Đại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc tố giác sự vi phạm tự do tôn giáo

Photo: Vatican News

Đại diện Tòa Thánh cạnh các tổ chức Liên Hiệp Quốc ở Genève, Thụy Sĩ, Đức Tổng giám mục Ettero Ballestrero, tố giác rằng quyền tự do tôn giáo đang bị vi phạm tại gần hai phần ba trong tổng số 192 nước trên thế giới.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đức Tổng giám mục Ballestrero báo động như trên, trong bài tham luận tại Khóa họp thứ 55 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Ngài nói: “Vẫn còn có quá nhiều những vi phạm các quyền con người trên thế giới, tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tôn giáo, những kỳ thị và bách hại các tín hữu tiếp tục gia tăng. Đặc biệt, tự do tôn giáo bị chà đạp tại gần hai phần ba các nước, và điều này có nghĩa là bốn tỷ 900 triệu người bị liên hệ, theo các con số của tổ chức bác ái “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ”. Trong khi đó, tại một số nước Tây phương, sự kỳ thị và kiểm duyệt tôn giáo được thi hành nhân danh sự bao dung và bao gồm, và luật pháp nhiều khi nhắm bài trừ sự xách động oán ghét, nhưng trong thực tế lại bị lạm dụng để phản đối quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tôn giáo.

Trong bối cảnh trên đây, Đức Tổng giám mục Ballestrero cầu mong rằng trong khóa họp hiện nay, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhận chân và đương đầu với những vi phạm liên tục chống lại các quyền căn bản của con người, xác định những nguyên nhân sâu xa cũng như đề ra các biện pháp tích cực để chặn đứng tệ nạn này.

Đức Tổng giám mục Ballestrero nhắc lại lời Đức Thánh cha Phanxicô đã khẳng định trong Tông huấn Laudate Deum, Hãy chúc tụng Chúa, về cuộc khủng hoảng khí hậu, rằng “Thế giới đang trở nên rất đa cực và đồng thời phức tạp đến độ cần một khuôn khổ khác để có sự cộng tác hữu hiệu và cần “phản ứng qua các cơ chế hoàn cầu, đối với những thách đố về “môi trường, y tế, văn hóa và xã hội, nhất là để củng cố sự tôn trọng các quyền căn bản nhất của con người”, thực hiện một thủ tục mới để đi tới những quyết định và hợp thức hóa các quyết định ấy”. Tất cả phải qui trọng tâm vào phẩm giá con người, mà Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền nhìn nhận là nền tảng của hòa bình, các quyền con người, công lý và tự do”.

(Vatican News 28-2-2024)