Số Kitô hữu tại Trung Quốc suy giảm

Catholics celebrate Christmas Mass at the Nativity of Our Lady Church on Dec. 24, 2019, in Macau, China. | Credit: Kit Leong/Shutterstock

Theo phân tích của Trung Tâm nghiên cứu ứng dụng về tôn giáo (Pew Research Center) ở thủ đô Washington, công bố trong tuần vừa rồi, số tín hữu Kitô tại Trung Quốc đang giảm sút, sau khi gia tăng trong thập niên 1980 và 1990.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Những người bênh vực nhân quyền và học giả nói với hãng tin Công giáo CNA ở Mỹ rằng điều này không gây ngạc nhiên vì những nỗ lực trong những năm gần đây của Đảng cộng sản Trung Quốc nhắm loại trừ việc thực hành Kitô giáo tại nước này.

Việc thực hành tôn giáo gia tăng mạnh tại Trung Quốc trong hai thập niên nói trên, nhờ sự nới lỏng sau thời kỳ bị hạn chế trong thời Cách mạng Văn hóa thập niên 1960 và 1970.

Trong khoảng thời gian từ 1982 đến 1997, số tín hữu Kitô thực hành đạo tại các nhà thờ có đăng ký đã gia tăng quá gấp đôi, từ 6 triệu lên 14 triệu người, theo Cơ quan khảo sát xã hội tổng quát của Trung Quốc (Chinese General Social Survey). Trong thời kỳ đó dân số ở nước này tăng 22%.

Cuộc khảo sát trong tuần trước đây, do các tổ chức học thuật ở Trung Quốc thực hiện, nhận thấy rằng sự tăng trưởng của việc thực hành Kitô giáo trong những năm gần đây giảm bớt. Từ năm 2010 đến 2018, số người lớn nhận mình là Kitô hữu liên tục giảm sút, từ khoảng 2% xuống còn 1% trong năm 2021.

Tuy nhiên, Trung tâm nghiên cứu tôn giáo ứng dụng nhận xét rằng vì những khó khăn trong việc điều nghiên thời Covid, những con số trong năm 2021 không thể so sánh với những năm trước đó.

Theo một số học giả, sự giảm sút vừa nói không phải là điều gây ngạc nhiên. Nó có liên hệ tới chính sách hạn chế Kitô giáo, gọi là chiến dịch “Hoa hóa”: trong 5 năm qua, nhà nước Trung Quốc nghiêm cấm mọi tiếp xúc của trẻ em với tôn giáo, với các nhà thờ. Sự canh chừng được thực hiện bằng hệ thống máy nhận diện mặt và gắn liền với những điểm tín dụng xã hội.

Trong thời kỳ vừa nói, Kinh thánh bị giới hạn và kiểm duyệt. Nhà nước Bắc Kinh giam giữ các giám mục và chức sắc của Giáo hội, kiểm soát các bài giảng xem có phù hợp với tư tưởng Tập Cận Bình hay không.

Trong một diễn văn hồi tháng Mười Hai năm 2021, Chủ tịch Tập nói rõ ông muốn đưa mọi tôn giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo, Lão giáo và Phật giáo, dưới sự kiểm soát của Đảng và làm sao để các tôn giáo phục vụ cho mục tiêu của Đảng. Ông nói: “Tôn giáo nào không dạy cho các tín đồ yêu Đảng và chủ nghĩa xã hội là tôn giáo lạc hậu, dấn thân trong những hoạt động tôn giáo bất hợp pháp và sẽ bị loại trừ... Tôn giáo chỉ được phép sinh hoạt tại những nơi được phép thờ phượng, và không được xen vào đời sống xã hội hoặc việc giáo dục người trẻ”.

(CNA 14-12-2023)