Thêm một thánh đường Kitô ở Thổ Nhĩ Kỳ bị biến thành đền thờ Hồi giáo

Antike Kirche Sankt Salvator in Chora / © acsen ( shutterstock )

Trong chiến dịch Hồi giáo hóa của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Recep Erdogan, thêm một thánh đường Kitô cổ kính bị biến thành đền thờ Hồi giáo.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đó là nhà thờ Chúa Cứu Thế ở Chora, ở phía đông bắc của trung tâm cổ thành Constantinople, nay là Istanbul. Thánh đường này trước kia là một Đan viện Kitô có từ thế kỷ thứ VI và sau được nới rộng với nhà thờ. Sau khi đế quốc Ottoman chiếm thành Constantinople năm 1453, thánh đường bị biến thành đền thờ Hồi giáo cho đến năm 1511. Các bức bích họa diễn tả Chúa Kitô nhập thể làm người như Đấng Cứu Thế bị lấy vôi trát lên trên, nhưng không bị phá hủy.

Sau Thế chiến thứ II, thánh đường được các chuyên gia người Mỹ tu bổ quy mô và từ năm 1945 bị nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ dùng làm bảo tàng viện. Tuy nhiên, quyết định này bị ngưng từ bốn năm nay.

Trang mạng “Chính thống Thời báo” (Orthodox Times) đưa tin: Tổng thống Erdogan đã muốn biến bảo tàng viện này, sau 79 năm sử dụng, thành “đền thờ Hồi giáo Kariye”. Tuy nhiên, các bích họa trong thánh đường không bị quét vôi hoặc vật liệu khác đè lên trên, nhưng sẽ được che phủ bằng một tấm thảm màu đỏ.

Hồi tháng Tám năm 2020, chính phủ của Tổng thống Erdogan tuyên bố hợp đồng năm 1958 về việc sử dụng thánh đường nổi tiếng Hagia Sophia như bảo tàng viện là vô hiệu lực, đồng thời biến thành đền thờ Hồi giáo. Đức Thượng phụ Bartolomaios, Giáo chủ Chính thống Constantinople, mạnh mẽ phản đối.

Tuy hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ, có từ khi Kemal Ataturk lập quốc, chính thức tuyên bố là trung lập về tôn giáo, nhưng các tôn giáo thiểu số, ngoại trừ Hồi giáo Sunnit, luôn bị kỳ thị. Ví dụ, họ không được nhà chức trách tôn giáo của chính phủ tài trợ.

(KAP 6-5-2024)