Công bố Tông huấn “Laudate Deum” của Đức Thánh cha

Sáng ngày 04 tháng Mười năm 2023, Phòng Báo chí Tòa Thánh đã công bố Tông huấn mới của Đức Thánh cha Phanxicô, “Laudate Deum”, Anh chị em hãy chúc tụng Thiên Chúa, với mục đích bổ túc Thông điệp Laudato sì, mà Đức Thánh cha đã công bố năm 2015, về việc bảo vệ trái đất như căn nhà chung của nhân loại.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Trong văn kiện mới, Đức Thánh cha nhận xét rằng chúng ta đã không phản ứng đủ, chúng ta gần tới mức độ sụp đổ. Ngài cũng phê bình những người chối bỏ những hiểm họa đang đe dọa trái đất. Điều chắc chắn là sự hâm nóng trái đất do con người gây ra. Ngoài ra, sự dấn thân chăm sóc căn nhà chung xuất phát từ đức tin Kitô.

Tông huấn mới gồm 6 chương, chia thành 73 đoạn, trong đó, hướng đến Hội nghị Thượng đỉnh COP28, về sự thay đổi khí hậu, sẽ nhóm tại Dubai, vào tháng Mười Hai tới đây, Đức Thánh cha muốn gióng lên lời kêu gọi cộng đồng nhân loại hãy đồng trách nhiệm trước tình trạng khẩn cấp của khí hậu thay đổi, vì thế giới “đang sụp đổ và có lẽ đang tiến tới điểm rạn vỡ. Đó là một trong “những thách đố chính mà xã hội và cộng đồng thế giới đang phải đương đầu”, “những người dễ bị tổn thương nhất phải chịu những hậu quả của sự thay đổi khí hậu” (3).

Những dấu hiệu thay đổi khí hậu ngày càng hiển nhiên

Trong chương thứ I, Đức Thánh cha nói đến những người tìm cách phủ nhận những dấu hiệu của sự thay đổi khí hậu. Nhưng “những dấu hiệu này ngày càng hiển nhiên. Ngài trưng dẫn những hiện tượng cùng cực, thường xảy ra những thời kỳ nóng bất thường, hạn hán, và những ‘than vãn’ khác của trái đất”. Ngài viết: “Điều có thể kiểm chứng là một số thay đổi khí hậu do con người gây ra. Chúng làm tăng đáng kể những hiện tượng cùng cực, thường xuyên và với cường độ mạnh mẽ hơn”. Và đối với những người coi thường các hiện tượng đó, Đức Thánh cha trả lời rằng “điều mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay chỉ là sự gia tăng bất thường sự hâm nóng trái đất... Có lẽ trong vài năm nữa, nhiều dân tộc sẽ phải di chuyển gia cư của họ vì những biến cố ấy” (6).

Lỗi không phải do người nghèo

Với những người đổ tội cho những người nghèo có quá nhiều con và thậm chí tìm cách giải quyết vấn đề bằng cách cắt bỏ cơ phận sinh dục của phụ nữ ở những nước kém phát triển”, Đức Thánh cha Phanxicô nhắc nhở rằng “một tỉ lệ thấp những người giàu có trong dân số thế giới làm ô nhiễm trái đất hơn 50% những người nghèo nhất”. Phi châu “chiếm hơn một nửa số người nghèo nhất trên thế giới, nhưng họ chỉ gây ra một phần rất nhỏ số thán khí thải ra” (9). Đức Thánh cha bác bỏ những người quả quyết rằng giảm bớt sử dụng các nguyên liệu phiến thạch sẽ “làm giảm bớt công ăn việc làm”. Trong thực tế, “hàng triệu người mất việc vì sự thay đổi khí hậu. Trong khi sự chuyển tiếp, tiến đến các năng lượng tái tạo được, nếu được quản lý tốt, có thể tạo nên vô số việc làm trong nhiều lãnh vực. Vì thế, điều cần thiết là các nhà chính trị và các doanh nhân giải quyết ngay vấn đề này” (10).

