Đức Thánh cha lên đường đến thành phố Marseille

Photo: Vatican Media

Chiều thứ Sáu, ngày 22 tháng Chín vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã giã từ Roma để lên đường thực hiện chuyến tông du thứ 44 của ngài tại nước ngoài: ngài đến viếng thăm tại thành phố Marseille, miền nam Pháp trong vòng 26 tiếng đồng hồ để kết thúc cuộc “gặp gỡ Địa Trung Hải” lần thứ ba, tiến hành trong vòng một tuần tại đây, từ ngày 17 tháng Chín vừa qua.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Tham dự cuộc gặp gỡ này, qua các cuộc thảo luận bàn tròn và các sinh hoạt khác, có các giám mục và các vị lãnh đạo tôn giáo khác thuộc các nước ven Địa Trung Hải, cùng với 120 bạn trẻ, các tổ chức và hiệp hội xã hội dân sự. Đối tượng của các cuộc thảo luận bàn tròn, các buổi suy tư và cầu nguyện, cả những buổi trình diễn văn nghệ và văn hóa đều nhắm thăng tiến những hành trình hòa bình, cộng tác và hội nhập.

Đây là lần thứ hai từ gần 500 năm nay, một vị Giáo hoàng đến thăm tại thành phố này, tức là kể từ năm 1533 với Đức Giáo hoàng Clemente VII.

Đức Thánh cha từ Vatican tới phi trường Fiumicino của thành Roma lúc 2 giờ 30 chiều để đáp máy bay, cùng với đoàn tùy tùng, trong đó, ngoài Đức Hồng y Quốc vụ khanh Parolin, vị Tổng giám mục Phụ tá, còn có một hồng y người Pháp là Dominique Mamberti, Chủ tịch Tối cao Pháp viện của Tòa Thánh và khoảng 70 ký giả, vượt qua quãng đường hơn 713 cây số để tới thành phố Marseille.

Đầu chuyến bay, Đức Thánh cha đã chào thăm các ký giả và nói rằng: “Tôi hy vọng tại Marseille, tôi có can đảm để nói lên tất cả những gì tôi muốn nói”. Ngài nhắc đến cuộc đổ bộ ồ ạt của các thuyền nhân trong những ngày này tại đảo Lampedusa ở miền cực nam Ý, và tình trạng thiếu nhân đạo, tàn ác xảy ra, những cảnh tượng các bà mẹ, với con thơ, bị cầm giữ trong các trại ở Libya, rồi trên những chiếc thuyền nhỏ lênh đênh trên biển. Rồi Đức Thánh cha chào thăm từng ký giả cùng đi.

Photo: Vatican Media

Marseille

Đây là thành phố cổ kính nhất của Pháp, có từ 600 năm trước Chúa Kitô, và là thành lớn thứ hai của Pháp, và thứ nhất tại miền nam nước này, với gần 871.000 dân cư.

Về phương diện Giáo hội, Tổng giáo phận Marseille có từ thế kỷ thứ IV, nhưng bị bãi bỏ hồi đầu thế kỷ XIX, dưới thời cách mạng Pháp, và chỉ được tái lập từ năm 1822. Hiện nay, tại đây có 738.000 tín hữu Công giáo và 108 giáo xứ, dưới sự coi sóc của Đức Hồng y Jean-Marc Aveline, 65 tuổi (1958).

Sau hơn một giờ bay, máy bay chở Đức Thánh cha đã đáp xuống phi trường quốc tế Marseille, lúc quá 4 giờ chiều và ngài đã được bà Thủ tướng Pháp đón tiếp tại chân thang máy bay. Bốn em bé trong y phục truyền thống đã tặng hoa cho ngài. Tuy không phải là cuộc viếng thăm chính thức của Đức Thánh cha tại nước Pháp, nhưng vẫn có những nghi thức ngoại giao với quốc ca, duyệt qua hàng quân danh dự và giới thiệu hai phái đoàn, và cuộc hội kiến ngắn giữa ngài và bà Thủ tướng Pháp.

Viếng Đền thánh Đức Mẹ Canh Giữ

Tiếp đó, Đức Thánh cha đã lên xe tiến về Vương cung thánh đường Đức Mẹ Canh Giữ, cách đó gần 27 cây số, trên một ngọn đồi cao 162 mét nhìn xuống thành Marseille.

