Đức Thánh cha tiếp kiến mười một Đại sứ các nước
Sáng ngày 07 tháng Mười Hai vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến các Đại sứ mười một quốc gia, đến trình thư ủy nhiệm và nhân dịp này, Đức Thánh cha đề cao tầm quan trọng của các hoạt động ngoại giao, trong bối cảnh khó khăn của thế giới ngày nay.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Các Đại sứ đến từ các nước Ấn Độ, Giordani, Đan Mạch, Luxemburg, São Tomé và Principe, Rwanda, Turkmenistan, Algéri, Bangladesh, Zimbabwe và Kenya. Đây là các Đại sứ không thường trú ở Roma nên Đức Thánh cha tiếp kiến chung, khi họ đến trình thư ủy nhiệm thư.
Ngỏ lời trong dịp này, Đức Thánh cha nhận định rằng: “Quí vị nhận trách nhiệm trong một thời điểm khó khăn đối với ngành ngoại giao quốc tế. Thế giới chúng ta ngày càng bị thương tổn vì những vấn đề liên hệ tới toàn thể gia đình nhân loại và đòi một hoạt động có phối hợp từ phía tất cả những người quan tâm đến tương lai trái đất của chúng ta.”
Và Đức Thánh cha nhắc đến hậu quả của sự thay đổi khí hậu, gây thiệt hại trước tiên cho các nước đang trên đường phát triển và những người nghèo nhất trong xã hội; tiếp đến là những cuộc xung đột vũ trang gây những đau khổ khôn tả cho bao nhiêu anh chị em chúng ta; tình trạng của vô số người di dân và tị nạn. “Những vấn đề này không có một giải pháp đơn giản, và cũng không thể được giải quyết do sự dấn thân của một nước này hay một nhóm nhỏ các quốc gia. Mỗi nước phải có tiếng nói trong chương trình đương đầu với những thách đố quốc tế và trong việc đề ra các giải pháp hoàn cầu dài hạn. Trong bối cảnh đó, công việc kiên nhẫn của ngoại giao là hết sức quan trọng”.
“Đặc biệt, giữa những khó khăn, thất bại và đụng độ võ trang và những đòi hỏi trái ngược với những quyền lợi của các phe phái, cộng đồng quốc tế không thể từ bỏ nghĩa vụ tìm kiếm hòa bình, cổ võ đối thoại, hòa giải, cảm thông nhau, tôn trọng phẩm giá và các quyền con người, mỗi người và các dân tộc, cũng như tôn trọng những đòi hỏi của công pháp quốc tế. Với sự hiện diện giữa lòng các dân nước, Tòa Thánh, theo bản chất và sứ mệnh đặc thù của mình, tìm cách thăng tiến đối thoại để phục vụ công ích, không theo đuổi những mục tiêu chính trị, thương mại hoặc quân sự, qua tính chất trung lập tích cực của mình, và nhắm góp phần vào việc giải quyết các xung đột và các vấn đề khác, nêu bật chiều kích luân lý đạo đức nội tại”.
Đức Thánh cha cũng nhận xét rằng: “Lịch sử đã chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng ta có thể đạt được nhiều tiến bộ trong việc giải quyết các tình thế có vẻ là không có giải pháp, qua những nỗ lực ngoại giao kín đáo, kiên nhẫn và bền chí, theo nguyên tắc tôn trọng nhau, thiện chí và xác tín luân lý”.
Sau cùng, Đức Thánh cha cũng nhắc đến việc sắp khai mạc Năm Thánh 2025 ở Roma. Sứ điệp chính yếu của Năm Thánh là hy vọng. Đức Thánh cha nói: “Trong khi Giáo hội sắp khởi sự một cuộc lữ hành hy vọng đổi mới trong quyền năng của Chúa Kitô Phục Sinh, Giáo hội khuyến khích các thành viên của cộng đồng ngoại giao cạnh Tòa Thánh, tiếp tục làm việc trong can đảm và với tinh thần sáng tạo để thăng tiến những tương quan thân hữu, cộng tác và đối thoại nhằm phục vụ hòa bình. Hoạt động của Quý vị Đại sứ, thường là âm thầm kín đáo, sẽ giúp gieo những mầm tương lai hy vọng cho thế giới chúng ta đang mỏi mệt vì chiến tranh”.
Tòa Thánh hiện có mối quan hệ ngoại giao với 184 quốc gia. Một số tổ chức quốc tế có mối quan hệ với Tòa Thánh trên cấp đại sứ, cùng với đại diện của chính quyền Palestine. Ngoài ra, cũng có đại diện của Liên hiệp Âu châu và Hội Hiệp sĩ Malta. Trong số các đại sứ cạnh Tòa Thánh, có 92 vị đại sứ thường trú, trong khi 92 vị khác không thường trú ở Roma và có nhiệm sở ở Âu châu.
(Sala Stampa 7-12-2024)