Chắc chắn là do con người

Đức Thánh cha khẳng định rằng “Sự thay đổi khí hậu do con người gây ra là điều không thể nghi ngờ gì”. “Sự tập trung khí thải gây nên hiện tượng lồng kính trong khí quyển. 50 năm gần đây, ngày càng gia tăng mạnh mẽ” (11). Đồng thời, nhiệt độ gia tăng với mức độ chưa từng có trong 2.000 năm qua (12). Với hậu quả là nước biển bị axít hóa và các tảng băng tan đi. Sự trùng hợp giữa các biến cố ấy và gia tăng khí thải lồng kính, không thể che giấu được nữa. Phần lớn các nhà nghiên cứu khí hậu đều ủng hộ mối tương quan này và chỉ có một tỷ số rất nhỏ tìm cách phủ nhận sự hiển nhiên ấy”. Rất tiếc là cuộc khủng hoảng khí hậu không phải là vấn đề được các cường quốc kinh tế quan tâm. Họ lo kiếm lợi nhuận tối đa, với phí tổn và trong thời gian ít nhất” (13).

Chúng ta chỉ vừa kịp để tránh những thiệt hại thê thảm

Đức Thánh cha viết: “Tôi buộc lòng phải minh xác những điều có vẻ là hiển nhiên trên đây, vì một số ý kiến coi rẻ cũng có trong Giáo hội Công giáo. Nhưng chúng ta không thể nghi ngờ rằng lý do những thay đổi mau lẹ nguy hiểm là điều không thể chối cãi được: những phát triển to lớn liên hệ tới sự can thiệp không thể kiểm soát được của con người trên thiên nhiên” (14). Rất tiếc là một số biểu hiện của cuộc khủng hoảng khí hậu này đã trở thành điều không thể lật ngược lại trong ít nhất là hàng trăm năm. “Điều cấp thiết là có một cái nhìn bao quát hơn. Chúng ta được yêu cầu có một trách nhiệm nào đó đối với gia sản chúng ta sẽ để lại sau khi chúng ta rời bỏ thế giới này” (18).

Mô thức kỹ thuật: Ý tưởng con người vô giới hạn

Trong chương hai, Đức Thánh cha nhận xét rằng chúng ta đã thực hiện những tiến bộ kỹ thuật lớn lao và đáng ngạc nhiên. Nhưng đồng thời chúng ta không ý thức rằng chúng ta đang trở nên rất nguy hiểm, có thể đe dọa sự sống của nhiều sinh vật và của chính chúng ta (28). “Sự suy thoái luân lý đạo đức về quyền lực thực sự được che đậy bằng hoạt động tiếp thị (marketing) và thông tin sai lệch. Những hoạt động hữu hiệu trong tay người có nhiều nguồn lực để ảnh hưởng trên dư luận quần chúng với những hoạt động ấy”. “Ngây ngất trước những lời hứa hẹn của bao nhiêu tiên tri giả, chính những người nghèo nhiều khi cũng bị lường gạt, do một thế giới không được xây dựng cho họ” (31). Có một sự thống trị của những người sinh ra với những điều kiện phát triển tốt hơn’ (32).

Chính trị quốc tế yếu nhược

Trong chương thứ 3 tiếp đó, Đức Thánh cha bàn đến nền chính trị quốc tế yếu nhược và nhấn mạnh cần phải có những “hiệp định đa phương giữa các nước với nhau” (34). Ngài kêu gọi hãy có những tổ chức quốc tế hữu hiệu hơn, có quyền bính để đảm bảo công ích thế giới. Các tổ chức đó phải được quyền bính thực sự để đảm bảo việc thực thi một số mục tiêu không thể từ bỏ được (35).

Đức Thánh cha Phanxicô cũng than phiền về sự “uổng phí” các cuộc khủng hoảng thế giới, như xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2007-2009, và đại dịch. Những biến cố này đưa tới cá nhân chủ nghĩa mạnh hơn, ít hội nhập hơn, tự do hơn cho những người thực sự quyền lực, họ luôn tìm được những phương thế để thoát khỏi mà không bị thiệt hại (36). Thách đố ngày nay là tái tạo một chế độ đa phương mới, “dưới ánh sáng tình trạng mới của thế giới” (37) nhìn nhận rằng bao nhiêu tập hợp và tổ chức xã hội dân sự giúp bù đắp những điểm yếu trong cộng đồng quốc tế”.

