Sứ điệp của Đức Thánh cha gửi Hội nghị COP29

Photo: Vatican News
Đức Thánh cha Phanxicô kêu gọi chính phủ các nước gấp rút dấn thân bảo tồn thiên nhiên, vượt thắng lối sống quy trọng tâm vào tư lợi, và tìm kiếm những giải pháp không làm thương tổn sự phát triển và khả năng thích ứng của nhiều nước đang phải chịu nợ nần.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đức Thánh cha đưa ra lời kêu gọi trên đây, trong Sứ điệp được Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh, Trưởng phái đoàn Tòa Thánh, tuyên đọc hôm 13 tháng Mười Một, tại Hội nghị Thượng đỉnh COP29, đang tiến hành tại Baku, thủ đô Cộng hòa Azerbaijan, về sự thay đổi khí hậu.

Trong sứ điệp, Đức Thánh cha nhận định rằng: “Các dữ kiện khoa học chúng ta biết được không cho phép chúng ta trì hoãn thêm và cho thấy rõ việc bảo tồn thiên nhiên là một trong những vấn đề cấp thiết nhất thời nay. Chúng ta cũng cần nhìn nhận rằng vấn đề này có liên hệ chặt chẽ với việc bảo tồn hòa bình”.

Đức Thánh cha nhận xét: “Hội nghị COP29 đang tiến hành trong một bối cảnh chịu ảnh hưởng của sự ngày càng thất vọng với các tổ chức đa phương và xu hướng nguy hiểm xây những bức tường. Ích kỷ - cá nhân, quốc gia và những nhóm quyền lực - đang nuôi dưỡng một bầu khí nghi kỵ và chia rẽ không đáp ứng những nhu cầu của một thế giới lệ thuộc hỗ tương, trong đó chúng ta phải hành động và sống như những thành phần của một gia đình ở trong cùng một ngôi làng hoàn vũ”.

“Chúng ta đang sống trong một xã hội ngày càng hoàn cầu hóa, nó làm cho chúng ta trở thành những người láng giềng, nhưng không làm cho chúng ta trở thành anh chị em với nhau”. Những phát triển kinh tế đã không giảm bớt sự chênh lệch. Trái lại, nó tạo điều diện cho sự ưu tiên dành cho lợi nhuận và những lợi lộc đặc biệt gây thiệt hại cho việc bảo vệ những người yếu thế nhất, và nó góp phần ngày càng làm cho các vấn đề môi trường trở nên xấu hơn”.

Để lật ngược xu hướng nói trên, Đức Thánh cha kêu gọi mọi người ý thức rằng “Những hậu quả tai hại của lối sống như thế ảnh hưởng tới mỗi người và để kiến tạo một tương lai chung với nhau, cần làm sao để các giải pháp được đề ra trong một viễn tượng hoàn cầu, chứ không phải chỉ để bảo vệ quyền lợi của một số ít các nước”.

Trong bối cảnh trên đây, trước viễn tượng Năm Thánh 2025, Đức Thánh cha cầu mong các nước giàu giảm nợ cho các nước nghèo, hoặc tha những món nợ mà các nước này không bao giờ trả được. Đức Thánh cha viết: “Đây không phải chỉ là một vấn đề quảng đại, nhưng còn là một vấn đề công lý. Ngày nay, vấn đề này càng trở nên nghiêm trọng do một hình thức bất công mới mà chúng ta ngày càng nhận thấy, nghĩa là một món nợ sinh thái, đặc biệt giữa các nước Bắc và Nam bán cầu, có liên hệ tới những chênh lệch mậu dịch, có tác động trên môi trường và việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên không cân xứng do một số nước trong một thời kỳ lâu dài”.

Trong chiều hướng này, Đức Thánh cha kêu gọi thiết lập một “kiến trúc mới về tài chính quốc tế táo bạo, có tính thần sáng tạo và dựa trên những nguyên tắc công chính, công bằng, và liên đới, nhất là quy trọng tâm vào con người...

Sau cùng, Đức Hồng y Parolin cho biết Tòa Thánh bảo đảm sự hỗ trợ tất cả những cố gắng, đặc biệt trong lãnh vực giáo dục môi sinh toàn diện và gây ý thức về môi trường, như một vấn đề con người và xã hội ở nhiều cấp độ, đòi hỏi sự dấn thân rõ ràng, từ phía mọi người”.

(Sala Stampa 13-11-2024)