nhà nghiên cứu trên thế giới có thể tìm hiểu về lịch sử đầy biến động tại Việt Nam trong thế kỷ XX.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Trên đây là sáng kiến của Viện nghiên cứu quan hệ giữa Pháp và Á châu, gọi tắt là IRFA, được Hội Thừa sai Paris thăng tiến và thực hiện.
Trong năm qua, hơn 400 hộp tài liệu của Hội thừa sai giữa cuối thế kỷ XIX và năm 1975 đã được phổ biến trên mạng. Danh mục này giúp tất cả những người nghiên cứu lịch sử Việt Nam biết họ có thể tìm cái gì trong văn khố của Viện IRFA. Các tài liệu này được mở cho công chúng tham khảo tại Phòng đọc sách ở trụ sở của Hội thừa sai Đường Du Bac, Paris.
Bộ tài liệu về Việt Nam chủ yếu gồm thư từ giữa các cơ quan khác nhau của Hội Thừa sai Paris với các thừa sai ở địa phương. Ngoại trừ giáo phận Hưng Hóa, được cha Đức cha Mazé mang vào hồi năm 1964 và Giáo phận Kon Tum, được Đức cha Seitz đưa vào năm 1964 và năm 1975, không có giáo phận nào khác ở Việt Nam đặt các tài liệu của mình vào Bộ tài liệu này.
Hội Thừa sai Paris bắt đầu hiện diện tại Việt Nam từ thế kỷ XVII. Năm 1662, Đức cha Lambert de la Motte, trở thành Đại diện Tông tòa đầu tiên ở Đông Dương. Cha Louis Chevreuil là thừa sai Âu châu đầu tiên đến miền này, ngày 26 tháng Bảy năm 1664, trong tư cách là đặc ủy của Đại diện Tông tòa, do Đức cha de la Motte bổ nhiệm. Năm 1790, các thừa sai Paris ở Bắc Việt chỉ còn bốn người. Cách mạng Pháp đã đóng cửa Chủng viện ở Paris, chôn vùi mọi hy vọng gia tăng con số các thừa sai cho đến năm 1815.
Hậu bán thế kỷ XIX, tiếp theo Hiệp ước Huế và thành lập Đông Dương Pháp năm 1887, các thừa sai có thể tái tổ chức: Việt Nam được chia thành các giáo phận đại diện Tông tòa, nhân sự gia tăng và có nhiều người trở lại đạo. Số tín hữu Công giáo ở Tây Đàng Ngoài tăng từ 140 lên 220.000 người. Đầu thế kỷ XX, do tình trạng khó khăn của hành chánh Pháp, nạn đói kém và khủng hoảng kinh tế, Hội Thừa sai Paris quyết định chuyển trách nhiệm cho Hàng giáo sĩ Việt Nam.
Trong thời chiến tranh Đông Dương, từ 1946 đến 1954, tình trạng các thừa sai tại Việt Nam khác nhau, tùy theo đó là vùng do Việt Minh hay vùng do quân đội chiếm đóng. Tình trạng này khiến cho gần 700.000 người Công giáo miền Bắc tị nạn vào Nam, từ năm 1970 trở đi, không có thừa sai Paris nào hiện diện ở miền Bắc. Sau khi Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam được tuyên bố, năm 1975, tất cả các thừa sai còn lại đều bị trục xuất khỏi Việt Nam.
(Asia News 13-10-2023)