Chính phủ Đức tố giác gia tăng vi phạm tự do tôn giáo

Image by laura from Pixabay

Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức công bố phúc trình thứ ba và qua đó, bày tỏ quan tâm vì có gia tăng những vụ vi phạm quyền cơ bản tự do tôn giáo và tín ngưỡng trên thế giới.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Phúc trình được công bố hôm 23 tháng Mười Một vừa qua, trong cuộc họp báo ở Berlin do ông Frank Schabe, thuộc đảng xã hội SPD, đại diện của chính phủ. Ông cho biết có “nhiều nhóm tôn giáo bị gạt ra ngoài lề, không hữu hình đủ, quá ít đại diện về mặt chính trị và bị phân tán về xã hội”.

Hãng tin Công giáo Đức KNA cho biết Phúc trình nói về tình trạng tự do tôn giáo tại 41 nước trong khoảng thời gian từ 2020 đến 2022, trong đó có nước Afghanistan, Arập Saudi, Nga và Trung Quốc. Phúc trình đặc biệt nói đến những tội ác chống người Yazidis ở Irak, người Hồi giáo Uygburds ở Tân Cương, Trung Quốc, người Rohingya ở Myanmar, và chứng tỏ rằng họ là những người bị vi phạm nhân quyền vì tín ngưỡng và vũ trụ quan của họ. Những cuộc bách hại nhất loạt, tấn công, trục xuất, hãm hiếp tập thể, bắt làm nô lệ, giam cầm hoặc giết hại cũng là điều xảy ra cho các tín hữu Hồi giáo Shiite ở Afghanistan, Kitô hữu ở Pakistan, tín đồ đạo Bahai ở Iran, và một phần ở Yemen, cũng như những người trở lại đạo và vô thần tại các nước có đa số theo Hồi giáo.

Các thổ dân bản địa, với linh đạo riêng của họ cũng đặc biệt bị kỳ thị. Ủy viên của chính phủ Đức về nhân quyền, bà Luise Amtbert, thuộc đảng xanh, nhấn mạnh rằng cần có một sự tự kiểm thảo về lịch sử thực dân của Đức (...). Hoạt động truyền đạo nơi các nhóm thổ dân là một trong các khía cạnh từ đó nảy sinh trách nhiệm”.

Bà Svenja Schuilze, Bộ trưởng Phát triển thuộc đảng SPD đang cầm quyền ở Đức giải thích rằng nơi nào có tự do tôn giáo và tín ngưỡng, thì xã hội tại đó sống chung an bình ơn. Tôn giáo cũng có thể góp phần nhiều vào sự phát triển lâu bền. Phúc trình của chính phủ Đức nói rằng mục tiêu bài trừ nạn nghèo đói trên thế giới không thể đạt được, nếu không có những tác nhân từ các cộng đồng tôn giáo và hệ ý thức, vì những ảnh hưởng của họ trên sự phát triển chính trị và xã hội.

(KNA, 23-11-2023)

Tags