Tổ chức Trợ giúp Giáo hội đau khổ Tây Ban Nha giúp Nigeria

José María Gallardo, Kinga von Schierstaedt, Janada Marcus y el padre Joseph Bature Fidelis | Foto de ACN

Chi hội Tây Ban Nha của Tổ chức bác ái quốc tế Trợ giúp các Giáo hội đau khổ phát động chiến dịch lạc quyên trong Mùa Giáng sinh năm nay để giúp các tín hữu Kitô bị bách hại tại Nigeria bên Phi châu.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Từ lâu, các tín hữu Kitô ở Nigeria bị những lực lượng Hồi giáo cực đoan Boko Haram và các nhóm khủng bố khác chiếu cố. Ông José María Gallardo, tân giám đốc chi hội Trợ giúp các Giáo hội đau khổ ở thủ đô Madrid, tuyên bố trong cuộc họp báo hôm 13 tháng Mười Hai vừa qua, rằng: “Cuộc bách hại các Kitô hữu ở Nigeria thật là tàn bạo. Vì thế các nạn nhân cần được hỗ trợ hơn bao giờ hết... Nigeria là một trong sáu nước trên thế giới nguy hiểm nhất đối với các Kitô hữu vì nạn khủng bố. Ngoài nhóm Boko Haram, còn có những người Fulani, Hồi giáo, làm nghề chăn nuôi, cũng thường tấn công các nông dân Kitô”.

Ông Gallardo cũng nói đến tệ nạn bắt cóc các giáo sĩ ở Nigeria để đòi tiền chuộc mạng, và trong một số trường hợp cả các linh mục, tu sĩ và chủng sinh cũng bị bách hại. Từ năm ngoái (2022), có 39 linh mục bị giết, 30 linh mục khác bị bắt cóc, 17 giáo lý viên bị sát hại. Và nguyên trong năm nay, 2023, cho đến tháng Mười Một vừa rồi, có 23 linh mục, chủng sinh và nữ tu bị bắt cóc, hai linh mục khác và một chủng sinh bị giết.

Trong cuộc họp báo ở Madrid, ông Kinga con Schierstaedt, Giám đốc dự án của Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ, nói rằng ở miền bắc Nigeria các tín hữu có đức tin sâu xa, nhưng dân chúng thường bị nhiều chấn thương, vì thế các linh mục cần được huấn luyện chuyên biệt về tâm lý và linh đạo. Còn ở miền Nam Nigeria, có nhiều giáo phái hơn, nên các dự án chú trọng nhiều hơn về vấn đề giảng dạy giáo lý.

Một ví dụ về sự phục hồi các nạn nhân của nạn khủng bố chống Kitô hữu là cô Janada Marcus, một tín hữu Kitô 25 tuổi bị bắt cóc và hãm hiếp. Cô chứng kiến cảnh thân phụ bị sát hại trước mắt do nhóm khủng bố Boko Haram. Nhờ sự giúp đỡ của trung tâm săn sóc chấn thương, cô Janada đã tiếp tục cuộc sống và tha thứ cho kẻ đã tấn công cô. Cô nói: “Chúa dạy chúng ta tha thứ cho các kẻ thù của chúng ta, điều này là thành phần đức tin của chúng ta. Tôi tha thứ cho họ và cầu nguyện, tôi được an bình trong tâm hồn”.

Để giúp các nạn nhân như thế, Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ cấp học bổng cho các linh mục để được huấn luyện chuyên môn trong lãnh vực này hầu chữa lành các nạn nhân về tâm lý và linh đạo.

(Europress 13-12-2023)