Các tổ chức bảo tồn kẻ mạnh hơn là vô ích

Đức Thánh cha Phanxicô đề nghị đường hướng đa phương từ hạ tầng, chứ không phải chỉ do giới ưu tú quyền lực quyết định (38). Ngài nhắc nhở rằng cần có một “khuôn khổ khác để có sự cộng tác hữu hiệu”, để phản ứng với các cơ cấu hoàn cầu, với qui luật phổ quát và có hiệu năng (42). Vì thế, cần một thứ “dân chủ hóa” nhiều hơn trên hoàn cầu. Không còn hữu ích hỗ trợ các tổ chức chỉ bảo tồn quyền lợi của những kẻ mạnh hơn, và không quan tâm đến quyền của tất cả mọi người” (43).

Mong đợi gì nơi Hội nghị Thượng đỉnh COP ở Dubai?

Trong chương 4 tiếp đó, Tông huấn của Đức Thánh cha bàn về Hội nghị COP28, và viết: “Chúng ta không thể từ bỏ mơ ước Hội nghị COP28 mang lại một sự quyết liệt đẩy mạnh sự chuyển tiếp năng lượng, với những quyết tâm hữu hiệu có thể theo dõi, kiểm chứng trường kỳ. Hội nghị này có thể là một khúc quanh (54). Rất tiếc là sự chuyển tiếp, tiến tới các năng lượng sạch... không tiến hành đủ mau lẹ” (55).

Hãy ngưng chế nhạo vấn đề môi trường

Đức Phanxicô yêu cầu chấm dứt những lập trường vô trách nhiệm hiện thời, chế nhạo vấn đề môi trường vì những lợi lộc kinh tế: trái lại “đó là một vấn đề con người và xã hội theo nghĩa rộng ở nhiều cấp độ. Vì thế, ngài kêu gọi có sự can dự của tất cả mọi người. Về những phản đối của các nhóm cực đoan, Đức Giáo hoàng khẳng định rằng: “họ lấp đầy một khoảng trống của xã hội: vì mỗi gia đình phải nghĩ đến những gì liên hệ tới tương lai của con cái mình (58) và tạo một sức ép lành mạnh. Đức Thánh cha cũng cầu mong từ Hội nghị COP28 nảy sinh những “hình thức chuyển tiếp năng lượng có tính chất bó buộc”, hữu hiệu và dễ dàng theo dõi (59). “Chúng tôi hy vọng rằng những người can thiệp là những chiến lược gia có khả năng nghĩ đến công ích và tương lai con cái họ, thay vì nghĩ đến những lợi lộc nhất thời của vài quốc gia hoặc xí nghiệp. Ước gì thế giới có thể chứng tỏ sự cao thượng của chính trị chứ không phải sự ô nhục của chính trị” (60).

Một sự dấn thân nảy sinh từ đức tin Kitô

Sau cùng, Đức Thánh cha nhắc nhớ những động lực để dấn thân như thế nảy sinh từ đức tin Kitô và khuyến khích các anh chị em thuộc các tôn giáo khác cũng làm như vậy (61). “Vũ trụ quan Kitô Do thái hỗ trợ giá trị đặc thù và trung tâm của con người giữa cộng đồng tuyệt vời của mọi hữu thể. Chúng ta họp thành một thứ gia đình đại đồng, một sự hiệp thông cao quý thúc đẩy chúng ta tôn trọng thánh thiêng, đáng mến và khiêm tốn’ (67). “Đây không phải là một sản phẩm do ý chí chúng ta, vì Thiên Chúa đã liên kết chúng ta chặt chẽ với thế giới bao quanh ta” (69). Điều đáng kể là “không có những thay đổi lâu dài nếu không có những thay đổi văn hóa; và không có thay đổi văn hóa nếu không có những thay đổi trong con người” (70). “Những cố gắng của gia đình để giảm bớt ô nhiễm hơn, giảm bớt những phí phạm, tiêu thụ một cách khôn ngoan, tức là họ đang tạo ra một nền văn hóa mới”. (71).

Đức Thánh cha kết luận, với lời nhắc nhớ rằng “Những khí thải mỗi đầu người tại Mỹ gần gấp đôi so với số khí tại của mỗi người dân ở Trung Quốc, và 7 lần nhiều hơn so với mức trung bình của những nước nghèo nhất”. Và ngài khẳng định rằng “một sự thay đổi phổ biến về lối sống có trách nhiệm gắn liền với kiểu mẫu Tây phương, sẽ có ảnh hưởng về lâu về dài. Như thế, với những quyết định chính trị, chúng ta sẽ tiến bước trên con đường chăm sóc nhau” (72).

(Vatican News 4-10-2023)