Đức Hồng y Parolin: Đức Thánh cha liên đới với đau khổ của dân Nam Sudan

Photo: Vatican News

Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cho biết Đức Thánh cha Phanxicô gần gũi và liên đới với những đau khổ của nhân dân Nam Sudan.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đức Hồng y cho biết như trên, trong thánh lễ hôm 15 tháng Tám vừa qua, Đại lễ Đức Mẹ Hồn xác lên trời, cử hành tại Nhà thờ Chính tòa Giáo phận Malakal, ở mạn bắc Nam Sudan, nơi ngài đến viếng thăm. Trong số các tín hữu hiện diện cũng có những người di tản vì chiến tranh và những người tị nạn hồi hương.

Trong bài giảng, Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh nhắc nhở rằng Đức Mẹ lên trời là dấu chỉ an ủi và hy vọng. Chúng ta cần nhìn lên Mẹ trong khi lữ hành trên mặt đất này, khi chúng ta cảm nghiệm hoạt động của sự ác, như chiến tranh đang xảy ra ở Ucraina, Sudan, và bao nhiêu nơi khác ở Phi châu, hoặc như nội chiến mà Nam Sudan đã phải chịu, và ngày nay còn đang chiến đấu để chữa lành các vết thương chiến tranh.

Đức Hồng y nhận định rằng cuộc khủng hoảng người tị nạn tại Nam Sudan vẫn thuộc hàng lớn nhất tại Phi châu, với hai triệu 300.000 người đang sống tại các nước láng giềng và hai triệu 200.000 người khác di tản nội địa. Đất nước này vẫn còn chịu hậu quả của nội chiến, những xung đột bộ tộc còn kéo dài, và gần đây là các thiên tai, làm cho hàng triệu người phải sống nhờ trợ giúp nhân đạo.

Đức Hồng y Parolin nói: “Tại đất nước này, anh chị em đã chịu đau khổ, đã đích thân cảm nghiệm những xung đột, căng thẳng, đói khát, bất an, lụt lội, xung đột chủng tộc, cạnh tranh quyền hành và những trò chơi chính trị. Lạy Chúa, cho đến bao giờ chúng con còn phải chịu những tai ương này? Khi nào hòa bình và thanh thản trở lại trong các cộng đoàn chúng con? Tiếng kêu của các bà mẹ, các ông bà nội ngoại và những người vô tội kêu thấu tới trời?”

Chính tại Malakal này, hồi đầu tháng Sáu năm nay đã xảy ra cuộc xung đột dữ dội giữa các bộ tộc trong vùng, tại một trại di tản do Liên Hiệp Quốc quản lý, khiến cho 13 người chết. Trại này được thiết lập cách đây 10 năm để tiếp đón khoảng 12.000 thường dân, nhưng hồi tháng Mười Hai năm ngoái đã phải đón hơn 37.000 người.

Đức Hồng y Parolin trấn an các tín hữu rằng sự ác không có tiếng nói cuối cùng và không chiến thắng mãi mãi. Hình ảnh Đức Mẹ lên trời là một bảo đảm trước mặt thế giới: đó là một dấu hiệu an ủi và hy vọng, và ngày nay đang chiếu sáng những tối tăm và bóng đen của cuộc sống. Malakal cũng như phần còn lại của Nam Sudan và toàn thế giới rất cần niềm hy vọng này”.

(Vatican News 15-8-2023)