Đức Tổng giám mục Trưởng Shevchuk xin mọi người “đừng quên Ucraina”

Đức Tổng giám mục Trưởng Sviatoslav Shevchuk | Vatican News

Nhân dịp kỷ niệm hai năm Nga xâm chiếm Ucraina, ngày 24 tháng Hai, Đức Tổng giám mục Trưởng Sviatoslav Shevchuk, Giáo chủ Công giáo Ucraina nghi lễ Đông phương, bày tỏ lòng biết ơn vì sự trợ giúp và liên đới, đồng thời kêu gọi “xin đừng quên chúng tôi! Vì tình liên đới cứu mạng sống”.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican nhân dịp này, Đức Tổng giám mục Trưởng nói đến lòng khao khát hòa bình của nhân dân Ucraina, lòng khao khát kèm theo kinh nguyện hằng ngày, như những còi báo động hầu như hằng ngày và những vụ nổ tàn phá đất nước.

Đức Tổng giám mục nói: “Thật ra, trong hai năm qua có cuộc chiến tranh xâm lăng ở mức độ rộng lớn, nhưng trong thực tế, chiến tranh đã bắt đầu từ mười năm rồi, (năm 2014) và Giáo hội chúng tôi đã phát triển một nền mục vụ mà tôi có thể gọi là “mục vụ tang tóc”, vì chúng tôi phải đồng hành với những người khóc, những người đau khổ, dân chúng sống trong tang tóc vì mất những người thân, mất gia cư, môi trường sinh sống của họ. Đó là một thách đố vì làm mục vụ cho những người hạnh phúc thì thật là dễ, (..) nhưng trong bối cảnh chiến tranh, chúng tôi phải đương đầu với một thách đố hoàn toàn khác: hằng ngày chúng tôi sống thảm trạng tàn phá đất nước, thành thị chúng tôi, hằng ngày chúng tôi nhìn tận mắt chết chóc, và rất tiếc là chúng tôi chưa có viễn tượng đến bao giờ tình trạng này sẽ chấm dứt. Vì thế, chúng tôi phải đương đầu với một tình trạng đau khổ sâu đậm của nhân dân chúng tôi và nhiều khi, chúng tôi cảm thấy bất lực trước tất cả những điều đó.”

Đức Tổng giám mục Shevchuk nói thêm rằng: “Nhiều khi chúng tôi dành ưu tiên cho sự hiện diện, hơn là làm cái gì: hiện diện cạnh những người đang khóc, tìm cách giúp họ thấy rằng Thiên Chúa ở với chúng ta. Tìm ra những lời thích hợp cho bà mẹ đang khóc thương cái chết của con bà, tìm ra những lời để đến gần một người trẻ bị mất chân, mất tay, và không biết làm sao để sống, hoặc một đứa trẻ đã thấy cái chết của mẹ. Bạn có thể nói vì với một đứa trẻ không biết làm sao đương đầu không những với những tương quan với người khác, nhưng cả với chính mình. Thứ mục vụ tang tóc này là một thách đố, nhưng cũng là một hy vọng, vì chúng ta thấy rằng đức tin Kitô kêu gọi chúng ta hãy mang hy vọng phục sinh giữa tang tóc của con người. Đó là bối cảnh cuộc sống chúng tôi, của Giáo hội và việc loan báo Tin mừng trong thảm kịch chiến tranh tại Ucraina này”.

Vấn đề di cư và gia đình

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Tổng giám mục Giáo chủ Công giáo Ucraina Đông phương, cũng nhắc đến hiện tượng di cư ồ ạt: người ta ước lượng có 14 triệu người Ucraina phải bỏ gia cư di tản, phần lớn trong nội địa, nhất là từ miền đông, nơi có chiến tranh và có những vùng bị Nga chiếm đóng, để di chuyển tới miền trung và miền tây của Ucraina. Rồi có gần sáu triệu người Ucraina di cư ra nước ngoài. Có một số đã trở về, nhưng những người khác tiếp tục đi tới các nước khác. Điều này có nghĩa là nhiều gia đình bị chia cách vì những người nam không thể rời khỏi Ucraina. Phần lớn, tức là 80% những người Ucraina tị nạn chiến tranh ở Âu châu là thiếu nữ và con cái họ. Đó là một đại thảm trạng chia cách.

Thống kê chính thức cho biết trong năm ngoái (2023) tại Ucraina chỉ có hơn 170.000 đôi hôn phối, một con số thấp nhất trong lịch sử đất nước từ khi được độc lập. Trước đây, trong một số năm có tới 600.000 đôi hôn nhân mới. Nhưng có thống kê khác làm cho chúng tôi lo sợ: không những số hôn nhân ít ỏi, nhưng cũng có tới 120.000 vụ ly dị. Đương đầu với tình trạng này, chính phủ Ucraina ngày nay đề nghị hôn phối có thể đăng ký trong một ngày, nghĩa là người ta có thể làm đơn trên mạng và trong một ngày có thể đăng ký hôn phối dân sự của họ với chính phủ. Điều này một đàng, dường như giúp cho việc đăng ký kết hôn dễ dàng, nhưng đàng khác, nó coi nhẹ chính ý niệm gia đình. Nếu người ta thể đăng ký kết hôn trong một ngày, thì có nghĩa là ngày hôm sau họ cũng có thể ly dị, và điều quan trọng bị coi nhẹ, không có sự dấn thân sâu xa, nghiêm túc và trách nhiệm”.

(Vatican News 23-2-2024)

Tags