Đức Mẹ tại đây được các tín hữu gọi là “Mẹ Nhân Lành” (Bonne Mère), biểu tượng niềm hy vọng và bảo vệ các thủy thủ, các ngư phục và dân thành Marseille. Đền thánh này được kiến thiết theo sáng kiến của thánh Eugène de Mazenod, Giám mục thành Marseille và được thánh hiến năm 1864, sau chín năm xây cất. Đền thờ có một tháp chuông cao 41 mét, trên đó có tượng Đức Mẹ bồng con, cao 11 mét 20 và nặng gần 10 tấn, bằng đồng vàng.

Đến Đền thánh Đức Mẹ Canh Giữ lúc 5 giờ 30 phút chiều, Đức Thánh cha đã chủ sự buổi cầu nguyện kính Đức Mẹ với hàng giáo sĩ và tu sĩ địa phương khoảng 150 người.

Trong lời chào mừng, Đức Hồng y Aveline, Tổng giám mục sở tại, nhắc đến bao nhiêu người đã đến Đền thánh này để phó thác cho Đức Mẹ những ước nguyện và quan tâm của mình: thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu ước nguyện được vào dòng kín, thánh Chartres de Foucauld, thánh Gioan Phaolô II khi còn là sinh viên Karol Wojtila và bao nhiêu vị khác.

Đức Hồng y cũng giới thiệu sáng kiến của cha Giám đốc Đền thánh này, ghi tên tất cả những người đã cầu nguyện cho Đức Thánh cha trong thời gian chuẩn bi đến thăm Đền thánh này, và đặt trong một hình quả tim, để tặng cho Đức Thánh cha, với tất cả lòng quý mến và biết ơn.

Tiếp đó là phần phụng vụ Lời Chúa, với thánh vịnh và bài đọc sách Sophonia: Vua Israel là Chúa ở giữa dân Ngài.

Photo: Vatican Media

Kinh nguyện của Đức Thánh cha

Trong dịp này, mọi người hiện diện đã hiệp ý với Đức Thánh cha dâng lên Mẹ Thiên Chúa kinh nguyện.

Đức Thánh cha đọc: “Lạy Mẹ Maria, con thưa với Mẹ trong kinh nguyện, Mẹ là Đấng mà tại đây chúng con gọi là Đức Mẹ Canh Giữ...

“Xin Mẹ giúp chúng con nhiệt thành với đức tin trong phép rửa và tôn trọng tất cả những gì Con của Mẹ yêu cầu chúng con. Xin ban cho chúng yêu thương tất cả những người chung quanh chúng con. Ước gì tình yêu của chúng con có thể chiếu tỏa lòng từ nhân, cảm thông và khoan dung. Xin giúp chúng con luôn phục vụ tốt đẹp hơn các anh chị em của chúng con. Xin nâng đỡ chúng con trong thử thách. Xin bảo vệ tất cả những người đang chịu đau khổ trong thân xác và tâm hồn. Lạy Đức Mẹ Canh Giữ, lạy Mẹ thiên quốc của con, con thưa với Mẹ với tâm hồn trẻ thơ. Xin cầu cùng Chúa Giêsu, Con của Mẹ cho chúng con và xin cho chúng con được ơn ngày càng yêu mến Chúa và trở nên giống Chúa hơn mỗi ngày”.

Buổi cầu nguyện ngắn kết thúc với phép lành của Đức Thánh cha. Lúc đó là gần 6 giờ chiều. Đức Thánh cha tiến ra Đài tưởng niệm các thủy thủ và người di dân bị mất tích trên biển, chỉ cách đó chừng 200 mét.

Photo: Vatican Media

Tưởng niệm các nạn nhân chết trên biển

Đài này được khánh thành cách đây đúng 100 năm, ngày 14 tháng Bảy năm 1923: tượng đài diễn tả ba thủy thủ bằng đồng, một người đứng, một người giơ cánh tay và nâng đỡ thủy thủ khác, trong khi người thứ ba đang chết đuối, bị sóng vùi dập làm thuyền xiêu vẹo đâm vào mỏm đá.

Hiện diện trong buổi tưởng niệm, có các vị lãnh đạo tôn giáo, Chính thống, Do thái, Phật giáo, Hồi giáo, các thành viên hiệp hội Marseille Hy vọng, một phái đoàn của tổ chức Sao Biển mục vụ cho những người làm nghề biển, và một phái đoàn của Caritas Giáo phận Gap-Briançon, và một số người khác, cùng với khoảng 50 giám mục Pháp.

