Phản ứng của Israel về những tuyên bố của Đức Hồng y Parolin

Photo: Vatican News

Hôm 14 tháng Hai vừa qua, Đại sứ quán Israel cạnh Tòa Thánh mạnh mẽ chống lại tuyên bố của Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, về việc ngài phê bình các cuộc thảm sát thường dân Palestine tại Gaza, nhân danh quyền tự vệ của Israel.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Trước đó, tuyên bố với giới báo chí bên lề buổi kỷ niệm 40 năm cập nhật hiệp định Laterano giữa Ý và Tòa Thánh (1984), cử hành chiều ngày 13 tháng Hai vừa rồi, tại Đại sứ quán Ý cạnh Tòa Thánh ở Roma, Đức Hồng y Parolin nhắc đến tình trạng tại Trung Đông, đặc biệt tại Gaza, nơi 30.000 người đã bị thiệt mạng vì các cuộc tấn công của Israel vào miền này và ngài gọi đó là một cuộc tàn sát. Đức Hồng y nói: “Tòa Thánh, ngay từ đầu, đã lên án một cách rõ ràng và không chút dè dặt những gì xảy ra vào ngày 07 tháng Mười năm ngoái, và tại đây, tôi tái khẳng định sự lên án đó; một sự lên án rõ ràng và không chút dè dặt đối với mọi loại bài Do thái. Đồng thời, Tòa Thánh yêu cầu làm sao để quyền tự vệ của Israel không được nại ra để biện minh cho cuộc hành quân không tương ứng hiện nay, và chắc chắn là không tương ứng khi 30.000 người chết như vậy”.

Phản ứng về lập trường này, Đại sứ quán Israel cho rằng tuyên bố của Đức Hồng y Parolin là “đáng trách”: “Để thẩm định về chiến tranh tại Gaza hiện nay, cần để ý đến những hoàn cảnh và những sự kiện quan trọng mà lẽ ra Quốc vụ khanh Tòa Thánh phải chú ý”. Theo Israel, “Gaza đã bị Hamas biến thành một căn cứ khủng bố chưa từng thấy. Hầu như không có cơ cấu dân sự hạ tầng nào mà không được Hamas sử dụng cho những kế hoạch tội phạm của chúng, kể cả các nhà thương, trường học, nơi thờ phượng và nhiều nơi khác”. Và theo Đại sứ quán, “các cuộc hành quân của quân đội Israel diễn ra trong sự tôn trọng hoàn toàn đối với công pháp quốc tế”.

Đức Hồng y Parolin đã từ chối bình luận về lập trường trên đây của Đại sứ quán Israel cạnh Tòa Thánh.

Trong thực tế, những lời của Đức Hồng y Parolin chỉ là nhắc lại sự lo lắng đã được ông António Guterres, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, nhiều lần bày tỏ cũng và đó cũng là ý kiến chung của nhiều vị lãnh đạo quốc tế, kể cả Hoa Kỳ, và các tổ chức nhân đạo thuộc các khuynh hướng khác nhau.

Trước đó, trong cuộc phỏng vấn dành cho báo “Fatto quotidiano” ở Ý, văn sĩ kiêm thi sĩ Edith Bruck, người Do thái Hungary, đã từng bị giam cầm tại trại tập trung Auschwitz của Đức Quốc xã, cũng đã bày tỏ những lập trường tương tự như Đức Hồng y Parolin và Tòa Thánh. Bà mạnh mẽ phê bình Thủ tướng Israel hiện nay và nhấn mạnh rằng: “ông ấy đã gây thiệt hại cho những người Do thái sống tại nước ngoài, vì tái mang lại sinh lực cho trào lưu bài Do thái chưa bao giờ biến mất và giờ đây lại gia tăng”. Bà Bruck cho biết bà xác tín rằng với chính sách này, Netanyahu sẽ không bao giờ loại trừ được những kẻ khủng bố”.

Cũng nên nhắc lại, “trong buổi đọc kinh Truyền tin, trưa Chúa nhật ngày 17 tháng Hai năm ngoái, sau vụ hai giáo dân Công giáo bị lính Israel bắn tỉa ở giáo xứ Thánh Gia tại Gaza, Đức Thánh cha đã nói: “Những thường dân vô tội là đối tượng những cuộc dội bom và bắn súng. Có người nói: “đó là khủng bố, là chiến tranh”. Đúng vậy, đó là chiến tranh, là khủng bố. Vì thế, Kinh thánh quả quyết rằng: “Thiên Chúa làm cho chiến tranh chấm dứt, bẻ gãy cung tên và giáo mác”. (Xc Tv 46,9)

(Vatican News 14-2-2024, tổng hợp)