Quân đội Myanmar cướp phá làng quê của các giám mục

Myanmar's junta chief military Min Aung Hlaing arrives to deliver a speech during a ceremony to mark the country's Armed Forces Day in Naypyidaw on March 27. | AFP

Quân đội Myanmar đã cướp phá lần thứ ba làng quê của các giám mục nước này.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Hãng tin Công giáo Ucan, truyền đi ngày 01 tháng Tư vừa qua, cho biết ngôi làng lịch sử Mon Hla, quê của Đức Hồng y Charles Maung Bo, Tổng giám mục Giáo phận Yangon và Đức cha Marco Tin Win, Tổng giám mục Giáo phận Mandalay, đã bị 100 binh sĩ tấn công, hôm Thứ Năm Tuần thánh, ngày 28 tháng Ba vừa qua. Họ cũng tấn công những làng lân cận khiến dân chúng phải tản cư. Có 12 gia cư bị thiêu hủy. Tuy nhiên, nhà thờ thánh Micae, tu viện, nhà xứ trong làng không bị đốt.

Cuộc tấn công này xảy ra vài ngày, sau khi Đức Hồng y Bo kêu gọi cầu nguyện cho hòa bình của đất nước. Đức Hồng y năm nay 75 tuổi, tuy kêu gọi hòa bình, nhưng ngài tránh lên án quân đội.

Hồi tháng Mười Hai năm 2021, Đức Hồng y đã gặp Tướng Min Aung Hlaing, thủ lãnh nhóm quân phiệt và cùng cắt một bánh Giáng sinh, tạo nên sự phê bình chỉ trích của các tín hữu Công giáo và các cộng đoàn.

Làng Mon Hla có khoảng 500 gia cư, nhiều lần bị quân đội Myanmar chiếu cố. Trong cuộc cướp phá hồi tháng Mười Một năm 2022, có hai thường dân, trong đó có một trẻ em bị giết và gần 150 nhà bị thiêu rụi. Sau cuộc oanh kích hồi tháng Bảy năm ngoái, dân làng phải chạy vào rừng già để tị nạn.

Trong khi đó, có bốn thường dân đã bị giết trong cuộc tấn công, ngày 22 tháng Ba vừa qua, tại làng Chaung Yoe và Chan That thuộc Tổng giáo phận Mandalay ở vùng Sagaing, nhiều người dân phải tản cư. Làng ngày cũng đã bị tấn công nhiều lần và ngày 20 tháng Năm năm 2022, ít nhất 320 trong số 350 gia cư bị thiêu hủy.

Cả ba làng vừa nói được gọi là làng của những người Bayingyi, là một nhóm thuộc sắc dân Á Bồ, con cháu của những người Bồ Đào Nha, thế lực thực dân đầu tiên ở miền Nam và Đông Nam Á, hồi thế kỷ XVI và XVII. Các làng này ở miền trung Myanmar là vùng định cư của dân Bamar, chiếm đa số tại nước này và theo Phật giáo.

Trước sự ngạc nhiên của giới quân phiệt, đảo chánh hồi tháng Hai năm 2021 và lên cầm quyền, dân Bamar Phật tử tham gia cuộc kháng chiến ôn hòa và võ trang của các nhóm thiểu số tại nước này. Quân đảo chánh cậy trông vào sự trung thành của sắc dân Bamar với tinh thần quốc gia, từ hàng ngũ của quân đội, đa số binh sĩ và sĩ quan thuộc sắc dân này.

(KAP, Ucan 1-4-2024)

Tags

Trực tiếp

Livesteam thumbnail