Photo: Vatican Media

Diễn từ của Đức Thánh cha

Tại đây, sau lời chào mừng của Đức Hồng y Aveline, Tổng giám mục Giáo phận Marseille, Đức Thánh cha ngỏ lời với mọi người. Ngài nói:

“Chúng ta họp nhau nơi đây để tưởng niệm những người không thành công, không được cứu. Chúng ta đừng quen coi những vụ đắm tàu như một tin tức thời sự và những người chết trên biển như những con số: không phải vậy, họ có tên tuổi, có khuôn mặt và lịch sử, đó là những cuộc sống, những giấc mơ bị tan vỡ. Tôi nghĩ đến bao nhiêu anh chị em chết đuối trong sợ hãi, cùng với niềm hy vọng họ mang trong tâm hồn. Đứng trước thảm trạng như thế, không cần lời nói, nhưng là việc làm.

Nhưng trước tiên, cần tình người: thinh lặng, khóc, cảm thương và cầu nguyện. Giờ đây, tôi mời anh chị em giữ một lúc thinh lặng để tưởng niệm những anh chị em chúng ta: chúng ta hãy để cho mình được đánh động vì thảm kịch của họ.

Sau ít phút thinh lặng, Đức Thánh cha nói tiếp: “Quá nhiều người, trốn chạy xung đột, nghèo đói, tai ương vì môi trường, bị chối bỏ trong những sóng biển Địa Trung Hải, chôn vùi sự tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn của họ. Vì thế, biển hùng vĩ này đã trở thành một nghĩa trang vĩ đại, nơi nhiều anh em chúng ta bị tước đoạt cả một nấm mộ, và chỉ có phẩm giá của họ bị chôn vùi....”

“Chúng ta không thể cam chịu, nhìn những người bị đối xử như món hàng đổi chác, bị cầm tù và tra tấn tàn ác; chúng ta không thể tiếp tục chứng kiến những thảm trạng đắm tàu vì nạn buôn người ác độc và thái độ dửng dưng cam chịu định mệnh. Những người có nguy cơ chết đuối khi họ bị bỏ mặc cho sóng biển, họ cần phải được giúp đỡ. Đó là một nghĩa vụ của tình nhân đạo, một nghĩa vụ văn minh!

“Trời sẽ chúc lành cho chúng ta, nếu trên đất liền và biển khơi, chúng ta biết chăm sóc những người yếu thế nhất, nếu chúng ta biết vượt thắng sự tê liệt vì sợ hãi, và sự dửng dưng lãnh đạm kết án tử với những đôi găng tay bằng nhung...

“Các tín hữu chúng ta phải nêu gương về sự tiếp đón nhau trong tình huynh đệ. Nhiều khi tương quan giữa các nhóm tôn giáo không dễ dàng, với dịch tễ ý thức hệ của chủ nghĩa cực đoan làm hao mòn đời sống thực sự của các cộng đoàn. Nhưng về vấn đề này, tôi muốn gợi lại điều mà một người của Thiên Chúa đã viết, cách đây không xa, rằng: “Ước gì không một ai giữ tâm tình oán ghét tha nhân trong tâm hồn mình, nhưng yêu thương, vì người oán ghét, dù chỉ là ghét một người thôi, thì không thể yên hàn trước mặt Thiên Chúa. Thiên Chúa không lắng nghe lời cầu nguyện của họ, bao lâu họ còn giữ sự giận dữ trong tâm hồn họ” (S. Cesario di Arles, Discorsi, XIV, 2).

Đức Thánh cha vừa trích dẫn lời thánh Cesario thành Arles. Ngài cũng đề cao sự đa nguyên phong phú của thành Marseille về phương diện tôn giáo và cám ơn mọi người vì sự dấn thân liên đới, cụ thể trong việc thăng tiến con người và sự hội nhập... Và Đức Thánh cha kết luận rằng:

“Anh chị em thân mến, chúng ta liên kết với nhau đương đầu với các vấn đề. Chúng ta không để hy vọng bị chìm đắm. Cùng nhau, chúng ta họp thành một bức tranh khảm hòa bình!”

Cuộc gặp gỡ được tiếp tục với các ý chỉ cầu nguyện do các thành viên hiệp hội dấn thân giúp đỡ và mục vụ dân biển và sau cùng là lời nguyện kết thúc của Đức Thánh cha.

Sau đó, cùng với hai người di dân và các vị lãnh đạo tôn giáo, Đức Thánh cha đặt một vòng hoa tại Đài tưởng niệm các nạn nhân.

Sau đó, Đức Thánh cha về Tòa Tổng giám mục Marseille để dùng bữa tối và qua đêm.

Photo: Vatican Media